Khi sinh non, trẻ phải đối mặt với nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm như bệnh võng mạc trẻ đẻ non. Lý do là bởi trẻ sinh non vẫn chưa có đủ thời gian phát triển hoàn toàn các bộ phận trên cơ thể và các chức năng còn đang hoàn thiện. Vậy bệnh lý võng mạc ở trẻ đẻ non có thực sự nguy hiểm? Trong bài viết dưới đây, cùng Thu Cúc TCI tìm hiểu về bệnh võng mạc trẻ đẻ non ngay nhé.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu bệnh võng mạc trẻ đẻ non là gì?
Bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non có tên tiếng anh là Retinopathy of prematurity- ROP, là một bệnh lý thường gặp ở trẻ sinh non trước 31 tuần tuổi hoặc trẻ sinh non có cân nặng dưới 1,25kg. Bệnh này xảy ra khi mạch máu ở võng mạc phát triển một cách bất thường. Nếu vấn đề về võng mạc trẻ đẻ non không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách có thể gây mất thị giác tạm thời hoặc mù lòa.
2. Các nguyên nhân khiến trẻ bị mắc bệnh võng mạc trẻ sinh non là gì?
Để hiểu hơn về nguyên nhân, trước tiên hãy cùng tìm hiểu một chút về quá trình phát triển mắt của trẻ. Với trẻ sơ sinh, ở tuần thứ 16 của thai kỳ mắt bắt đầu hình thành dần bằng các mạch máu võng mạc, dây thần kinh thị giác… Theo thời gian, các mạch máu võng mạc dần phát triển về phía rìa võng mạc, nhờ đó cung cấp oxy và dưỡng chất cho võng mạc.
Chu trình phát triển này diễn ra nhanh hơn, mạnh mẽ hơn ở tuần thứ 28 trở đi của thai kỳ. Khi ấy, trẻ sinh chưa đủ tháng dẫn đến quá trình phát triển mạch máu ở võng mạc bị gián đoạn, võng mạc đang hoàn thiện mà không được cung cấp đủ oxy và dưỡng chất sẽ có thể bị các bệnh võng mạc.
Trẻ đẻ non và có mức cân nặng quá thấp có nguy cơ cao mắc bệnh võng mạc. Một số đối tượng cần được theo dõi và kiểm tra nếu cần để phát hiện sớm bệnh lý võng mạc như sau:
– Trẻ đẻ non khoảng dưới 31 tuần tuổi.
– Trường hợp đa thai, trẻ có cân nặng từ khi sinh ra chỉ tầm 1,5kg-2kg.
– Trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 1,5kg cũng có nguy cơ cao.
– Trẻ sơ sinh dưới 2kg mắc các bệnh lý kèm theo như: bị ngạt lúc sinh nên phải thở oxy máy, có bệnh màng bong, viêm phế quản, thiếu máu…
3. Mức độ nguy hiểm của bệnh lý võng mạc ở trẻ đẻ non
Vì bệnh lý võng mạc trẻ sinh non này thường chỉ xuất hiện ở trẻ đẻ non, trẻ sơ sinh nhẹ cân nên rất khó để phát hiện. Nếu phát hiện muộn, bệnh ở mức độ nặng thì mắt có thể có nguy cơ bị mất thị lực vĩnh viễn.
Tình trạng bệnh võng mạc trẻ sinh non này cũng chia ra thành 2 mức độ là nhẹ và nặng. Với mức độ bệnh võng mạc nhẹ, có thể tự cải thiện và không để lại biến chứng. Phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để khám mắt định kỳ và tuân thủ theo phác đồ điều trị bệnh của bác sĩ nếu có. Điều này nhằm đảm bảo sự an toàn tối đa cho mắt trẻ sơ sinh và tránh các bệnh lý về mắt khác trong tương lai. Như đã nói ở trên, trường hợp điều trị bệnh lý võng mạc trẻ sinh non quá muộn hoặc sai cách có thể để lại di chứng về sau, thậm chí mù lòa.
4. 4 Phương pháp điều trị bệnh võng mạc trẻ sinh non
Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh lý võng mạc cho trẻ sơ sinh hiệu quả như điều trị laser, lạnh đông, thắt củng mạc… Tuy nhiên, dựa vào tình trạng bệnh lý võng mạc ở trẻ sơ sinh, giai đoạn tiến triển của bệnh,… mà bác sĩ sẽ có chỉ định loại phẫu thuật phù hợp.
– Với trẻ đẻ non mắc võng mạc tiến triển, nhất là ở giai đoạn III sẽ phù hợp với 2 phương pháp phẫu thuật điều trị laser và lạnh đông.
– Với trẻ đẻ non mắc bệnh lý võng mạc giai đoạn sau thì thường phù hợp với phương pháp thắt củng mạc và phẫu thuật dịch kính.
4.1 Điều trị võng mạc trẻ đẻ non bằng laser
Điều trị bằng laser là một phương pháp điều trị có xâm lấn mắt trẻ sơ sinh. Phương pháp này sẽ phá hủy vùng ngoại vi – nơi có các mạch máu bất thường của võng mạc trẻ sinh non.
4.2 Điều trị lạnh đông
Đây cũng là một phương pháp điều trị có xâm lấn và đem lại hiệu quả tốt. Bác sĩ khi thực hiện sẽ làm đóng băng các điểm nằm trên bề mặt mắt và ở các vùng ngoại vi võng mạc. Việc đóng băng này giúp làm chậm hoặc đảo ngược quá trình tăng trưởng dị thường của mạch máu võng mạc.
4.3 Điều trị võng mạc trẻ đẻ non bằng thắt củng mạc
Thắt củng mạc được thực hiện với những trẻ sơ sinh mắc bệnh võng mạc ở giai đoạn IV hoặc V. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ đặt một miếng silicon dán chặt quanh mắt. Mục đích để giữ cho dịch thủy tinh không làm bong các mô sẹo và võng mạc trở nên bằng phẳng ở thành sau mắt. Hạn chế của phương pháp này là sau vài tháng hoặc vài năm lại phải thay miếng silicon nếu không mắt có thể sẽ bị cận thị.
4.4 Điều trị bằng phẫu thuật dịch kính võng mạc
Phương pháp này thường được thực hiện ở giai đoạn V và theo chỉ định của bác sĩ. Thông qua việc loại bỏ thủy dịch trong mắt và thay thế nó bằng loại dung dịch muối đẳng trương, bác sĩ có thể bóc hoặc cắt bỏ sẹo trên võng mạc để nó giãn ra và tiến sát thành sau mắt.
5. Một số lưu ý khi điều trị bệnh lý võng mạc trẻ sinh non
Một số lưu ý trong quá trình điều trị bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non như sau:
– Tuân thủ chỉ định của bác sĩ trong quá trình điều trị bệnh như về liều lượng và thời gian uống thuốc, thời gian nghỉ ngơi,…
– Tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ điều trị là điều vô cùng quan trọng giúp bác sĩ có thể dựa vào tình trạng sức khỏe hiện tại của bé để có phác đồ điều trị hiệu quả. Đối với những trẻ lần đầu đến khám và chẩn đoán bệnh võng mạc nhẹ (tức giai đoạn 1,2) thì sẽ được hẹn lịch khám vào lần tiếp theo sau vài ngày hoặc vài tuần. Nếu sau lần khám tiếp theo mắt bé có sự hồi phục, tiến triển tốt thì phụ huynh có thể an tâm hơn, nhưng tạm thời bé có thể bị một số khuyết điểm như lé, cận thị,…
– Trong một số trường hợp bé bị bệnh không đều giữa hai mắt, thì bác sĩ có thể sẽ phải phẫu thuật mắt cho bé ở bên mắt bị nặng hơn. Với bên mắt còn lại nhẹ hơn, bác sĩ sẽ có thẻ dùng biện pháp cải thiện khác mà không cần phẫu thuật.
Hy vọng những thông tin về bệnh võng mạc trẻ đẻ non hữu ích với bạn đọc. Tốt nhất khi trẻ sinh non hoặc nhẹ cân phụ huynh nên cho bé đi tầm soát sau sinh để phát hiện và điều trị kịp thời những bệnh lý có thể mắc phải.