Loét bao tử (dạ dày) là bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến với tỷ lệ mắc có xu hướng ngày càng gia tăng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ung thư dạ dày. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi gợi ý cho bạn cách điều trị loét bao tử hiệu quả, ngăn chặn biến chứng bệnh tiêu hóa.
Menu xem nhanh:
1. Hiểu về loét bao tử
Loét bao tử (hay loét dạ dày) là tình trạng niêm mạc dạ dày bị tổn thương tạo ra các ổ viêm loét. Theo thống kê từ hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam, đây là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa với tỷ lệ 26%.
Đau bụng vùng thượng vị là dấu hiệu điển hình nhất của loét bao tử. Cơn đau thường liên quan đến bữa ăn (khi quá đói hoặc quá no), có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Các dấu hiệu khác có thể bao gồm: cảm giác chướng bụng khó tiêu; ợ chua hay ợ hơi; buồn nôn, nôn; chán ăn, ăn không ngon; rối loạn tiêu hóa, mất ngủ, giảm cân đột ngột; nôn ra máu; đi ngoài phân đen… Ngay khi nghi ngờ các dấu hiệu nói trên, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám.
Loét dạ dày có thể dễ dàng được chữa khỏi, tuy nhiên cũng có thể tiến triển xấu nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời và đúng cách. Các biến chứng người bệnh có thể gặp khi mắc viêm loét dạ dày mãn tính như:
– Chảy máu dạ dày (biểu hiện bởi nôn ra máu hay đại tiện ra máu)
– Thủng dạ dày
– Hẹp môn vị
– Ung thư dạ dày
Nguyên nhân chính gây bệnh được xác định là do nhiễm khuẩn HP (Chiếm hơn 80%). Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ như: Lạm dụng thuốc giảm đau, kháng viêm trong thời gian dài, hút thuốc lá, uống rượu bia, chế độ ăn nhiều gia vị, cay nóng, dầu mỡ, stress – căng thẳng kéo dài…
2. Các phương pháp điều trị loét bao tử hiệu quả
2.1 Điều trị loét bao tử bằng thuốc
Trước tiên, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám cũng như xác định được nguyên nhân, tình trạng bệnh. Dựa vào các chẩn đoán lâm sàng và các xét nghiệm, kiểm tra thêm, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị loét bao tử cho người bệnh sử dụng. Một số thuốc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng người bệnh có thể được chỉ định bao gồm:
– Thuốc kháng acid: giúp trung hòa acid trong dịch vị, làm giảm các triệu chứng ợ nóng hoặc khó tiêu do thừa acid trong dạ dày.
– Thuốc giảm tiết acid: làm giảm lượng acid tiết ra trong dạ dày, giúp làm giảm chứng ợ nóng.
– Thuốc ức chế bơm proton (PPI): giúp giảm nồng độ axit trong dạ dày do cơ chế ức chế số lượng thụ thể tạo axit HCL trong niêm mạc dạ dày.
– Thuốc bọc niêm mạc dạ dày: giúp tạo vỏ bọc quanh ổ loét, kích thích sản xuất chất nhầy và prostaglandinđể để bảo vệ niêm mạch dạ dày.
– Thuốc diệt HP: chỉ được chỉ định khi vi khuẩn HP là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày. Nghĩa là phải sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, tuân thủ chặt chẽ phác đồ nhằm hạn chế tình trạng đề kháng sinh.
Khuyến cáo: Người bệnh không được tự ý sử dụng bất cứ loại thuốc điều trị viêm loét dạ dày nào khi không được sự cho phép, tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa.
2.2 Điều trị phẫu thuật
Đối với các trường hợp sử dụng thuốc không mang lại chuyển biến tích cực, hoặc người bệnh không đáp ứng với thuốc kê đơn, phẫu thuật là phương pháp có thể được chỉ định. Người bệnh mắc các biến chứng nặng như chảy máu, thủng dạ dày, hẹp môn vị,…cũng cần thiết phải can thiệp ngoại khoa.
2.3. Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ
Sau khi đã uống hết thuốc theo đơn kê của bác sĩ, hoặc sau phẫu thuật điều trị viêm loét bao tử, người bệnh cần tái khám để được đánh giá lại kết quả sau khi sử dụng phác đồ điều trị. Mỗi trường hợp sẽ có các chuyển biến khác nhau tùy theo chế độ ăn uống, sinh hoạt cũng như cơ địa và tình trạng bệnh của bệnh nhân.
Đặc biệt lưu ý: Bệnh nhân tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc, hoặc bỏ tái khám khi thấy bệnh có dấu hiệu thuyên giảm triệu chứng. Mặt khác, người bệnh tuyệt đối không sử dụng lại đơn thuốc của những lần khám trước, hay sử dụng đơn thuốc điều trị viêm loét bao tử kê cho bệnh nhân khác. Điều này cực kì không khoa học, có thể khiến người bệnh bỏ sót diễn biến mới của bệnh, hoặc đôi khi còn phản tác dụng của thuốc.
Kể cả khi bệnh loét bao tử được điều trị ổn định, bệnh nhân vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc khám định kỳ để ngăn ngừa bệnh quay trở lại.
2.4. Sử dụng thực phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị loét bao tử
Bên cạnh tuân thủ các phác đồ điều trị nội – ngoại khoa, người bệnh có thể chủ động bổ sung các thực phẩm thân thiện với dạ dày, có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ điều trị viêm loét:
Chuối: có khả năng trung hòa nồng độ axit trong dịch vị dạ dày, giúp giảm viêm.
Cơm: mềm, dễ tiêu hóa, hạn chế kích thích dạ dày tiết acid gây đau, đồng thời có khả năng hấp thụ chất lỏng trong dạ dày, giảm nguy cơ tiêu chảy. Các thức ăn như: xôi, bánh mì, cháo, khoai… cũng cho kết quả tương đương.
Canh/ soup: đã được nấu chín, mềm, không gây “áp lực” với dạ dày, đồng thời nước trong canh đi khi vào dạ dày sẽ pha loãng nồng độ acid dịch vị, giúp quá trình tiêu hoá thức ăn dễ dàng hơn.
Nghệ và mật ong: Tinh bột nghệ kết hợp kết hợp với mật ong là vị thuốc nổi tiếng trong điều trị các bệnh lý dạ dày với công dụng như: chống viêm loét và giảm tiết dịch vị, kích thích tiêu hóa.
Nha đam: Tính kiềm trong nha đam có tác dụng trung hòa, kiểm soát nồng độ acid pepsin và HCl trong dạ dày. Sử dụng nước ép nha đam giúp ngăn tình trạng viêm niêm mạc, đồng thời giảm đầy hơi, nhuận tràng,…
Ngoài ra, nhiều bài thuốc đông y cũng có tác dụng tốt trong điều trị viêm loét bao tử. Tuy nhiên do được truyền miệng, không có nguồn gốc rõ ràng, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định sử dụng.
2.5. Điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý
Việc xây dựng một lối sống khoa học và chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh có ý nghĩa quan trọng trong phòng – điều trị các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa, trong đó có viêm loét bao tử. Các thói quen dưới đây sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh viêm loét bao tử một cách rõ rệt.
– Uống đủ nước, bổ sung các thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa như: trái cây, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt, bánh mỳ…
– Tránh ăn các loại thức ăn cay nóng, nên ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu hóa.
– Ăn đúng giờ, chia nhỏ bữa ăn, không nên để bản thân quá đói hoặc quá no, không nằm ngay sau ăn.
– Bỏ ngay thói quen hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích.
– Hạn chế tối đa sử dụng đồ uống chứa cồn như rượu, bia.
– Tránh thức khuya.
– Giữ tinh thần thoải mái, hạn chế căng thẳng và lo âu.
– Duy trì thói quen luyện tập thể dục hoặc chơi một môn thể thao phù hợp như: Đi bộ, yoga,…
Loét bao tử không phải bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng gây nhiều đau đớn, khó chịu cho người bệnh. Trường hợp không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biên chứng nghiêm trọng. Điều trị loét bao tử là điều cần thiết để đảm bảo chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.