Viêm tụy cấp làm tăng áp lực tĩnh mạch cửa, gây tích tụ dịch quanh tụy, hình thành huyết khối tĩnh mạch lách, nang giả tụy. Thậm chí, viêm tụy cấp còn có thể gây sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng ảnh hưởng đến tính mạng. Vậy nguyên nhân viêm tụy cấp là do đâu?
Menu xem nhanh:
1. Viêm tụy cấp
Bình thường, các men tụy sẽ được bất hoạt ở tuyến tụy, di chuyển theo ống tụy đến tá tràng. Tại đây, các men tụy được kích hoạt để thực hiện chức năng tiêu hóa thức ăn. Tuy nhiên, do vấn đề nào đó khiến cho các enzym tụy (trypsin, elastase, phospholipase A2) bị kích hoạt ngay trong nang tuyến, làm tổn thương tuyến tụy. Một chuỗi dây chuyền viêm được kích hoạt, tạo ra cytokine gây viêm, hoại tử. Viêm tụy cấp làm vi khuẩn dịch chuyển từ hệ ruột sang hệ tuần hoàn, tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết.
2. Phân loại viêm tụy cấp
2.1 Thể viêm tụy cấp
Viêm tụy cấp được chia làm 2 loại là viêm tụy kẽ và viêm tụy hoại tử.
2.1.1 Viêm tụy kẽ
Trên hình ảnh lâm sàng, tuyến tụy phì đại, có thể nhìn thấy những hình ảnh xe sợi mỡ quanh tụ. Đây là dấu hiệu của phản ứng viêm ở tuyến tụy. Phần lớn những bệnh nhân bị viêm tụy này có thể tự khỏi.
2.1.2 Viêm tụy hoại tử
Viêm tụy hoại tử là hiện tượng hoại tử quanh tụy hoặc hoại tử tụy. Hình ảnh hoại tử tụy sẽ dễ quan sát hơn dưới hình ảnh CT có tiêm thuốc cản quang. Tình trạng viêm tụy hoại tử xuất hiện ở 5 – 10% số bệnh nhân viêm tụy, tiên lượng khá nặng.
2.2 Phân loại viêm tụy cấp theo mức độ
Viêm tụy cấp phân loại theo mức độ, có 3 mức độ cơ bản: Nhẹ, trung bình, nặng.
2.2.1 Viêm tụy cấp nhẹ
Trường hợp này, mức độ viêm chỉ giới hạn ở tuyến tụy và vùng lân cận, chưa có hiện tượng suy chức năng các cơ quan. Bệnh nhân chưa xuất hiện các triệu chứng biến chứng tại chỗ, biến chứng hệ thống, tỷ lệ tử vong thấp.
2.2.2 Viêm tụy cấp thể trung bình
Ở dạng thể trung bình (nặng vừa) bệnh nhân có xuất hiện những biến chứng tại chỗ hoặc toàn thân. Tuy nhiên, bệnh nhân chưa có hiện suy cơ quan, hoặc chỉ suy giảm chức năng trong 48 giờ.
2.2.3 Viêm tụy cấp thể nặng
Bệnh nhân có suy chức năng một cơ quan hoặc suy đa tạng liên tục hơn 48 giờ. Trường hợp này, bệnh nhân có một hoặc nhiều biến chứng tại chỗ, tỉ lệ tử vong trên 30%.
3. Viêm tụy cấp nguyên nhân do đâu?
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng viêm tụy cấp, có lúc là nhiều nguyên nhân kết hợp gây nên tình trạng viêm.
3.1 Sỏi mật là một trong những nguyên nhân viêm tụy cấp
Nguyên nhân gây viêm tụy cấp thường gặp ở bệnh nhân là do sỏi mật. Sự di chuyển của sỏi làm tổn thương tế bào tụy, đồng thời chặn đứng đường đi của men tụy, gây tắc nghẽn trong lòng ống tụy. Điều này, làm tăng áp lực trong ống tụy, kích hoạt enzym tiêu hóa từ các tế bào nang tuyến gây viêm.
3.2 Rượu bia
Nguyên nhân thứ 2 phổ biến sau sỏi mật gây nên viêm tụy cấp đó chính là rượu bia, chất kích thích. Sử dụng rượu bia liên tục hoặc trường hợp bệnh nhân bỏ bẵng một thời gian, sau đó uống quá nhiều trong một lần, là nguyên nhân gây kích hoạt viêm tụy cấp. Khi rượu vào cơ thể, các tế bào nang tuyến tụy chuyển hóa rượu thành chất độc hại, thông qua quá trình oxy hóa và không oxy hóa. Các chất độc này kích hoạt tăng lượng enzyme, bất ổn các hạt lysosomal và zymogen. Đồng thời tăng liên tục quá tải canxi và kích hoạt các tế bào hình sao của tụy, gây nên hiện tượng tự tiêu hóa, gây hoại tử tế bào tụy.
3.3 Đột biến gen là một trong những nguyên nhân viêm tụy cấp hiếm gặp
Một số đột biến trên nhiễm sắc thể của gen trypsinogen cation gây viêm tụy ở khoảng 80% số người mang gen này. Ngoài ra còn có gen gây xơ gan làm tăng nguy cơ viêm tụy cấp.
3.4 Phẫu thuật
Sau phẫu thuật ổ bụng hoặc các tạng gần tụy, có thể gây tắc mật, gây viêm tụy. Hoặc trường hợp bệnh nhân nội soi mật tụy ngược dòng ERCP cũng có khả năng gây viêm ở 5% bệnh nhân.
3.5 Chấn thương
Người bệnh có thể bị viêm tụy khi bị đánh vào vùng bụng hoặc tai nạn, chấn thương vào ổ bụng.
4. Đánh giá nguy cơ, tiên lượng ở bệnh nhân viêm tụy cấp
Tình trạng viêm tụy ở mức độ nào phụ thuộc vào mức độ tổn thương tụy, ảnh hưởng đến các hệ cơ quan trong cơ thể, biến chứng tại chỗ và toàn thân như thế nào để kết luận bệnh. Các yếu tố nguy cơ trong giai đoạn đầu, các chỉ số thay đổi có thể đánh giá được mức độ tổn thương và tiên lượng mức độ rối loạn về sau. Một số yếu tố tiên lượng nặng:
– Người bệnh ≥ 60 tuổi
– Bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền: tim mạch, huyết áp, tiểu đường, bệnh lý về gan thận.
– Cơ thể béo phì, thừa cân, chỉ số BMI > 30
– Tiền sử sử dụng rượu bia nhiều, lâu dài, liên tục
– Bệnh nhân mắc hội chứng phản ứng viêm hệ thống SIRS
– Xét nghiệm máu có hiện tượng giảm thể tích máu: tăng BUN, Hematocrit.
– Khó thở, tức ngực, có hiện tượng tràn dịch màng phổi, thâm nhiễm màng phổi khi nhập viện
– Bệnh nhân có rối loạn ý thức
– Trên hình ảnh CT có tiêm thuốc cản quang, xuất hiện những ổ hoại tử.
Diễn biến viêm tụy cấp thay đổi phức tạp, tình trạng viêm tụy có thể biến chứng sau 4 – 6 tuần sau khi khởi phát bệnh. Vì thế, hãy chú ý sức khỏe bản thân trong khoảng 2 – 3 tháng sau viêm tụy.
5. Phòng tránh bệnh viêm tụy cấp như thế nào?
Để phòng tránh bệnh viêm tụy cấp người dân cần phải:
– Hạn chế uống rượu bia, chất kích thích tối đa. Nếu phải uống, hãy ăn trước khi uống, uống từng ít một để giảm lượng rượu uống trong 1 lần và trong suốt buổi nhậu.
– Không nên ăn quá nhiều thịt đỏ, nội tạng động vật trong một bữa ngay sau những bữa ăn thanh đạm. Nên ăn đều hằng ngày lượng đạm để bổ sung đủ chất, hạn chế ăn quá nhiều trong một bữa.
– Thăm khám sức khỏe định kỳ, để phát hiện những biến đổi bất thường trong cơ thể, kịp thời điều trị ở giai đoạn sớm, hạn chế biến chứng.
Viêm tụy cấp là bệnh lý nguy hiểm, có thể dẫn tới hoại tử tụy, nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, bệnh lý sẽ nhanh chóng được phục hồi tốt hơn. Hãy hạn chế rượu bia, chất kích thích để giảm nguy cơ viêm tụy cấp.