Có rất nhiều nguyên nhân gây suy giảm thị lực có thể kể đến như: rối loạn sắc giác, tật khúc xạ, đục thủy tinh thể,… Nhưng bệnh nhân hoàn toàn có thể bị suy giảm thị lực bởi 1 bệnh lý rất đơn giản như khi bạn bị đau mắt hột. Nhiều người còn chủ quan nghĩ bệnh có thể tự hết và không để lại bất cứ hậu quả gì nghiêm trọng. Vậy thực thế thì bệnh này ảnh hưởng đến mắt và thị lực như thế nào cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây của Thu Cúc TCI.
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm bệnh đau mắt hột
Đau mắt hột là bệnh viêm mạn tính giác mạc và kết mạc do vi khuẩn Chlamydia Trachomatis gây ra. Bệnh có tính chất lây lan do tiếp xúc với dịch mắt, mí mắt, mũi, họng hoặc dùng chung đồ dùng với người mắc.
Dấu hiệu ban đầu là mắt nổi các u cục nhỏ, khi chuyển nặng các hột to lên và nổi cộm, có thể bị vỡ gây nhiều đau đớn, khó chịu cho bệnh nhân. Những chỗ hột vỡ để lại sẹo kết mạc, lông mi có thể bị mọc quặp vào gây vướng víu. Khi lông mi mọc ngược, dễ khiến mắt gặp phải các tình trạng cực kỳ nghiêm trọng như: loét, thủng giác mạc. Ngoài ra, biến chứng khi bị đau mắt hột có thể gặp phải là: khô mắt, viêm bờ mi, giảm thị lực…
2. Triệu chứng khi bị đau mắt hột
Các triệu chứng khi bị đau mắt hột thường xuất hiện ở cả 2 bên mắt. Người mắc đau mắt hột thường có các triệu chứng dễ nhận thấy như:
– Ngứa mí mắt, sưng nhẹ, mắt và mí mắt kích ứng nhẹ
– Mắt kết nhiều ghèn, dịch nhầy hoặc mủ
– Có cảm giác đau mắt
– Nhạy cảm với ánh sáng
– Xuất hiện nhú gai có hình khối đa giác màu hồng. Các nhú gai này có trục mạch máu chính ở giữa, tỏa ra xung quanh, gây kích ứng, ngứa.
– Xuất hiện các nốt hột: đây là triệu chứng điển hình của bệnh đau mắt hột. Các hột nhỏ hình tròn, kích thước không đều có màu trắng, xám trắng xuất hiện nhiều ở kết mạc mi trên hoặc dưới. Các hột này có hệ thống mạch máu bao quanh khá dễ nhận ra.
– Xuất hiện sẹo ở kết mạc sụn mi trên. Sẹo chính là dấu hiệu cảnh báo bạn rằng bệnh đã tiến triển nặng hơn và lúc này bạn cần đến gặp bác sĩ gấp để điều trị bệnh.
Bệnh đau mắt hột tiến triển theo từng giai đoạn. Ở giai đoạn đầu chỉ là dấu hiệu sưng đỏ, ngứa nhẹ nhưng khi bệnh nhân chủ quan có thể gây đau và mờ mắt. Khi bệnh chuyển biến nặng thì việc giác mạc bị loét là hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy, đừng bỏ qua bất cứ bất thường nào của đôi mắt dù là nhỏ nhất.
3. Nguyên nhân gây ra bệnh đau mắt hột
Nguyên nhân gây ra bệnh đau mắt hột là do vi khuẩn Chlamydia Trachomatis. Đây là loại vi khuẩn có thể tồn tại tốt kể cả khi giá lạnh, với thời tiết nắng nóng trên 50 độ mới có khả năng chết. Ngoài ra, cần xét đến các yếu tố có nguy cơ cao khiến bệnh nhân bị bệnh đau mắt hột như:
– Những nơi có điều kiện sống thấp, ẩm thấp, thiếu vệ sinh có nguy cơ cao bị bệnh và lây lan bệnh ra diện rộng
– Mật độ sống đông đúc làm gia tăng khả năng mắc, tỷ lệ lây lan, tái nhiễm cũng cao hơn
– Không có thói quen vệ sinh sạch sẽ tay, mắt sẽ khiến mắt dễ bị các vi khuẩn tấn công
– Trẻ em dưới 10 tuổi có nguy cơ mắc cao hơn người lớn
– Nguồn nước không sạch, không đủ vệ sinh
Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khiến gia tăng tình trạng lây lan của bệnh đau mắt hột như:
– Tiếp xúc với dịch mũi, mắt,… của người bị đau mắt hột
– Dùng chung đồ dùng như khăn mặt với bệnh nhân
– Người trong cùng gia đình có nguy cơ bị lây lan cao hơn
– Thói quen dụi mắt khiến vi khuẩn lan ra tay, lây bệnh cho người khác và khiến tình trạng bệnh nặng hơn
Như vậy có thể thấy, bệnh đau mắt hột có thể đến từ yếu tố vệ sinh và cũng có thể được lây lan từ yếu tố vệ sinh. Do đó, việc giữ gìn vệ sinh cho bản thân và môi trường sống là cực kỳ quan trọng.
4. Điều trị đau mắt hột nhanh chóng
4.1. Điều trị bằng kháng sinh
Nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn nên bệnh nhân được chỉ định dùng kháng sinh để điều trị bệnh.
– Kháng sinh azithromycin 1 liều/ năm. Kháng sinh này có mũi nhắc lại do bệnh có nguy cơ tái phát. Liều nhắc lại từ 6 tháng đến 1 năm. Kháng sinh này dễ sử dụng với bệnh nhân, bệnh nhân không quên liều. Tuy nhiên, cần lưu ý về đối tượng sử dụng: phụ nữ mang thai và cho con bú, trẻ còi cọc, không đủ 1 tuổi sẽ không được chỉ định dùng.
– Kháng sinh uống hàng ngày trong 3 tuần. Bệnh nhân cần nhớ liều lượng cũng như kiên trì uống theo tần suất được chỉ định.
– Sử dụng thuốc mỡ tra mắt trong thời gian dài (khoảng 6 tháng). Đây là phương pháp đơn giản có ưu điểm rẻ tiền nhưng bệnh nhân dễ quên thuốc do cần sử dụng trong thời gian dài.
Việc điều trị bằng các loại thuốc sẽ đạt được hiệu quả tốt khi bệnh nhân vẫn tuân thủ các biện pháp vệ sinh:
– Vệ sinh tay, chân bằng nước sạch
– Chú ý đảm bảo vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý
– Không dùng chung đồ cá nhân với người bị đau mắt hột
– Kết hợp dùng nước mắt nhân tạo theo chỉ định
– Điều trị song song cho người trong gia đình, sống cùng không gian theo chỉ định
Nếu bệnh đã trở nặng, phương pháp dùng thuốc đã không còn mang lại hiệu quả thì bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật.
4.2. Phẫu thuật
Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật khi mắt có các dấu hiệu khi lên sẹo, có lông quặp vào trong gây tổn thương mắt. Do đó, phẫu thuật là điều cần làm để tránh các tổn thương sâu xảy ra.
Nhìn chung, đây là bệnh lý ta có thể phòng tránh bằng cách giữ gìn vệ sinh tay và mắt. Trường hợp đã mắc thì nên đến các cơ sở y tế uy tín tiến hành điều trị sớm, tránh lây lan và để lại những hậu quả nghiêm trọng. Chuyên khoa Mắt Thu Cúc TCI đồng hành cùng bệnh nhân trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh về mắt. Với các gói khám và cơ sở vật chất hiện đại, Thu Cúc TCI chắc chắn là địa chỉ đáng tin cậy với mọi nhà.