Xơ gan là tình trạng các tế bào gan bị tổn thương liên tục trong thời gian dài, hình thành mô sẹo. Sau một khoảng thời gian dài bị tổn thương, các mô sẹo này xơ hóa thành xơ gan. Vậy triệu chứng xơ gan thường gặp là gì? Cùng Thu Cúc TCI tìm hiểu ngay ở bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Xơ gan
Tế bào gan khi bị tổn thương, sau một thời gian tự hồi phục tạo nên mô sẹo. Khi tế bào gan chưa kịp hồi phục, lại tiếp tục bị tổn thương sẽ làm gia tăng mô sẹo, dần dần hình thành xơ hóa gan. Những tổn thương mạn tính, không hồi phục này, kết hợp với sự hình thành nốt nhu mô tái sinh gan, gây nên hoại tử tế bào gan. Điều này làm xẹp khung nâng đỡ gan, dẫn đến sự lắng đọng của các tổ chức liên kết. Mạch máu trong gan giai đoạn này trở nên ngoằn ngoèo, khúc khủy, nhu mô còn lại phát triển thành từng nốt.
2. Triệu chứng xơ gan thường gặp
2.1 Giai đoạn đầu
Giai đoạn đầu triệu chứng xơ gan rất mơ hồ, dễ nhầm lẫn với những bệnh lý khác:
– Mệt mỏi, thiếu năng lượng, suy nhược cơ thể
– Chán ăn, ăn không ngon, giảm cân không chủ đích
– Buồn nôn, nôn, sốt nhẹ
2.2 Giai đoạn sau
Khi bệnh lý tiến triển mạnh hơn, tế bào gan bị tổn thương nặng, gây ảnh hưởng đến chức năng gan. Triệu chứng xuất hiện rầm rộ hơn:
– Vàng da, vàng mắt, đặc biệt là củng mạc mắt vàng, nước tiểu đậm, phân trắng
– Cảm giác ngứa ngáy trên da, sạm da
– Cơ thể va chạm nhẹ cũng dễ bị bầm tím, chảy máu khó cầm, dễ chảy máu răng, chảy máu mũi
– Dấu hiệu lòng bàn tay son, lòng bàn tay đỏ rực lên
– Nốt sao mạch xuất hiện ở mặt, ngực, bụng… Nốt sao mạch là mao mạch bị giãn hình thành
– Dịch thoát ra ngoại bào, gây nên hiện tượng phù tay chân, đặc biệt ở bàn chân, cẳng chân
– Tăng áp lực tĩnh mạch cửa, gây thoát dịch ra ngoài, tụ dịch ổ bụng
– Chất độc ở gan không lọc hết di chuyển lên não, gây lú lẫn, mất trí nhớ, tính cách hay cáu gắt
– Đi ngoài phân đen, nôn ra máu
– Giảm ham muốn tình dục, phụ nữ mãn kinh sớm, đàn ông teo tinh hoàn.
3. Nguyên nhân dẫn đến xơ gan
3.1 Triệu chứng xơ gan xuất hiện ở người lạm dụng rượu bia
Sử dụng rượu bia liên tục có thể dẫn tới xơ gan. Những người không uống thường xuyên nhưng uống quá nhiều vào một ngày, hàng tháng có mấy lần như vậy, thì cũng là nguyên nhân kích hoạt xơ gan phát triển.
3.2 Nhiễm virus viêm gan
Viêm gan B, C có thể dẫn tới xơ gan, ung thư gan. Virus viêm gan tấn công, làm tổn thương tế bào gan. Đặc biệt là những người bị viêm gan nhưng không phát hiện được bản thân bị viêm gan, sử dụng rượu bia, thức khuya nhiều dễ dẫn tới xơ gan nặng hơn.
3.3 Bệnh lý ở gan
Một số bệnh lý ở gan dễ gây nên xơ gan: gan nhiễm mỡ do rượu và không do rượu, viêm gan tự miễn, nhiễm độc chì, nhiễm độc đồng, bệnh Wilson, thiếu alpha-1 antitrypsin, hemochromatosis, hội chứng Alagille, các bệnh về dự trữ glycogen…
3.4 Lạm dụng thuốc
Lạm dụng thuốc làm tăng nguy cơ xơ gan: thuốc giảm đau, kháng viêm, kháng sinh, chống trầm cảm…
3.5 Nhiễm ký sinh trùng
Ký sinh trùng làm tăng nguy cơ xơ gan: ký sinh trùng sốt rét, sán lá gan… Chúng làm tổn thương trực tiếp tại tế bào gan, gây nên hiện tượng xơ gan.
3.6 Bệnh lý đường mật
Bệnh lý đường mật có thể dẫn tới xơ gan: tắc nghẽn ống mật, viêm túi mật, ung thư đường mật…
4. Chẩn đoán xơ gan dựa vào những chỉ số nào?
Để chẩn đoán bệnh xơ gan, bác sĩ cần khai thác bệnh sử, khám lâm sàng kết hợp xét nghiệm máu, siêu âm, thăm dò chức năng để biết được tình trạng bệnh như thế nào.
4.1 Tiền sử bệnh nhân có triệu chứng xơ gan
Bệnh nhân sẽ được khai thác về tiền sử dụng rượu bia, chất kích thích về số lượng, tần suất sử dụng. Ngoài ra, người bệnh sẽ được hỏi về những thuốc đang sử dụng, chế độ ăn uống, sinh hoạt, tiền sử bệnh lý ở gia đình và bản thân, tiền sử bệnh viêm gan B, C.
4.2 Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ kiểm tra triệu chứng trên da, niêm mạc mắt, tình trạng giãn mạch ở da mặt, da ngực, lòng bàn tay, tình trạng phù thũng ở chân. Ngoài ra bác sĩ còn ấn bụng, kiểm tra điểm đau khu trú và hình dạng nội tạng có bất thường hay không. Nghe tim phổi, bụng… tìm điểm bất thường trên thực thể.
4.3 Xét nghiệm máu
Một số xét nghiệm cơ bản có thể phát hiện tình trạng xơ gan: Nồng độ albumin, yếu tố đông máu, nồng độ men gan, bilirubin, điện giải, sắt, kháng thể, creatinin, alpha-fetoprotein, test nhanh virus viêm gan B, C, kiểm tra nồng độ virus trong cơ thể… Mỗi tình trạng bệnh nhân bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm thích hợp để kiểm tra, không bệnh nhân nào giống bệnh nhân nào.
Một số chỉ số thay đổi cảnh báo xơ gan:
– Nồng độ albumin thấp
– Yếu tố đông máu thiếu, thấp hơn bình thường
– Men gan tăng, bilirubin tăng
– Hạ Natri
– Nồng độ sắt cao (cảnh báo bệnh huyết sắc tố).
– Trong máu có thành phần tự kháng thể (cảnh báo viêm gan tự miễn hoặc xơ gan ứ mật nguyên phát).
– Bạch cầu tăng, cảnh báo nhiễm trùng.
– Creatinin tăng, cảnh báo chức năng thận suy yếu.
– Alpha-fetoprotein tăng cao cảnh báo có ung thư tế bào gan.
– Kiểm tra chỉ số hematocrit, số lượng hồng cầu thấp, cảnh báo tình trạng thiếu máu.
4.4 Chẩn đoán hình ảnh
Bác sĩ sẽ thấy được những tổn thương bên trong nội tạng cơ thể thông qua sự giúp đỡ của chẩn đoán hình ảnh: siêu âm, CT, MRI. Những phương pháp này giúp bác sĩ có thể thấy rõ được hình dạng, kết cấu của gan, tình trạng xơ hóa gan, đo lường được kích thước gan, chất béo trong gan, lượng dịch tích tụ trong ổ bụng. Bác sĩ có thể siêu âm ổ bụng kết hợp siêu âm đo đàn hồi mô gan để kiểm tra chính xác hơn. Một số trường hợp, bác sĩ yêu cầu nội soi để kiểm tra tình trạng giãn mạch, chảy máu, thực hiện nút mạch sớm để ngăn chặn nguy cơ mất máu cho bệnh nhân.
4.5 Sinh thiết
Trường hợp bệnh nhân có tổn thương khu trú, xét nghiệm có những chỉ số bất thường cảnh báo xơ gan, ung thư gan. Bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện chỉ định sinh thiết gan. Phương pháp này là phương pháp có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán xác định bệnh lý ở gan.
Xơ gan nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ có khả năng phục hồi cao hơn. Tuy nhiên, nếu điều trị khi có những triệu chứng rầm rộ, khả năng phục hồi là khó hơn. Lúc này, bác sĩ sẽ cân nhắc điều trị giảm nhẹ, bảo tồn, ngăn chặn phát triển và tránh ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận.