Đục thủy tinh thể là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tình trạng mù lòa, mất thị lực của hàng chục triệu người cao tuổi trên toàn cầu hiện nay. Cách tốt nhất để lấy lại thị lực sáng khỏe cho những người bị đục thủy tinh thể chính là phẫu thuật. Cùng tìm hiểu chi tiết hơn về kỹ thuật mổ đục thủy tinh thể ngay trong bài viết sau.
Menu xem nhanh:
1. Đục thuỷ tinh thể là gì?
Thủy tinh thể đảm nhiệm vai trò điều tiết giúp mắt có thể nhìn được mọi vật ở khoảng cách gần xa với điều kiện thủy tinh thể đảm bảo trong suốt, độ dày và các mặt cong nằm trong giới hạn sinh lý. Đồng thời, thủy tinh thể còn có chức năng lọc tia tử ngoại có hại, trong phổ bức xạ của mặt trời. Tình trạng phân tử protein không hòa tan mà tích tụ trong thủy tinh thể làm mất đi tính trong suốt được gọi là đục thủy tinh thể. Đục thủy tinh thể được đánh giá là nghiêm trọng khi thị lực giảm sút dưới 3/10.
Bệnh được phân chia thành: Đục thủy tinh thể do tuổi già và đục thủy tinh thể do chấn thương.
– Đục thủy tinh thể hình thành trong quá trình lão hóa của cơ thể chiếm số lượng rất lớn, thường tập trung ở những người sau độ tuổi 50. Khi đó, mắt người bệnh mờ dần theo thời gian, không gây đau đớn nên khó phát hiện.
– Đục thủy tinh thể do chấn thương khiến mọi người mất thị lực đột ngột, mắt rất nhạy cảm với ánh sáng.
Đục thủy tinh thể càng nghiêm trọng thì nguy cơ biến chứng tăng nhãn áp và vỡ bao càng cao. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, đục thủy tinh thể là nguyên nhân hàng đầu khiến người bệnh bị mất thị lực vĩnh viễn. Nếu phát hiện muộn, dù phẫu thuật cũng khó có thể hồi phục thị lực hoàn toàn và tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Bởi vậy, cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe thị lực chính là thăm khám sớm và điều trị kịp thời khi phát hiện các dấu hiệu bất thường.
2. Mổ đục thuỷ tinh thể
Mổ đục thủy tinh thể là kỹ thuật phẫu thuật nội nhãn phức tạp, đòi hỏi trình độ kỹ thuật rất cao cùng chuyên môn bác sĩ sâu dày. Hiện nay, công nghệ Phaco được đánh giá là phương pháp mổ đục thủy tinh thể hiệu quả, hiện đại nhất được áp dụng tại nhiều bệnh viện lớn trong và ngoài nước.
2.1. Phẫu thuật Phaco là gì?
Hiện nay, Phaco (Phacoemulsification) là phương pháp phẫu thuật sử dụng năng lượng sóng siêu âm để tán và tách thủy tinh thể đục thành các mảnh nhỏ, sau đó hút ra ngoài qua một vết mổ nhỏ và thay bằng thủy tinh thể nhân tạo mà không cần khâu. Đây là một phương pháp được đánh giá là tiên tiến, an toàn và hiệu quả nhất hiện nay trong việc khắc phục đục thủy tinh thể.
Ưu điểm của mổ Phaco:
– Vết mổ nhỏ chỉ từ 2,2mm
– Phục hồi thị lực tức thì
– Thời gian mổ từ 20-30 phút
– Hạn chế đau, chảy máu
– Xuất viện trong ngày
– Không có nguy cơ biến chứng…
2.2. Lưu ý trước phẫu thuật
– Khám mắt là việc quan trọng hàng đầu cần làm để bệnh nhân được đánh giá về tình trạng, mức độ của bệnh và tỷ lệ phù hợp với phương pháp phẫu thuật Phaco.
– Chia sẻ với các bác sĩ về những loại thuốc bạn đang uống để điều trị bệnh lý toàn thân. Một số trường hợp phải ngừng thuốc để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
– Nếu bệnh nhân bị đục thủy tinh thể ở cả hai mắt thì cần phải chăm sóc hậu phẫu khoa học để mắt đã phẫu thuật hồi phục hoàn toàn rồi mới tiến hành phẫu thuật ở mắt còn lại.
– Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học để đảm bảo sức khỏe và luôn giữ trạng thái lạc quan trước phẫu thuật.
– Trước mổ, bệnh nhân cần được thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh… Điều này nhằm giúp cho các bác sĩ có thể lường trước tình huống phát sinh, dự đoán kết quả để hạn chế biến chứng có thể xảy ra.
2.3. Quy trình mổ đục thủy tinh thể
Bước 1: Thăm khám với bác sĩ nhãn khoa để xác định tình trạng đục thủy tinh thể giúp bác sĩ có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp và hiệu quả nhất cho từng người bệnh.
Bước 2: Gây tê màng mắt để người bệnh cảm thấy thoải mái nhất trong quá trình phẫu thuật.
Bước 3: Tạo một đường rạch nhỏ trên giác mạc và tiến hành tách màng bao trước thể thủy tinh ở giữa tiền phòng.
Bước 4: Tán nhuyễn và hút bỏ phần thể thủy tinh bị đục ra ngoài.
Bước 5: Ghép ống kính nội nhãn và điều chỉnh cố định vị trí của thấu kính để khôi phục thị lực cho mắt.
Bước 6: Khử trùng và vệ sinh vùng mắt để hoàn tất quá trình phẫu thuật.
Bước 7: Theo dõi hậu phẫu khoảng 1 tiếng, sau đó người bệnh có thể xuất viện theo chỉ định của bác sĩ và chăm sóc tại nhà theo hướng dẫn.
3. Hiệu quả phẫu thuật
Mục đích của phẫu thuật là thay thể thủy tinh thể nhân tạo để cải thiện thị lực. Vật liệu được sử dụng để chế tác thủy tinh thể nhân tạo thường là silicon, plastic hoặc acrylic… có độ bền cao, tuổi thọ gần như vĩnh viễn. Chính vì vậy, thị lực gần như được cải thiện tuyệt đối và lâu dài nếu người bệnh được chăm sóc một cách khoa học và không có chấn thương phát sinh.
Tuy vậy, độ tuổi phẫu thuật càng lớn thì hiệu quả càng giảm nên mọi người cần thăm khám và điều trị sớm.
Phần lớn các trường hợp đã phẫu thuật không cần thay thủy tinh thể nhiều lần vì thị lực đã cải thiện đáng kể. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp cần phải phẫu thuật lại để điều chỉnh đối với trường hợp thủy tinh thể bị lệch hoặc bị chấn thương vùng mắt nghiêm trọng.
4. Chăm sóc hậu phẫu
Về cơ bản, thị lực có thể hồi phục đáng kể sau khi phẫu thuật nhưng với điều kiện mọi người phải chăm sóc hậu phẫu khoa học. Để duy trì tốt khả năng nhìn cũng như sức khỏe đôi mắt, mọi người cần:
– Tái khám ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường ở mắt sau khi phẫu thuật đục thủy tinh thể.
– Vệ sinh mắt hằng ngày bằng gạc và dung dịch rửa mắt chuyên dụng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
– Tăng cường bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, vitamin, khoáng chất thiết yếu thông qua thực phẩm tươi xanh, lành mạnh.
– Sử dụng kính chống bụi để bảo vệ mắt khi ra ngoài.
– Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử tần suất cao, đặc biệt là thời điểm vừa mới tiến hành phẫu thuật xong.
– Không dụi mắt, đè tay lên mắt để tránh gây nhiễm trùng và xô lệch thủy tinh thể.
– Thăm khám sức khỏe nhãn khoa thường xuyên từ 1-2 lần/năm để chủ động điều trị bệnh lý khi ở giai đoạn sớm.
Mổ đục thủy tinh thể giúp khắc phục hiệu quả tình trạng nhìn mờ, suy giảm thị lực do thủy tinh thể bị đục gây ra. Tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả hồi phục thị lực cao nhất, mọi người cần thăm khám sớm và phẫu thuật kịp thời theo chỉ định của bác sĩ nhãn khoa chuyên môn cao.