Tiếng tim là một trong những cơ sở để chẩn đoán bệnh hẹp van tim 2 lá. Vậy tiếng tim hẹp van 2 lá có đặc điểm gì? Các chẩn đoán nào góp phần “bắt trọn” bệnh lý van tim này. Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Tiếng tim hẹp van 2 lá có đặc điểm gì?
1.1 Tiếng tim là gì?
Tiếng tim là âm thanh được tạo ra do tiếng đập của tim và dòng máu chảy qua các buồng tim. Ở một góc độ khác, tiếng tim được tạo ra bởi sự đóng lại của các van tim, là âm thanh phản chiếu sự hỗn loạn của dòng máu khi van tim đóng lại.
Các tiếng tim thông thường:
T1: hình thành do sự đóng lại của van 2 lá và van 3 lá
T2: xuất hiện khi van động mạch chủ và van động mạch phổi đóng lại
T3: hình thành trong giai đoạn đổ đầy nhanh và giãn ra của tâm thất
T4: nghe được khi tâm nhĩ co bóp tống máu vào tâm thất khiến tâm thất bị giảm đàn hồi
Tiếng tim được nghe bằng ống nghe tim trong bước khám lâm sàng. Đây là triệu chứng thực thể quan trọng để phát hiện nhiều bệnh lý tim mạch, trong đó có các bệnh van tim.
1.2 Đặc điểm của tiếng tim hẹp van 2 lá
Ở người bị hẹp van tim 2 lá, tiếng tim có đặc điểm:
Tiếng T1 đanh: Đặc điểm này có vai trò quan trọng trong xác định hẹp van 2 lá. Ngoài ra, nghe ở đáy tim có thể thấy tiếng T2 mạnh và tách đôi. Điều này cho thấy có tăng áp động mạch phổi.
Có tiếng rung tâm trương ở mỏm tim: Tiếng rung này trầm thấp, giảm dần, nghe rõ nhất ở mỏm. Thời gian nghe được còn phụ thuộc vào chênh áp do mức độ hẹp van. Tiếng rung có thể mạnh lên ở cuối tâm trương nếu còn nhịp xoang hoặc khi gắng sức.
Tiếng clac mở van 2 lá: có thể nghe rõ âm thanh này ở mỏm tim, khoảng cách từ T2 đến tiếng này càng ngắn thì van 2 lá hẹp càng nhiều. Tiếng clac này cũng có thể gặp trong hở van 2 lá, thông liên thất, teo van 3 lá – thông liên nhĩ.
Tuy nhiên, không phải trường hợp hẹp van 2 lá nào cũng có thể nghe thấy những âm thanh này, nhất là khi van 2 lá đã vôi hóa, khả năng mở của van kém.
2. Các triệu chứng đi kèm trong những trường hợp hẹp van 2 lá
2.1 Triệu chứng thực thể khác ngoài tiếng tim hẹp van 2 lá
Ngoài các đặc điểm của tiếng tim điển hình kể trên, người bệnh còn có thể có các triệu chứng thực thể khác:
– Lồng ngực biến dạng do tim lớn
– Ứ trệ tuần hoàn ngoại biên cảnh báo suy tim phải… Các dấu hiệu đó bao gồm: nổi tĩnh mạch cổ nổi, phù chi dưới hoặc toàn thân, gan to, tràn dịch các màng…
2.2 Các triệu chứng cơ năng
– Khó thở, nhất là khi gắng sức. Thậm chí, có thể xuất hiện các cơn khó thở kịch phát về đêm, khi nằm nghỉ. Nếu hẹp van 2 lá nặng, người bệnh có thể bị hen tim và phù phổi cấp.
– Mệt mỏi, yếu ớt do cung lượng tim giảm.
– Đau tức ngực do áp lực lên tâm nhĩ trái tăng.
– Ho ra máu, thường xuất hiện trong những trường hợp vỡ tĩnh mạch phế quản, mao mạch phế nang…
– Hồi hộp, đánh trống ngực, có thể choáng hoặc ngất do rung nhĩ.
– Khàn tiếng, nuốt nghẹn.
– Tắc mạch do huyết khối.
3. Các chẩn đoán khác ngoài nghe tiếng tim
Tiếng tim chỉ là một trong những chẩn đoán lâm sàng. Đôi khi những âm thanh này cũng có thể là dấu hiệu của rất nhiều bệnh lý tim mạch khác ngoài hẹp van 2 lá. Để kết luận bạn có mắc bệnh hay không, có thể cần làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng khác:
3.1 Điện tâm đồ
Nếu hẹp van tim 2 lá mới ở mức độ nhẹ (thường ở giai đoạn đầu), lượng máu thiếu hụt chưa nhiều, tim vẫn hoạt động bình thường và cung cấp đủ lượng máu cần thiết thì điện tâm đồ còn bình thường.
Giai đoạn sau, hình ảnh điện tâm đồ sẽ phản ánh tình trạng giãn nhĩ trái, trục điện tim chuyển phải, dày thất phải. Một số trường hợp bệnh nhân không còn nhịp xoang mà có hiện tượng rung nhĩ gây loạn nhịp hoàn toàn.
3.2 Chụp Xquang ngực
Chụp X-quang Ngực có thể cho thấy hình ảnh cung động mạch phổi, bờ bên trái của tim, bờ tim bên phải…
Kết quả chụp X-quang giúp phản ánh tình trạng ứ máu ở nhĩ trái, mức độ vôi hóa van 2 lá, thất phải giãn,…
3.3 Siêu âm
Siêu âm tim là biện pháp chẩn đoán quan trọng để xác định bệnh lý van tim. Các biện pháp siêu tim không chỉ giúp xác định có phải bạn bị hẹp van 2 lá không mà còn giúp đánh giá độ nặng của hẹp van, nguyên nhân hoặc cơ chế gây bệnh, đánh giá ảnh hưởng bệnh lý (chức năng tim, giãn buồng tim, tăng áp lực phổi), tổn thương của các van khác. Qua đó giúp đánh giá tiên lượng và hướng điều trị bệnh phù hợp
Các hình thức siêu âm tim
– Siêu âm tim qua thành ngực:
+ Siêu âm TM: thường cho kết quả lá van dày, giảm di động, biên độ mở van 2 lá kém,…
+ Siêu âm 4D: cho phép xác định khả năng di động, mở dạng vòm, độ dày và vôi hóa của 2 lá van. Ngoài ra, cho thấy mức độ dính của dây chằng, mức độ co rút tổ chức dưới van, độ dày, dính, vôi hóa mép van, diện tích lỗ van 2 lá, chức năng thất trái, các tổn thương khác…
+ Siêu âm Doppler: giúp ước tính mức độ hẹp của van qua độ chênh áp qua van 2 lá,…
– Siêu âm tim qua thực quản: đánh giá chính xác hơn mức độ hẹp van cũng như hình thái van và tổ chức dưới van. Đồng thời, giúp phát hiện huyết khối nhĩ trái hoặc tiểu nhĩ trái, đặc biệt có ý nghĩa trong các trường hợp cần can thiệp nong van 2 lá.
4. Làm gì khi được chẩn đoán hẹp van 2 lá?
Một số trường hợp người bệnh được chẩn đoán hẹp van 2 lá nhưng vẫn không cần điều trị. Đó là khi bệnh ở mức độ nhẹ, chỉ là hẹp ban sinh lý, chưa biểu hiện thành triệu chứng. Lúc này bạn chỉ cần chú ý theo dõi và dự phòng bệnh tiến triển nặng hoặc các biến chứng có thể xảy ra như suy tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ,…
Các biện pháp dự phòng bao gồm:
– Thăm khám, kiểm tra thường xuyên: để theo dõi tiến triển của bệnh, phát hiện ngay những thay đổi bất thường. Đồng thời kiểm soát các chỉ số tiểu đường, huyết áp,…những yếu tố nguy cơ có thể khiến bệnh tim trầm trọng hơn.
– Thay đổi lối sống: chú trọng dinh dưỡng, từ bỏ các thói quen xấu, duy trì tập luyện…
Ngược lại, nếu hẹp van tim đã ở mức độ nặng hơn và gây những triệu chứng khó chịu, bệnh nhân có thể cần một số loại thuốc như thuốc chống đông máu, chống loạn nhịp, thuốc chẹn kênh canxi, chẹn beta… giúp làm giảm triệu chứng, phòng ngừa suy tim. Lưu ý, các loại thuốc này cần được kê đơn bởi bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân không tự ý sử dụng vì có thể gây những tác dụng phụ không mong muốn.
Tóm lại, tiếng tim hẹp van 2 lá là một trong những yếu tố để chẩn đoán không thể bỏ qua. Việc thăm khám và kết hợp các phương pháp chẩn đoán khác sẽ đem lại kết quả chính xác hơn, từ đó có hướng điều trị phù hợp.