Các triệu chứng bị viêm âm đạo luôn gây ra cho chị em phụ nữ những phiền toái, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của chị em. Vậy viêm âm đạo xuất hiện những triệu chứng nào? Phòng ngừa viêm âm đạo ra sao? hãy cùng Thu Cúc TCI tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Menu xem nhanh:
1. Các tác nhân chủ yếu gây nên viêm âm đạo
Viêm âm đạo là hiện tượng cơ quan sinh dục của chị em xuất hiện tình trạng viêm nhiễm, gây ngứa rát, khó chịu do mất cân bằng hệ vi khuẩn trong môi trường âm đạo hoặc cũng có thể do các yếu tố từ bên ngoài tác động như: vệ sinh không đúng cách, quan hệ tình dục không an toàn… Tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh mà sẽ xuất hiện các triệu chứng bệnh và cách điều trị cũng khác nhau.
1.1 Vi khuẩn là tác nhân gây nên viêm âm đạo
Vi khuẩn là nguyên nhân chính gây nên viêm âm đạo. Khi các vi khuẩn gây hại sinh sôi và phát triển quá mức, lấn át lợi khuẩn làm biến đổi môi trường âm đạo gây nên hiện tượng viêm nhiễm.
Thông thường, loại vi khuẩn thường được tìm thấy trong âm đạo chính là Lactobacillus: đây là loại vi khuẩn lành mạnh sống trong âm đạo của phụ nữ và giúp duy trì độ pH cân bằng. Nếu lượng Lactobacillus giảm, độ pH của âm đạo có thể bị thay đổi và mở ra cơ hội cho các loại vi khuẩn xâm nhập.
1.2 Viêm âm đạo do bị nhiễm nấm men
Tình trạng tăng sinh quá mức của sinh vật nấm trong âm đạo, thường là Candida albicans. Chúng gây ra nhiễm trùng ở các khu vực ẩm ướt khác trên cơ thể như: tưa miệng, nếp gấp da hay giường móng tay… Đặc biệt, phụ nữ mang thai hay mắc bệnh tiểu đường sẽ là đối tượng thường gặp phải nấm Candida albicans. Ngoài ra, việc lạm dụng thuốc kháng sinh cũng có thể làm giảm số lượng lợi khuẩn trong âm đạo, tạo điều kiện cho nấm Candida phát triển.
Mặc dù viêm âm đạo do nấm Candida ít lây qua đường tình dục, nhưng nếu tái phát nhiều lần thì cần kết hợp điều trị đồng thời với bạn tình.
1.3 Viêm âm đạo do Trichomonas
Viêm âm đạo do Trichomonas là một trong những loại nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục phổ biến. Loại ký sinh trùng đơn bào được gọi là Trichomonas vaginalis được xem là nguyên nhân gây bệnh. Vi sinh vật này thường lây lan qua quá trình quan hệ tình dục với người bị nhiễm trùng. Tuy nhiên, ở nam giới, Trichomonas thường nhiễm vào đường tiết niệu, nhưng không gây ra triệu chứng. Trong khi đó, ở phụ nữ, nhiễm Trichomonas thường lây nhiễm vào âm đạo và có thể gây ra các triệu chứng khó chịu. Vi khuẩn này cũng làm tăng nguy cơ phụ nữ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
1.4 Viêm âm đạo không phải do nhiễm trùng
Các loại dung dịch chị em sử dụng như: thuốc xịt âm đạo, thụt rửa, xà phòng thơm, chất tẩy rửa có mùi thơm có thể gây ra phản ứng hoặc kích thích các mô âm hộ và âm đạo. Các vật thể lạ, chẳng hạn như giấy lụa hoặc tampon bị bỏ quên trong âm đạo, cũng có thể gây kích ứng cho các mô âm đạo.
Ngoài ra, viêm âm đạo còn có thể do chị em mắc phải bệnh Lậu hoặc do bị teo âm đạo, hay sử dụng kháng sinh trong điều trị các bệnh lý với thời gian dài.
2. Các triệu chứng khi chị em bị viêm âm đạo
2.1 Tổng hợp các triệu chứng thường gặp khi bị viêm âm đạo
– Sự thay đổi màu sắc của âm đạo, mùi hoặc lượng dịch tiết ra từ âm đạo
– Ngứa và kích thích âm đạo
– Cảm thấy đau khi giao hợp và đau khi đi tiểu.
Nếu có dịch tiết âm đạo, đặc điểm của dịch tiết có thể chỉ ra loại viêm âm đạo đang mắc phải. Quan sát dịch tiết để xác định được phần nào nguyên nhân gây ra viêm âm đạo
– Viêm âm đạo do vi khuẩn thường tiết ra chất dịch màu trắng xám, có mùi hôi và mùi tanh, đặc biệt thấy rõ sau khi quan hệ tình dục. Nếu như viêm nhiễm âm đạo do vi khuẩn Gardnerella vaginalis gây nên thì sẽ có các triệu chứng như: Ra nhiều khí hư có màu xám hay đục, mùi hôi tanh khó chịu, nất là những ngày trong chu kỳ kinh nguyệt, khi rụng trứng hoặc khi quan hệ tình dục.
– Nhiễm nấm men: triệu chứng phổ biến là gây ngứa và có chất dịch màu trắng hoặc khí hư có dạng lỏng hoặc mủ, đau rát ngứa ngáy xung quanh âm hộ và tiểu buốt hoặc đau rát quan hệ tình dục.
– Viêm âm đạo do Trichomonas có thể gây ra dịch tiết màu vàng xanh, có mùi hôi khó chịu, vùng kín ngứa ngáy và đau khi giao hợp, cảm giác đau, nóng rát mỗi lần tiểu tiện.
Ngoài ra, một số triệu chứng kèm theo có thể kể đến là hiện tượng đau tức vùng bụng dưới, rau máu bất thường… Việc xác định chính xác loại viêm âm đạo đang mắc phải là rất quan trọng để có phương pháp điều trị hiệu quả.
2.2 Cần làm gì khi có các triệu chứng bị viêm âm đạo?
Viêm âm đạo là tình trạng phổ biến ảnh hưởng đến phụ nữ ở mọi độ tuổi. Nếu như chị em có bất kỳ triệu chứng nào như đã nêu trên thì nguy cơ cao chị em đang bị viêm âm đạo. Việc khám và điều trị kịp thời sẽ giúp bạn tránh được những biến chứng nguy hiểm.
Chị em nên đến gặp bác sĩ để được khám và chẩn đoán chính xác. Bác sĩ sẽ thu thập mẫu dịch âm đạo và kiểm tra để xác định loại vi khuẩn hoặc nấm gây ra bệnh. Sau đó, bác sĩ sẽ đưa ra cho chị em phương pháp điều trị phù hợp.
Ngoài ra, bạn nên thực hiện những điều sau đây để giảm thiểu triệu chứng và ngăn ngừa tái phát:
– Giữ vùng kín luôn được sạch sẽ, khô ráo.
– Sử dụng đồ dùng vệ sinh cá nhân riêng biệt.
– Tránh sử dụng những sản phẩm chứa hóa chất mạnh hoặc nhiều màu sắc.
– Thay mới quần lót thường xuyên và sử dụng loại quần lót thoáng khí.
– Tránh dùng thuốc kháng sinh không cần thiết và sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
Viêm âm đạo có thể gây ra sự khó chịu và mất tự tin cho phụ nữ. Tuy nhiên, viêm âm đạo là bệnh có thể điều trị được và bạn không cần phải chấp nhận nó là một phần tự nhiên của cuộc sống. Vì vậy, hãy chăm sóc sức khỏe của mình và luôn đến gặp bác sĩ khi cần thiết để giữ cho cơ thể của bạn khỏe mạnh.
Trên đây là những chia sẻ của Thu Cúc TCI về các triệu chứng bị viêm âm đạo, hy vọng đã giải tỏa cho chị em những băn khoăn thường trực. Nếu cần thêm các thông tin khác liên quan đến chủ đề sức khỏe phụ khoa, vui lòng liên hệ Thu Cúc TCI để được hỗ trợ nhanh chóng.