Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm, dễ mắc, tỷ lệ tử vong cao nhưng chưa có thuốc đặc trị, điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và hỗ trợ chức năng hô hấp. Cách phòng bệnh uốn ván hiệu quả là tiêm phòng đầy đủ. Tiêm vacxin uốn ván được khuyến cáo cho tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ mang thai, người lớn tuổi và những người có nguy cơ bị uốn ván cao.
Menu xem nhanh:
1. Uốn ván và những di biến chứng nguy hiểm
1.1. Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh uốn ván là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, do ngoại độc tố của vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) gây ra. Vi khuẩn này là một loại vi khuẩn kỵ khí, có nghĩa là nó chỉ có thể sống ở môi trường không có oxy. Vi khuẩn uốn ván thường được tìm thấy trong đất, phân và chất thải của động vật. Khi xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết thương, vi khuẩn uốn ván sẽ tiết ra một loại độc tố gọi là tetanospasmin. Tetanospasmin là một loại độc tố thần kinh mạnh có thể gây ra các cơn co cứng cơ. Cụ thể, những vết thương có nguy cơ cao bị uốn ván bao gồm:
– Vết thương hở, vết cắt, vết rách sâu, bẩn, dập nát.
– Vết bỏng.
– Vết kim đâm.
– Vết thương do vật sắc nhọn gây ra.
Ngoài những vết thương được kể trên thì một số yếu tố sau cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh uốn ván:
– Tuổi tác: Trẻ sơ sinh và người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh uốn ván cao hơn người trưởng thành.
– Tình trạng sức khỏe: Những người bị suy giảm hệ miễn dịch, mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, HIV/AIDS,… có nguy cơ cao bị uốn ván.
– Điều kiện sống: Những người sống ở vùng nông thôn, nơi có điều kiện vệ sinh kém có nguy cơ mắc bệnh uốn ván cao hơn.
1.2. Triệu chứng
Bệnh lý uốn ván đặc trưng bởi các cơn co cứng cơ. Những cơn co cứng này thường xuất hiện sau 3-21 ngày kể từ khi người bệnh bị nhiễm vi khuẩn, bắt đầu ở các cơ mặt rồi lan dần đến các cơ khác, thậm chí có thể gây co cứng toàn thân.
Các triệu chứng cụ thể gồm:
– Cứng hàm: Đây là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân uốn ván. Người bệnh có thể khó mở miệng, khó nuốt, thậm chí không thể nuốt được.
– Co cứng cổ: Người bệnh có thể khó ngửa cổ, khó quay đầu.
– Co cứng lưng: Người bệnh có thể cong lưng, uốn cong người về phía trước.
– Co cứng tay chân: Người bệnh có thể nắm chặt tay, duỗi thẳng chân.
– Rối loạn thần kinh thực vật: Người bệnh có thể bị vã mồ hôi, tăng nhịp tim, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim,…
– Khó thở: Đây là một triệu chứng nguy hiểm của bệnh uốn ván. Các cơn co cứng cơ có thể khiến người bệnh khó thở, thậm chí có thể dẫn đến ngừng thở.
1.3. Di biến chứng
Nếu không được điều tri kịp thời, bệnh nhân uốn ván sẽ phải đối mặt với những di biến chứng nguy hiểm như:
– Suy hô hấp: Đây là một trong những biến chứng uốn ván có thể xảy ra do dây thanh quản bị thắt chặt kèm theo cứng cơ ở cổ và bụng.
– Co thắt và cứng cơ do uốn ván: Tình trạng này có thể cản trở hoặc làm người bệnh ngừng thở.
– Biến chứng tim mạch: Bao gồm hạ huyết áp và chậm nhịp tim, đôi khi xuất hiện ngừng tim đột ngột.
– Rối loạn thần kinh thực vật: Bao gồm huyết áp tăng thất thường, tăng nhịp tim, loạn nhịp tim, sốt cao, vã mồ hôi,…
– Huyết khối tắc mạch.
– Biến chứng xương khớp: Co thắt hoặc co giật toàn thân do uốn ván có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng, bao gồm gãy xương cột sống, gãy xương khác và rách cơ.
– Nhiễm trùng: Nhiễm trùng bệnh viện do nằm viện kéo dài có thể là một biến chứng của uốn ván. Các loại nhiễm trùng thứ cấp thường gặp bao gồm nhiễm trùng huyết do đặt ống thông tiểu và loét do tư thế nằm.
– Suy thận: Co thắt cơ nghiêm trọng do uốn ván có thể dẫn đến phá hủy cơ xương, khiến protein bị rò rỉ vào nước tiểu gây suy thận cấp.
2. Đối tượng và thời điểm tiêm vacxin uốn ván phù hợp
2.1. Đối tượng tiêm vacxin uốn ván
Tiêm vacxin uốn ván được khuyến cáo cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người có nguy cơ cao mắc bệnh uốn ván, bao gồm:
– Trẻ em.
– Phụ nữ mang thai.
– Người lớn tuổi.
– Người bị thương, đặc biệt là những vết thương sâu hoặc bẩn.
– Người làm việc trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe., nông nghiệp
2.2. Thời điểm tiêm vacxin uốn ván phù hợp
Khi cơ thể có vết thương
Khi bị thương, cần xử lý vết thương đúng cách để tránh nhiễm trùng. Tốt nhất là nên rửa sạch, sát trùng vết thương và để hở. Nếu vết thương có dính bụi bẩn hoặc đâm vào vật sắc nhọn cần được xử lý ngay để làm chậm sự xâm nhập của vi khuẩn. Sau đó, đến cơ sở y tế để được tiêm phòng uốn ván.
Thời gian tiêm phòng uốn ván hiệu quả là trong vòng 24 giờ sau khi bị thương. Nếu tiêm phòng uốn ván quá 24 giờ, tác dụng bảo vệ vẫn có nhưng sẽ giảm đi.
Khi tiêm chủng chủ động
Tiêm chủng uốn ván chủ động được khuyến cáo cho mọi đối tượng, từ sơ sinh đến người trưởng thành. Liệu trình tiêm vacxin uốn ván cơ bản gồm 3 – 4 mũi, tùy theo từng quốc gia. Mũi nhắc lại mỗi 10 năm để duy trì hiệu quả bảo vệ.
Đối với trẻ em, vacxin uốn ván thường được sử dụng dưới dạng vacxin phối hợp giúp phòng thêm các bệnh bạch hầu, ho gà,… giúp trẻ được bảo vệ khỏi nhiều bệnh truyền nhiễm cùng lúc cũng như giảm số mũi tiêm, giảm đau cho trẻ. Điều quan trọng là trẻ cần được tiêm đầy đủ vacxin theo lịch trình khuyến cáo để duy trì tình trạng miễn dịch. Cụ thể:
– Trẻ 2 – 4 tháng cần tiêm 3 mũi vacxin phòng 5 bệnh hoặc 6 bệnh, gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm não do Hib và viêm gan B.
– Trẻ 18 tháng cần tiêm mũi nhắc lại vacxin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván.
– Trẻ cần tiêm nhắc lại sau mỗi 5 – 10 năm để duy trì hiệu quả bảo vệ.
Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần tiêm vacxin uốn ván để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé. Kháng thể hình thành sau khi tiêm sẽ truyền sang thai nhi, giúp trẻ có miễn dịch ngay từ khi còn trong bụng mẹ và bảo vệ mẹ khỏi bệnh uốn ván trong quá trình sinh nở.
Ngoài ra, một số đối tượng nguy cơ cao được nhắc ở trên cần tiêm 3 mũi vacxin trong vòng 6 tháng để phòng bệnh hiệu quả. Sau đó, cần tiêm nhắc lại mỗi 5 – 10 năm để duy trì hiệu quả bảo vệ.
Hi vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu thêm về uốn ván cũng vacxin phòng bệnh. Nếu có bất kì thắc mắc nào liên quan đến tiêm vacxin uốn ván hay bạn có nhu cầu đặt lịch tiêm phòng, hãy liên hệ Thu Cúc TCI để được hỗ trợ.