Siêu âm khớp cổ chân là phương pháp hiệu quả để giúp bác sĩ chẩn đoán được hầu hết bệnh lý và chấn thương xảy ra ở khớp cổ chân. Các bệnh lý về cơ xương khớp ở cổ chân tuy không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng có thể dẫn đến sự khó khăn trong việc sinh hoạt, thậm chí để lại dị tật nếu không được can thiệp điều trị kịp thời.
Menu xem nhanh:
1. Thế nào là siêu âm khớp cổ chân?
Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn có sử dụng sóng âm cao tần (7 – 15 Mhz) để quét qua toàn bộ hệ thống cơ xương khớp ở vùng cổ chân. Từ đó, máy tính sẽ tái tạo sóng âm phản hồi thu được, vẽ nên cấu trúc không gian 3D ở bên trong cổ chân giúp bác sĩ quan sát và chẩn đoán bệnh.
Nhiều cấu trúc quan trọng về mặt lâm sàng xung quanh cổ chân có thể được nhìn thấy rõ nét trên hình ảnh siêu âm cho vùng khớp cổ chân.
Ngoài ra, kỹ thuật siêu âm cho vùng khớp cổ chân còn mang lại nhiều lợi ích to lớn khác như:
– Tính an toàn và tiết kiệm: Phương pháp này sử dụng công nghệ sóng âm, không gây xâm lấn, không đau, không cần nghỉ dưỡng, không sử dụng tia bức xạ nên không gây biến chứng và giúp tiết kiệm chi phí.
– Khả năng nhận dạng không gian 3D: Cho phép bác sĩ đánh giá được chi tiết các rối loạn về gân, dây thần kinh và dây chằng dễ dàng hơn các phương thức chẩn đoán hình ảnh khác.
– Hình ảnh động theo thời gian thực: Điều này giúp bác sĩ hình dung được sự phối hợp động lực học ở bên trong vùng khớp gối theo thời gian thực, cho phép thấy những phần bất ổn vốn không thể quan sát rõ ràng trên hình ảnh tĩnh của những phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như vết rách cơ, góc trật khớp, tổn thương của gân, dây chằng và dây thần kinh ngoại vi nhỏ tại mắt cá chân.
2. Vai trò của kỹ thuật siêu âm khớp cổ chân
2.1. Siêu âm khớp cổ chân giúp chẩn đoán bệnh lý
Siêu âm cho vùng khớp cổ chân cung cấp nhiều hình ảnh chi tiết của gân, dây chằng, dây thần kinh và mô mềm ở xung quanh mắt cá chân một cách an toàn. Do đó, kỹ thuật này là công cụ hiệu quả để bác sĩ chẩn đoán được một loạt những bệnh lý ở vùng cổ chân như:
– Cơ, gân và dây chằng: Chẩn đoán được tình trạng viêm gân, viêm bao gân, tổn thương cơ (mạn tính và cấp tính).
– Khớp: Giúp xác định được tình trạng trật khớp, thấp khớp, viêm khớp cấp tính hoặc mạn tính.
– Bao hoạt dịch: Chẩn đoán tình trạng bị viêm, sưng, rò rỉ bao hoạt dịch, viêm màng hoạt dịch hoặc tràn dịch khớp do chấn thương.
– Hệ thần kinh: Xác định được hội chứng đường hầm cổ chân (rối loạn thần kinh chày sau).
– Hệ mạch máu: Chẩn đoán bệnh tụ máu ngoài thành mạch máu, bệnh tắc nghẽn do xơ vữa động mạch ngoại biên, suy tĩnh mạch mạn tính, huyết khối tĩnh mạch sâu.
– Các bệnh khác: Xác định biến chứng sau phẫu thuật như áp xe, phù nề, hội chứng sau huyết khối – do van tĩnh mạch bị hỏng sau chấn thương.
2.2. Siêu âm khớp cổ chân giúp kiểm tra và đánh giá chấn thương
Chấn thương mắt cá chân xảy ra khi phần khớp mắt cá chân bị xoắn quá mức, xa khỏi vị trí bình thường của nó. Nhìn chung, chấn thương ở khớp cổ chân có thể đến từ việc:
– Đi giày cao gót hoặc trượt chân, vấp ngã hoặc tiếp đất sai cách sau một cú nhảy.
– Đi bộ/ chạy nhảy trên bề mặt không bằng phẳng
– Một tai nạn do va chạm đột ngột, ví dụ như một vụ va chạm xe.
– Bị xoắn hoặc xoay mắt cá chân bất ngờ khi chơi thể thao…
Trong trường hợp này, siêu âm cho vùng khớp cổ chân sẽ giúp bạn kiểm tra và đánh giá:
– Tình trạng bị bong gân do chấn thương /rách /đứt dây chằng.
– Tình trạng sưng/ viêm/ rách bao hoạt dịch do bị va đập mạnh.
– Tình trạng trật khớp cổ chân, rách sụn, lòi sụn và nứt xương.
– Tình trạng tụ máu bầm, rách mạch máu khiến cho khớp cổ chân bầm tím.
– Tình trạng gãy xương, nứt xương và mẻ xương do tai nạn.
2.3. Siêu âm giúp phát hiện khối u
Trong số các khối u xương và mô mềm thì chỉ có khoảng 7% là các khối u đã xảy ra ở bàn chân và cổ chân. Phương pháp siêu âm này có thể giúp phát hiện được những khối mô mềm như hạch, u mỡ hoặc u thần kinh Morton. Khối u ở khớp cổ chân nhìn chung lành tính (không phải ung thư) nên bạn không cần quá lo lắng.
Siêu âm cho vùng khớp cổ chân bên cạnh việc giúp phát hiện được khối u, còn tiết lộ bản chất rắn của khối u như u rắn, u mỡ, nang hoặc u hỗn hợp. Tuy nhiên, kỹ thuật này không thể cho biết liệu khối u đó có phải là ung thư không. Một số khối u nằm ở sâu trong xương cũng sẽ không được phát hiện từ kỹ thuật này bởi hạn chế của sóng siêu âm là không thể xuyên qua được xương.
3. Quy trình thực hiện siêu âm cho vùng khớp cổ chân
3.1. Chuẩn bị siêu âm
Trước khi tiến hành siêu âm, bác sĩ sẽ giải thích cặn kẽ quy trình cho bạn. Bạn sẽ được yêu cầu tháo bỏ giày và tất, nằm hoặc đứng trên giường – tùy theo yêu cầu của bác sĩ.
3.2. Thực hiện siêu âm
Quy trình siêu âm diễn ra khá đơn giản và thường bao gồm 3 bước đó là:
Bước 1: Bác sĩ sẽ bôi một lượng nhỏ gel siêu âm vào vùng cổ chân của bạn.
Bước 2: Đầu dò siêu âm được đặt lên vùng cổ chân và di chuyển theo những hướng khác nhau. Bạn cũng có thể được yêu cầu cử động chân trong quá trình thực hiện siêu âm để bác sĩ nhìn được khu vực bị ảnh hưởng khi nó đang chuyển động.
Trong quá trình siêu âm, bác sĩ sẽ liên tục nhìn màn hình, tiến hành chụp ảnh siêu âm và giải thích các phát hiện mới mà bác sĩ thấy được ở trên màn hình cho bạn hiểu.
Bước 3: Kết thúc buổi siêu âm, bác sĩ sẽ lau sạch gel trên vùng cổ chân của bạn. Sau đó, bạn có thể ra về ngay.
Một buổi siêu âm cho vùng khớp cổ chân thường kéo dài khoảng 10 – 15 phút.
Để đảm bảo kết quả siêu âm được chính xác, một vấn đề quan trọng mà bạn không thể bỏ qua chính là lựa chọn cho mình địa chỉ thăm khám uy tín. Hiện nay, Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI là một trong những cơ sở y tế được nhiều người dân lựa chọn khi có nhu cầu khám chữa bệnh. Tại đây quy tụ đội ngũ bác sĩ giỏi, trình độ chuyên môn cao cùng hệ thống máy móc hiện đại. Qua đó giúp người bệnh hoàn toàn yên tâm khi thực hiện thăm khám và nhận được sự tư vấn điều trị phù hợp nếu phát hiện bệnh.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về kỹ thuật siêu âm cho vùng khớp cổ chân. Đừng quên chủ động đi thăm khám sức khỏe để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, ngăn chặn biến chứng nguy hiểm nhé!