Sâu răng là bệnh phổ biến, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và gây ra tình trạng đau nhức, khó chịu cho người bệnh. Sâu răng lâu ngày có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây các biến chứng khó lường nên cần được điều trị kịp thời. Cùng tìm hiểu các cách chữa răng bị sâu hiệu quả ngay sau đây!
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về bệnh sâu răng
Sâu răng là tình trạng tổ chức răng bị tổn thương do quá trình hủy khoáng vi khuẩn gây ra. Đây là một vấn đề về sức khỏe răng miệng đáng quan tâm hàng đầu hiện nay ở bất kỳ độ tuổi nào.
1.1. Giai đoạn của bệnh
Quá trình sâu răng diễn tiến thành từng giai đoạn, sâu răng càng nặng thì mức độ nguy hiểm càng cao.
– Giai đoạn 1: Xuất hiện các đốm trắng rất khó phát hiện và thường không ảnh hưởng gì tới sức khỏe răng miệng của người bệnh.
– Giai đoạn 2: Sâu men răng tạo thành tổn thương rõ rệt trên bề mặt men răng như các chấm nâu hoặc đen.
– Giai đoạn 3: Sâu ngà răng diễn ra khi lớp men răng bị phá hủy, không còn khả năng bảo vệ men răng.
– Giai đoạn 4: Tổn thương nghiêm trọng các cấu trúc răng dẫn tới viêm tủy và nhiều biến chứng nguy hiểm khác như áp xe chân răng, viêm xương hàm, mất răng…
1.2. Nguyên nhân gây bệnh
Sâu răng diễn tiến thành cả quá trình và thường do vi khuẩn gây ra. Chúng trú ngụ tại vùng nướu, lợi, kẽ răng… để tấn công và làm tổn thương các cấu trúc ở trong răng. Vi khuẩn thường xâm nhập và phát triển quá mức, gây ra tình trạng răng sâu là do:
– Mảng bám, thức ăn thừa mắc ở các kẽ răng không được làm sạch thường xuyên khiến vi khuẩn có môi trường lý tưởng để trú ngụ và phát triển.
– Ăn nhiều thực phẩm có tính axit cao, làm tổn thương men răng dẫn tới tình trạng vi khuẩn dễ xâm nhập và tấn công.
– Ảnh hưởng của các bệnh lý răng miệng thường gặp như viêm lợi, viêm nha chu, viêm tủy răng, viêm quanh cuống răng…. Khi đó, sức khỏe của răng giảm sút nên dễ dàng bị tổn thương ngay khi các yếu tố có hại xâm nhập.
– Sự thay đổi nội tiết tố do mọi người đang ở trong các giai đoạn đặc biệt như mang thai, cho con bú, điều trị ung thư…
1.3. Nhận biết sâu răng
Các dấu hiệu và triệu chứng sâu răng ở từng người và từng giai đoạn là khác nhau. Ở giai đoạn khởi phát, mọi người thường khó phát hiện ra sâu răng do các triệu chứng không quá rõ rệt. Mọi người thường chỉ phát hiện ra sâu răng khi bệnh đã ở giai đoạn tổn thương men răng và ngà răng với các dấu hiệu như sau:
– Có chấm đen li ti hoặc các hốc đen nhỏ ở trên bề mặt của răng, đặc biệt là bề mặt nhai của răng hàm.
– Răng nhạy cảm, dễ cảm thấy ê buốt, khó chịu khi ăn đồ quá nóng hoặc quá lạnh.
– Có cảm giác đau nhẹ khi ăn uống hoặc khi đánh răng.
– Thân răng ngả màu, ống vàng nhẹ hoặc nặng tùy vào tình trạng bệnh.
– Miệng có mùi hôi, khó chịu, đặc biệt là buổi sáng sau khi ngủ dậy.
– Có dấu hiệu đỏ tấy, sưng nướu ở răng bị sâu.
Nếu để lâu, sâu răng ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và tinh thần của người bệnh, thậm chí có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm:
– Viêm tủy răng
– Áp xe quanh răng
– Viêm nha chu
– Rụng răng…
Một số trường hợp áp xe quanh răng có thể dẫn tới nhiễm trùng nghiêm trọng và đe dọa tới tính mạng của người bệnh. Vì vậy, mọi người cần đi khám ngay khi phát hiện dấu hiệu sâu răng để được bác sĩ điều trị kịp thời.
2. Cách chữa răng bị sâu
Điều trị sâu răng bằng phương pháp nào phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý của từng người. Các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám kỹ lưỡng để đưa ra các cách chữa răng bị sâu phù hợp nhất:
2.1. Điều trị bằng florua
Áp dụng trong trường hợp sâu răng ở mức độ nhẹ, chưa làm tổn thương men răng nghiêm trọng. Bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng một số loại kem đánh răng có chứa flour hoặc các loại gel, bọt để chải răng. Ngoài ra, đeo máng giữ thuốc cũng là phương pháp thường được áp dụng để cải thiện sâu răng nhẹ bằng flour.
2.2. Hàn trám
Hàn trám được áp dụng trong trường hợp sâu men răng và ngà răng. Bác sĩ sẽ loại bỏ vùng răng bị tổn thương và trám một chất đặc biệt có độ bền vượt trội, đảm bảo mọi người vẫn có thể ăn uống bình thường và bảo toàn các cấu trúc răng khỏe mạnh khác.
2.3. Bọc răng sứ
Bọc sứ được chỉ định đối với trường hợp răng sâu lớn, hàn trám không mang lại hiệu quả vượt trội. Mão sứ được chế tác từ các vật liệu chắc chắn sẽ được phủ lên thân răng, tạo nên một chiếc răng chắc khỏe và đảm bảo tính thẩm mỹ cao.
2.4. Nhổ răng
Nhổ răng trong trường hợp răng sâu quá mức làm tổn thương tủy răng và chân răng. Trong trường hợp này, răng được nhổ bỏ để giảm thiểu ảnh hưởng tới các răng khác. Sau khi nhổ, mọi người cần được trồng răng kịp thời để tránh xô lệch các răng khác và tiêu xương hàm.
3. Phòng ngừa bệnh sâu răng
Vệ sinh răng miệng đúng cách có thể góp phần bảo vệ sức khỏe răng miệng và ngăn ngừa sâu răng. Dưới đây là một số lưu ý giúp mọi người có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh sâu răng:
– Đánh răng với kem đánh răng có chứa chất fluoride sau khi ăn, sau khi ngủ dậy ít nhất hai lần một ngày.
– Chải đều răng từ trong ra ngoài theo chiều xoay tròn, từ trên xuống và làm sạch kẽ răng bằng chỉ nha khoa, bàn chải kẽ, tăm nước.
– Bổ sung các vitamin tốt cho răng như A. C, D… qua đồ ăn tươi xanh, lành mạnh.
– Uống đủ nước và sử dụng thêm các loại sữa chua để cân bằng môi trường vi sinh vật trong miệng.
– Lấy cao và khám răng định kỳ để được các bác sĩ nha khoa chuyên môn cao kiểm tra sức khỏe răng miệng thường xuyên, phát hiện sớm bệnh giúp điều trị kịp thời.
Trên đây là cách chữa răng bị sâu thường được áp dụng để khắc phục dứt điểm tình trạng này. Người bệnh cần tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ để rút ngắn quá trình hồi phục và ngăn ngừa nguy cơ sâu răng tái phát.