Viêm khớp gối có thể xảy ra với bất kỳ ai, đồng thời tác động tiêu cực đến sức khỏe và khả năng vận động của người bệnh. Tìm hiểu viêm khớp gối là gì và chủ động phòng ngừa là cách tốt nhất để giảm thiểu tình trạng bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Hiểu đúng viêm khớp gối là gì?
Khớp gối là khớp lớn và phức tạp nhất trong cơ thể, chịu trách nhiệm cho các hoạt động như đi lại, chạy nhảy, leo cầu thang,… Đây cũng là bộ phận tiếp giáp của ba xương chính là xương đùi, xương bánh chè xương ống chân. Ở giữa các đầu xương có một lớp sụn bao phủ, đóng vai trò như chất đệm và giúp các khớp cử động trơn tru.
Vùng xương đầu gối là vị trí phải hoạt động thường xuyên, đồng thời chịu nhiều lực tác động nên dễ gặp tổn thương. Viêm khớp gối xảy ra khi phần xương sụn trơn bị mòn đi, trở nên xù xì và thô ráp. Tính đàn hồi của phần sụn khớp giảm đi, đồng thời các xương cọ xát vào nhau khiến người bệnh cảm thấy đau đớn, sưng tấy, cứng khớp và khó khăn khi vận động.
1.1. Nguyên nhân gây viêm khớp gối là gì?
Xưa nay, bệnh viêm khớp gối thường được biết đến là bệnh người già, bởi vì đây là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh lý liên quan đến xương khớp. Ở người cao tuổi, khả năng tự phục hồi tổn thương bị giảm đi khiến tình trạng bệnh càng trở nên trầm trọng hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế đã chỉ ra có nhiều nguyên nhân khiến bệnh viêm khớp gối xuất hiện sớm hơn. Cụ thể:
– Chấn thương do tai nạn, lao động hoặc chơi thể thao có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp gối. Một số chấn thương phổ biến có thể diễn tiến thành viêm khớp gối là bong gân, viêm bao hoạt dịch gối, trật khớp.
– Mắc các bệnh lý về khớp gối như thoái hóa khớp gối, viêm khớp dạng thấp, gout hoặc bệnh bàn chân bẹt.
– Tình trạng loãng xương thường gặp ở người cao tuổi cũng là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ mắc viêm khớp gối.
– Ở người béo phì, trọng lượng cơ thể quá mức có thể gây áp lực lên khớp gối, dẫn đến viêm và thoái hóa.
– Một số người có thể có nguy cơ cao bị viêm khớp gối hơn do di truyền. Như vậy, nếu gia đình bạn có người thân bị viêm khớp gối thì nguy cơ mắc bệnh của bạn cũng sẽ gia tăng.
Ngoài ra, chế độ ăn uống thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết cho sụn khớp, cùng với lối sống ít vận động hoặc hoạt động thể chất quá mức có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
1.2. Triệu chứng bệnh viêm khớp gối là gì?
Tình trạng viêm khớp gối thường diễn biến âm thầm, trải qua 4 giai đoạn là giai đoạn sớm, giai đoạn nhẹ, giai đoạn giữa, giai đoạn nặng. Ở giai đoạn sớm, người bệnh hầu như không nhận thấy triệu chứng rõ ràng vì đốt gai tương đối nhỏ. Đến giai đoạn nhẹ, người bệnh có thể cảm nhận một vài triệu chứng thoáng qua do khớp gối đã phát triển nhiều gai hơn, lớp sụn chen giữa xương cũng mỏng dần.
Chỉ đến giai đoạn giữa và giai đoạn nặng, người bệnh mới có thể nhận thức rõ những cơn đau ở vùng khớp gối, đồng thời gặp khó khăn trong quá trình vận động hàng ngày. Một số triệu chứng thường gặp ở người bị viêm khớp gối là:
– Đau nhức xuất hiện ở mặt trước, mặt sau hoặc bên trong khớp gối. Các cơn đau thường khởi phát vào sáng sớm hoặc sau giấc ngủ trưa. Khi bệnh diễn biến nặng, cơn đau có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và gây ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Mức độ đau sẽ tăng lên khi người bệnh vận động, leo cầu thang, đứng lâu.
– Sưng tấy đỏ là triệu chứng điển hình của bệnh viêm khớp. Chất lỏng tích tụ quá mức là nguyên nhân khiến khớp bị sưng phồng lên, có cảm giác ấm nóng khi dùng tay ấn vào.
– Cứng khớp thường xuất hiện sau khi ngồi lâu hoặc thức dậy vào sáng sớm. Tình trạng này gây ra nhiều hạn chế trong vận động của người bệnh. Để khắc phục, người bệnh có thể tiến hành xoa bóp nhẹ nhàng khớp gối trước khi vận động bình thường trở lại.
– Giảm độ linh hoạt khi đột ngột thay đổi tư thế, ngay cả với những động tác đơn giản như gấp duỗi đầu gối, đứng lên, ngồi xuống.
– Tiếng kêu lục cục phát ra khi cử động khớp gối, lên xuống cầu thang hoặc thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng.
Nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng trên và nghi ngờ mắc bệnh thì hãy đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Trong trường hợp có bệnh, việc phát hiện sớm đem lại ý nghĩa lớn trong điều trị, đồng thời giảm thiểu nguy cơ tái phát bệnh.
2. Chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh viêm khớp gối
Để chẩn đoán bệnh viêm khớp gối, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện một số phương pháp như khám lâm sàng, chụp X-quang, chụp MRI, chọc hút dịch khớp nhằm xác định nguyên nhân gây bệnh và tình trạng khớp gối hiện tại.
Viêm khớp gối kéo dài sẽ để lại nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng sau này. Chính vì vậy, người bệnh nên thăm khám sớm ngay khi phát hiện triệu chứng bất thường. Điều trị nội khoa, vật lý trị liệu và phẫu thuật là các phương pháp được ứng dụng phổ biến trong điều trị bệnh viêm khớp gối. Dựa vào kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với mỗi người.
Bên cạnh đó, dự phòng sức khỏe cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ mắc mới hoặc làm trầm trọng thêm bệnh viêm khớp gối. Dưới đây là một số lời khuyên dành cho người đã mắc hoặc có nguy cơ bị viêm khớp gối:
– Kiểm soát cân nặng, bởi vì việc thừa cân hoặc béo phì sẽ tạo áp lực lên khớp gối, làm tăng nguy cơ viêm khớp. Duy trì cân nặng hợp lý sẽ giúp giảm bớt áp lực này và bảo vệ khớp gối.
– Tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức mạnh cơ bắp và cải thiện độ linh hoạt của khớp gối. Các bài tập tốt cho khớp gối bao gồm đi bộ, bơi lội, yoga và đạp xe. Tuy nhiên, cường độ tập luyện cần được cân đối theo thể trạng của mỗi người. Tốt nhất, bạn nên tham khảo tư vấn từ chuyên gia y tế để có lời khuyên phù hợp.
– Tránh mang vác vật nặng sai tư thế hoặc gây áp lực lên khớp gối. Một số hoạt động như chạy bộ, nhảy dây hoặc chơi các môn thể thao có va chạm mạnh có thể gây áp lực lên khớp gối và làm tăng nguy cơ viêm khớp. Nên hạn chế hoặc tránh các hoạt động này nếu bạn có nguy cơ cao mắc bệnh.
– Để giảm thiểu áp lực lên gối trong quá trình vận động, bạn có thể sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như nẹp gối, băng gối, nạng/ gậy khi cần thiết.
– Bổ sung các loại thực phẩm tốt, chứa nhiều vitamin D hoặc canxi để giúp xương thêm chắc khỏe. Một số thực phẩm như cá béo, trái cây và rau quả có thể giúp giảm viêm và cải thiện sức khỏe của khớp.
– Trường hợp xuất hiện các cơn đau nhức, người bệnh có thể áp dụng một số cách giảm đau như chườm nóng, chườm lạnh hoặc sử dụng thuốc giảm đau theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Khám sức khỏe định kỳ là một trong những cách phát hiện sớm các dấu hiệu của viêm khớp gối và điều trị kịp thời. Nếu vẫn còn bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được hỗ trợ tư vấn sớm nhất về tình trạng sức khỏe hiện tại!