Những vết sâu răng ban đầu thường bắt đầu nhỏ, có thể không gây ra cảm giác đau. Khi đó, chúng ta khó có thể nhận biết ngay. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc kịp thời, chúng có thể tiến triển sâu vào lớp men răng, tác động đến mô răng và thậm chí làm hại đến dây thần kinh. Để nắm rõ hơn, chúng ta hãy cùng tìm hiểu quá trình sâu răng phát triển.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu tổng quan về bệnh sâu răng
1.1 Thế nào là bệnh sâu răng?
sâu răng là một vấn đề phổ biến khi nói về các bệnh lý nha khoa. Tình trạng xảy ra khi vi khuẩn gây hại tấn công vào cấu trúc của răng. Chúng gây hại cho lớp men răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn, tạo thành lỗ sâu.
Mảng bám răng có chứa vi khuẩn, tế bào biểu mô chết và các mảnh vụn thức ăn. Chúng phát triển trên bề mặt của răng. Vi khuẩn trong mảng bám răng tiêu hóa đường và tinh bột từ thức ăn, Từ đó axit sẽ được tạo ra. Những axit này tác động lên lớp men của răng, gây ra quá trình phá hủy men răng và hình thành sâu răng.
1.2 Dấu hiệu nhận biết bệnh sâu răng
Các dấu hiệu thường gặp của bệnh sâu răng bao gồm:
– Đau răng: Đây là một trong những triệu chứng phổ biến của sâu răng. Đau răng có thể nhẹ hoặc trở nên nghiêm trọng. Điều này còn tùy thuộc vào mức độ của bệnh như thế nào.
– Răng nhạy cảm: Sâu răng có thể làm cho răng nhạy cảm hơn bình thường. Với các kích thích như nhiệt độ hoặc thức ăn, uống ngọt, nóng, lạnh, răng sẽ đau nhức.
– Lỗ sâu: Chúng ta có thể thấy được các lỗ sâu trên bề mặt của răng. Đây là một trong những dấu hiệu rõ ràng của sâu răng.
– Răng ngả màu nâu, đen: Sâu răng có thể làm thay đổi màu sắc của răng. Răng thường chuyển màu từ trắng sang màu nâu hoặc đen.
– Đau khi cắn: Khi có sâu răng, việc cắn xuống có thể gây đau, khó chịu. Đặc biệt là khi áp dụng áp lực lên vùng bị tổn thương.
1.3 Những yếu tố gây nguy cơ sâu răng
Một số nguyên nhân có thể dẫn đến sâu răng bao gồm:
– Mảng bám: Đây là một lớp màng dính bao phủ trên bề mặt răng. Chúng được hình thành từ việc ăn đường, tinh bột nhiều, vệ sinh răng miệng chưa đúng. Mảng bám cung cấp điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn gây hại phát triển và tấn công bề mặt răng. Men răng sẽ bị tấn công, ăn mòn và tạo thành sâu răng.
– Axit ở mảng bám: Axit được tạo ra trong quá trình chuyển hóa đường và tinh bột bởi vi khuẩn trong mảng bám. Điều này làm mất khoáng chất trong men răng và tạo ra lỗ li ti hoặc lỗ nhỏ trên bề mặt răng. Khi đó, người bệnh sẽ thấy tình trạng răng nhạy cảm và ê buốt.
– Vi khuẩn: Vi khuẩn trong mảng bám tiếp tục tấn công vào cấu trúc răng. Chúng đi qua men răng và có thể vào tủy răng. Nơi này chứa dây thần kinh và mạch máu nên khi bị tấn công sẽ bị kích ứng và viêm nhiễm. Tình trạng này gây ra đau nghiêm trọng và có thể lan ra ngoài chân răng, ảnh hưởng đến mô xương xung quanh.
– Tình trạng nướu sưng tấy: Vi khuẩn trong mảng bám và axit có thể gây kích ứng và viêm nhiễm nướu, dẫn đến tình trạng sưng và đau. Sưng tấy nướu có thể làm tăng nguy cơ cho vi khuẩn và axit xâm nhập sâu vào cấu trúc răng, gây ra sâu răng.
2. Quá trình sâu răng phát triển
Quá trình sâu răng thường được chia thành 4 giai đoạn như sau:
– Giai đoạn 1: Bắt đầu của quá trình sâu răng là sự xuất hiện của các đốm trắng mờ đục trên bề mặt cấu trúc răng. Men răng dần chuyển sang màu ố vàng. Dù các biểu hiện này không quá rõ ràng, nhưng thường không được chú ý, dẫn đến việc khó phát hiện và chẩn đoán sớm sâu răng. Việc vệ sinh răng miệng khoa học là biện pháp tốt nhất để giảm thiểu lan rộng của sâu răng trong giai đoạn này.
– Giai đoạn 2: Vi khuẩn sâu răng sử dụng đường từ thức ăn làm nguồn năng lượng và tạo ra axit gây mòn men răng. Kết quả là các tổn thương trên răng chuyển sang màu đen và răng trở nên nhạy cảm, dễ bị kích thích và đau nhức khi tiếp xúc với thực phẩm có vị chua, nóng, lạnh…
– Giai đoạn 3: Các lỗ sâu phát triển nhanh chóng, lớn hơn và ăn sâu hơn, tấn công đến phần mềm bên trong răng. Việc điều trị cần được chú ý trong giai đoạn này để ngăn chặn sự tiến triển của sâu răng, vì vi khuẩn có thể tiếp tục xâm nhập vào phần tủy răng. Hậu quả là cảm giác đau nhức càng tăng, đặc biệt là vào ban đêm do viêm tủy răng cấp tính.
– Giai đoạn 4: Nếu không can thiệp kịp thời, tình trạng viêm tủy răng trở nên nghiêm trọng hơn, với sự tăng đáng kể của vi khuẩn sâu răng. Nguy cơ chết tủy răng tăng lên, đồng thời có thể gây tổn thương đến các vị trí lân cận như vùng xung quanh chóp răng và thậm chí là xương hàm.
3. Cách điều trị bệnh sâu răng
3.1 Điều trị bằng Florua
Sử dụng florua là phương pháp phổ biến để điều trị sâu răng ở giai đoạn sớm. Florua có thể được sử dụng thông qua kem đánh răng, gel florua hoặc các loại dung dịch. Bác sĩ cũng có thể áp dụng chất florua trực tiếp lên bề mặt răng. Điều này để tăng cường việc hấp thụ florua giúp ngăn ngừa sự phát triển của sâu răng.
3.2 Hàn trám răng sâu
Trong trường hợp sâu răng đã gây tổn thương cho men răng, trám răng sẽ được thực hiện. Sau khi làm sạch vùng bị sâu, bác sĩ sẽ lấp đầy lỗ sâu bằng các vật liệu nha khoa. Quá trình này đòi hỏi kỹ thuật chính xác để đảm bảo lấp đầy hoàn toàn. Từ đó, vi khuẩn sẽ không thể xâm nhập vào, bảo vệ răng khỏi nguy cơ tái sâu.
3.3 Bọc răng sứ
Khi sâu răng đã gây hư hỏng nặng và không thể chữa trị bằng cách trám răng, bọc răng sứ có thể được đề xuất. Quá trình này bao gồm làm sạch lỗ sâu, mài răng và chụp sứ lên răng bị tổn thương. Bọc răng sứ không chỉ phục hồi hình dáng và chức năng của răng. Mão sứ còn cung cấp một lớp bảo vệ răng khỏi tổn thương và sự phát triển của sâu răng.
3.4 Nhổ răng và phục hình
Trong những trường hợp sâu răng nặng, việc nhổ răng là biện pháp cần thực hiện. Sau khi răng đã được nhổ, bác sĩ có thể đề xuất các phương pháp phục hình răng như trồng răng giả hoặc cầu răng. Điều này là để thay thế cho răng đã bị mất. Việc này giúp khôi phục chức năng của răng và giữ cho cấu trúc miệng được cân đối. Đồng thời, chúng ta sẽ ngăn ngừa nguy cơ dịch chuyển của các răng xung quanh và tránh tái sâu răng.
Trên đây là những thông tin về quá trình sâu răng phát triển. Để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, chúng ta nên thăm khám và điều trị ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường.