Thủy đậu là bệnh mà trẻ em dễ mắc phải, nhưng không phải ba mẹ nào cũng có thể nhận diện hình ảnh bệnh thủy đậu ở trẻ em một cách chính xác. Hãy cùng theo dõi bài viết này để xác định sớm những dấu hiệu thủy đậu ở trẻ và cho bé đi khám sớm. Điều này sẽ rất hữu ích trong việc điều trị và phục hồi của trẻ.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh thủy đậu, hình ảnh bệnh thủy đậu mà ba mẹ cần lưu tâm
Bệnh thủy đậu là một trong những bệnh lý dễ gặp ở trẻ em, do virus Varicella – Zoster gây nên. Thông thường, bệnh thủy đậu rất dễ bùng phát ở nước ta trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 6 hằng năm. Tiết trời xuân hè cũng là thời điểm lý tưởng để vi khuẩn, virus bùng phát và lây lan. Thủy đậu khá dễ gặp ở trẻ em cũng như những người chưa từng bị bệnh, hoặc chưa tiêm vắc xin phòng bệnh. Hình thức lây nhiễm bệnh hiện nay có thể do lây nhiễm trực tiếp từ dịch mụn thủy đậu, từ việc tiếp xúc miệng, bọt khí hô hấp hoặc gián tiếp thông qua việc cầm nắm, sử dụng chung các đồ đạc cá nhân với người bệnh.
Thông thường, người mắc bệnh thủy đậu sẽ trải qua 4 giai đoạn, trong đó, khoảng thời gian bắt đầu những triệu chứng bệnh cho đến khi hết bệnh sẽ là khoảng 1 đến 2 tuần.
1.1. Ủ bệnh
Thời kỳ ủ bệnh thủy đậu khá dài, thường là 2 đến 3 tuần. Đây là thời gian virus thủy đậu xâm nhập vào cơ thể người bệnh nhưng chưa gây nên bất cứ biểu hiện nào. Tuy vậy, những ngày cuối cùng của thời gian này, khả năng lây nhiễm cho cộng đồng của bệnh đã hình thành. Đây là lý do vì sao nhiều người dù nhận biết bệnh sớm và đã phòng ngừa, cách ly với mọi người nhưng vẫn khiến nhiều người xung quanh bị lây bệnh.
1.2. Khởi phát
Giai đoạn thủy đậu khởi phát bắt đầu với việc xuất hiện các vết ban đỏ ở mặt, chân, tay và dần lan khắp cơ thể. Bên cạnh đó, người bệnh cũng bắt đầu có triệu chứng mệt mỏi, đau đầu, sốt nhẹ.
1.3. Toàn phát
Sau thời kỳ khởi phát, các triệu chứng bệnh thủy đậu nặng hơn, đánh dấu thời kỳ bệnh thủy đậu toàn phát. Khi này, người bệnh sốt nặng, mệt mỏi, chán ăn, đau đầu, đau mình mẩy chân tay và có thể kèm theo nôn trớ, tiêu chảy. Bên cạnh đó, các vết thủy đậu như các vết mụn nước với nhân nước ở giữa kèm theo ngứa ngáy. Đây cũng là thời kỳ mà bệnh thủy đậu dễ lây nhiễm, nhất là khi các mụn nước của người bệnh dễ vỡ và lây lan sang các khu vực xung quanh.
1.4. Phục hồi
Giai đoạn phục hồi đánh dấu quá trình hồi kết của bệnh thủy đậu và trẻ sắp khỏi bệnh của trẻ. Lúc này, các triệu chứng như ốm sốt, đau người, khó chịu của trẻ cũng hầu như không còn. Trẻ ăn ngủ được. Bên cạnh đó, các vết mụn thủy đậu lúc này bắt đầu dần săn, khô lại và dần dần rụng xuống.
Dù vậy, nhưng việc cố tình gãi, hoặc bóc các vảy mụn thủy đậu vẫn là điều bác sĩ khuyến cáo không nên thực hiện, có thể khiến quá trình phục hồi lâu hơn cũng như để lại sẹo xấu trên người trẻ.
2. Bệnh thủy đậu gây những biến chứng nguy hiểm nào?
Bệnh thủy đậu hầu như không gây những mối lo lắng quá về sức khỏe và tính mạng cho trẻ nếu như trẻ được điều trị thông thường, đúng cách và không để trễ điều trị. Tuy nhiên, cũng có những khả năng biến chứng của bệnh mà cha mẹ cần đề phòng. Trong đó, tình trạng nhiễm trùng da khá phổ biến ở trẻ thủy đậu. Bên cạnh đó, vì mụn thủy đậu mọc ở mọi nơi, nên trẻ cũng có nguy cơ bị viêm tai, viêm dây thanh,… Một số biến chứng nguy hiểm cha mẹ cần chú ý cho con bị thủy đậu, đó là nguy cơ nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm màng não,… có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng lâu dài của trẻ.
Để tránh những biến chứng này, cha mẹ cần nhận biết sớm tình trạng thủy đậu của trẻ, cho trẻ thăm khám và điều trị theo phác đồ bác sĩ đã chỉ định. Đặc biệt, tránh tình trạng để bệnh quá lâu không điều trị hoặc không kiểm soát tình trạng lây lan cũng như nhiễm trùng của trẻ.
3. Phòng tránh bệnh thủy đậu cho trẻ như thế nào hiệu quả, đúng cách?
Phòng tránh bệnh thủy đậu cho trẻ bằng các hình thức sau đây:
– Tiêm phòng theo độ tuổi được chỉ định tiêm cho trẻ, mà thông thường là độ tuổi từ 9 tháng tuổi trở lên. Việc tiêm phòng giúp giảm 90% khả năng nhiễm bệnh của trẻ cũng như những triệu chứng khó chịu mà trẻ phải chịu khi bị bệnh.
– Cách ly trẻ với người bị bệnh cũng như những người tiếp xúc với người bệnh hoặc có khả năng bị bệnh.
– Vệ sinh cho trẻ sạch sẽ sau mỗi tiếp xúc nơi công cộng. Nên cho trẻ rửa tay sau khi nắm cửa, đi cầu thang, hay cầm nắm các đồ vật, vị trí hay công trình công cộng.
– Cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, tập thể dụng và vận động phù hợp để tăng cường đề kháng, phòng chống bệnh.
4. Điều trị bệnh thủy đậu cho trẻ bằng cách nào?
Bệnh thủy đậu cho đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh. Việc điều trị bệnh hiện nay được thực hiện bằng cách điều trị triệu chứng, xử lý các vết mụn và dùng thuốc kháng virus khi cần. Trong đó, với trẻ nhỏ, các bác sĩ khuyến cáo cần hết sức chú ý khi sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ, vì cơ thể trẻ vẫn còn non yếu, đồng thời có thể gây dị ứng hoặc làm cho trẻ mệt mỏi, tiêu chảy,… thậm chí là tổn thương gan và não.
Nhìn chung, khi nhận thấy con có những dấu hiệu giống như hình ảnh bệnh thủy đậu đã nêu trong bài viết này, ba mẹ nên sớm cho con đi khám và thực hiện điều trị tại nhà, cách ly trẻ đúng cách theo phác đồ điều trị và hướng dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, cần nâng cao đề kháng trẻ và phòng bệnh đúng cách với các biện pháp cách ly với người bị bệnh, tiêm phòng theo độ tuổi và bổ sung năng lượng, dinh dưỡng cần thiết cho trẻ.