Sâu răng nặng và biến chứng đáng gờm – Viêm tủy!

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Đỗ Thị Tú Anh

Trưởng khoa Răng Hàm Mặt

Sâu răng là cả một quá trình diễn ra âm thầm mà vẫn có sức phá hủy lớn đối với răng. Thường khi sâu răng nặng, chúng ta mới phát hiện ra do có nhiều biểu hiện rõ rệt. Nhưng đến thời điểm đó, tình trạng rất dễ tiến triển nhanh và dẫn đến viêm tủy răng – biến chứng đầu tiên và vô cùng phổ biến ở các bệnh nhân sâu răng kéo dài.

1. Sâu răng nặng và các biến chứng

1.1 Khi nào được coi là bị sâu răng nặng

Sâu là một tình trạng tổn thương ở răng, tuy nhiên khác với các bộ phận khác trên cơ thể bị tổn thương, răng không có khả năng tự hồi phục. Nếu như tổn thương tại các bộ phận khác có thể tự hồi phục, tái tạo, lành trở lại qua thời gian khi không có sự tác động thêm, răng lại chỉ có thể hồi phục, lành bệnh khi có sự tác động điều trị từ bên ngoài. Đó cũng chính là lý do gây nên hiện tượng đã sâu răng thì chỉ có thể sâu lại càng thêm nặng khi người bệnh bỏ mặc và không có động thái chữa trị.

sâu răng nặng

Các lớp cấu tạo răng và vị trí của chúng

Cấu tạo của thân răng gồm nhiều lớp theo thứ tự từ ngoài vào trong gồm:

– Men răng: đây là lớp ngoài cùng có đặc điểm rất cứng, đóng vai trò như một lớp tường thành bảo vệ các cấu tạo nhạy cảm khác bên trong răng.

– Ngà răng: đây là lớp tiếp theo ngay sau men răng, có đặc điểm mềm hơn men răng, định hình răng.

– Buồng tủy: là cấu trúc rỗng nằm ở giữa răng, xuyên suốt từ thân răng đến chân răng, trong đó chứa những mạch máu, thần kinh của mỗi răng, có vai trò “nuôi sống” răng và tạo cảm giác khi ăn nhai.

Thông thường sâu răng phát triển liên tục từ lớp men vào dần các lớp sâu hơn của răng. Vì răng cấu tạo bởi nhiều lớp và vững chắc như vậy nên khi sâu ăn vào men răng nhiều hoặc ăn đến tận tủy răng thì được coi là sâu răng nặng.

1.2 Biểu hiện cho thấy răng đã bị sâu nặng

Sâu răng là cả một quá trình kéo dài qua một thời gian dài và phát triển âm thầm từng chút một. Vậy nên khi răng chớm sâu hoặc sâu nhẹ có rất ít biểu hiện, nếu không để ý chúng ta rất có thể bỏ qua mất các dấu hiệu này. Đến tận khi người bệnh cảm thấy đau buốt, nhức nhối thì khi đó sâu răng đã trở nên rất nặng rồi.

Triệu chứng ban đầu khi chớm sâu răng mà chúng ta cần chú ý quan sát đó là răng đổi màu, thường thì lúc này người bệnh chưa cảm thấy gì, lỗ sâu răng chưa hình thành và không có kích thích khi ăn. Một thời gian sau, sâu răng sẽ tiếp tục phát triển, răng sẽ xuất hiện các vệt nâu hoặc đen và có thể đã có lỗ sâu. Lỗ sâu ngày càng to và dễ gây giắt thức ăn, khi nhai phải thấy đau buốt răng và nhất là khi ăn các đồ ăn nóng, lạnh. Lúc này người bệnh đã sâu răng nặng. Sau này khi tình trạng sâu tiến triển nặng hơn nữa, người bệnh có thể gặp những cơn đau răng tự nhiên dù không có tác động, thậm chí đau có thể lan ra nửa hàm, đau lên đến thái dương, đầu.

1.3 Các biến chứng và nguy cơ sâu răng nặng gây nên

Bên cạnh gây đau, sâu răng còn dẫn đến những biến chứng nặng, không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng mà còn gây ảnh hưởng tới sức khỏe toàn thân:

– Viêm tủy răng, lâu dần nếu không được chữa trị có thể khiến tủy răng chết, hoại tử tủy.

– Vỡ răng, rụng răng, mất răng vĩnh viễn do tủy bị chết, răng không còn nguồn cung cấp dinh dưỡng nên suy yếu dần, kém vững chắc. Lúc này răng không còn đảm nhận được chức năng vốn có.

– Viêm lợi xung quanh răng sâu khiến lợi tấy đỏ, sưng đau và gây hôi miệng

– Viêm cuống (chóp) răng do tổ chức tủy viêm không được loại bỏ đi ngay, gây viêm nhiễm lan rộng xuống tận phần cuối cùng chân răng.

sâu răng nặng

Áp xe chóp răng do sâu răng nặng

 

– Áp xe chóp răng gây sưng mặt, đau nhức, răng lung lay. Có khi phải nhổ bỏ răng mới có thể điều trị được. Bên cạnh đó, tình trạng viêm nhiễm này có thể lây lan và ảnh hưởng tới các răng xung quanh. Khi gặp phải tình trạng lan rộng này, việc điều trị khỏi và bảo vệ tất cả các răng đó trở nên rất khó khăn, nguy cơ có thể phải nhổ gây mất nhiều răng.

– Viêm xương hàm do ổ nhiễm trùng từ chóp răng lan rộng gây ra, vi khuẩn nhanh chóng lan ra phần mềm và các tổ chức lân cận tạo thành một ổ nhiễm trùng khó kiểm soát và điều trị.

– Phá hủy xương hàm làm xương hàm bị gãy, gây tổn thương thần kinh, mạch máu,… do nhiễm trùng nặng.

2. Viêm tủy – Biến chứng sâu răng điển hình

2.1 Những phiền phức viêm tủy gây nên

Viêm tủy chính là biến chứng phổ biến và điển hình nhất của tình trạng sâu răng nặng kéo dài. Nhưng không phải vì nó phổ biến mà chúng ta có thể xem nhẹ và coi thường. Nếu bạn cảm thấy đau răng khi bị sâu đã rất đáng sợ thì hãy cẩn thận điều trị trước khi sâu ăn vào tủy vì khi viêm tủy, mức độ đau răng có thể còn kinh khủng hơn bạn nghĩ.

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do tổ chức sâu răng bị viêm nhiễm tấn công vào buồng tủy, mà đây lại là nơi chứa đầy các dây thần kinh, mạch máu nên vô cùng nhạy cảm, chỉ một sự tổn thương nhỏ cũng có thể tạo nên những cơn đau dữ dội. Không chỉ vậy, vì buồng tủy thông suốt từ thân răng đến tận chóp răng, chính vì vậy phản ứng viêm của tủy răng xảy cũng ra đồng thời ở cả tủy buồng và tủy chân khiến cơn đau như nhân lên nhiều lần, càng dữ dội hơn.

Đau nhức răng chỉ là một trong số rất nhiều sự phiền toái mà viêm tủy gây ra cho người bệnh, dưới đây là những triệu chứng, biểu hiện đầy khó chịu khác do viêm tủy răng gây nên:

– Răng trở nên vô cùng nhạy cảm trước các đồ ăn, thức uống nóng, lạnh quá mức.

– Những cơn đau nhức dai dẳng, mất ăn mất ngủ, thậm chí trở thành những cơn đau tự nhiên dù người bệnh không tác động đến răng.

– Răng đổi màu sang đen xám, gây mất thẩm mỹ, thường xảy ra nhất ở răng cửa.

Sưng nướu, có thể dẫn đến áp xe nướu.

– Răng lung lay, dễ vỡ, sứt mẻ.

2.2 Bảo tồn răng khi bị viêm tủy

Việc bảo tồn răng sâu thường khả quan nhất khi tình trạng sâu chỉ mới chớm hoặc muộn hơn là khi bắt đầu có lỗ sâu nhỏ trên ngà răng. Khi răng đã sâu nặng và gặp biến chứng viêm tủy, việc bảo tồn răng gốc trở nên khó khăn hơn rất nhiều, nhất là khi tủy răng hoại tử một thời gian rồi mà không được xử lý. Lúc này cấu trúc răng trở nên rất yếu, dễ sứt, vỡ, thậm chí rụng răng và mất răng vĩnh viễn. Để ngăn ngừa tình trạng này, đối với những răng bị viêm tủy, việc điều trị tủy ngay khi có triệu chứng là vô cùng cấp thiết.

Đây là quy trình chỉ có thể thưc hiện tại nha khoa giúp điều trị triệt để viêm tủy và giúp bảo tồn răng gốc không bị phá hủy thêm. Thường sau khi điều trị tủy, người bệnh hay lựa chọn bọc sứ răng để răng chắc khỏe hơn và đảm bảo giữ được chức năng vốn có của răng.

sâu răng nặng

Điều trị tủy điều trị triệt để sâu răng

Quá trình lấy tủy răng bao gồm những bước sau đây:

– Làm sạch và gây tê tại vùng răng bệnh

– Tạo một lỗ nhỏ để loại bỏ toàn bộ những mô bị tổn thương, viêm nhiễm khỏi buồng tủy.

– Làm sạch lại một lần nữa buồng tủy, khử trùng khu vực bằng thuốc kháng sinh để hạn chế viễm nhiễm tái phát.

– Trám bít ống tủy để không còn chỗ cho vi khuẩn phát triển.

Tuy nhiên khi điều trị tủy, người bệnh nên lựa chọn những cơ sở nha khoa uy tín với bác sĩ có chuyên môn để đạt được kết quả tốt nhất, tránh những rủi ro không đáng có.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital