Thoát vị đĩa đệm nặng và các biến chứng nguy hiểm

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CK II, Thầy thuốc ưu tú

Nguyễn Thị Kim Loan

Bác sĩ Nội Khoa

Các biến chứng liên quan đến thoát vị đĩa đệm nặng tác động đáng kể đến cuộc sống, sinh hoạt và khả năng lao động của người bệnh. Do đó, tình trạng này cần được điều trị sớm và thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết để ngăn ngừa biến chứng.

1. Thông tin tổng quan về bệnh thoát vị đĩa đệm cần biết

1.1. Nguyên nhân

– Thực hiện hành động như cúi, xoay người, khom lưng lặp lại nhiều lần

– Tạo áp lực đột ngột lên lưng, đốt sống cổ do nâng vật nặng, xoay người không đúng cách

– Thừa cân

– Lão hóa

Thừa cân, béo phì là một trong những yếu tố tăng nguy cơ mắc các bệnh lý xương khớp như thoát vị đĩa đệm nặng

Thừa cân, béo phì là một trong những yếu tố tăng nguy cơ mắc các bệnh lý xương khớp như thoát vị đĩa đệm

1.2. Triệu chứng

Các triệu chứng thoát vị đĩa đệm sẽ khác nhau tùy thuộc vào vị trí tổn thương của cột sống. Trong hầu hết các trường hợp, cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn khi người bệnh di chuyển và cải thiện khi nghỉ ngơi. Triệu chứng cụ thể của đĩa đệm thoát vị như sau:

1.2.1. Triệu chứng đĩa đệm cột sống thắt lưng thoát vị

Triệu chứng điển hình của tình trạng đĩa đệm cột sống thắt lưng thoát vị bao gồm:

– Đau nhói vùng lưng dưới

– Cơn đau lan tỏa xuống mông, chân, bàn chân

– Ngứa râm ran

– Tê chân, bàn chân

– Yếu cơ

1.2.2. Thoát vị đĩa đệm cổ

Dấu hiệu thường gặp ở người bệnh bị thoát vị đĩa đệm cổ như sau:

– Đau vùng gần hoặc giữa hai xương bả vai.

– Đau cổ nhất là vùng lưng, hai bên cổ.

– Cơn đau nghiêm trọng hơn khi cúi, xoay cổ

– Tê, ngứa ran cánh tay

Thoát vị đĩa đệm nặng dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm

Đau cổ, khó xoay, vặn người là triệu chứng đặc trưng của thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ cần lưu ý

2. Các giai đoạn của thoát vị đĩa đệm tiến triển như thế nào?

Bệnh thoát vị đĩa đệm phát triển theo 4 giai đoạn sau đây:

2.1. Giai đoạn 1 – giai đoạn đầu đĩa đệm thoát vị

Giai đoạn này, nhân nhầy bắt đầu biến dạng, một vài chỗ đứt rách nhỏ ở phía sau của vòng sợi xuất hiện, nhân nhầy ấn lõm vào chỗ khuyết này. Hình ảnh chỉ thấy trên phim chụp đĩa đệm, biểu hiện lâm sàng chưa thể hiện rõ ràng.

2.2. Giai đoạn 2: Đĩa đệm lồi ra

Nhân nhầy lồi về một phía của vòng sợi bị suy yếu, nhiều chỗ rạn, rách vòng sợi rõ rệt. Tuy nhiên chiều dày của vòng sợi vẫn giữ nguyên, khoang đốt sống bắt đầu giảm chiều cao. Do nhân nhầy đè ép vào vòng sợi bị suy yếu nên đĩa đệm phình ra nhất là ở phía sau.

Hình ảnh chụp đĩa đệm đã có những dấu hiệu tổn thương khá đa dạng. Về lâm sàng đã bắt đầu có các triệu chứng xuất hiện tuy nhiên chỉ ở mức độ nhẹ.

2.3. Giai đoạn 3: Thoát vị đĩa đệm

Lúc này, các lớp của vòng sợi đã đứt rách hoàn toàn, tổ chức nhầy cùng với tổ chức khác của đĩa đệm thoát ra khoang gian sốt sống và gây ra tình trạng đĩa đệm thoát vị. Chụp đĩa đệm giai đoạn 3 cho thấy thoát vị nhân nhầy có thể đã gây đứt dây chằng dọc sau. Các triệu chứng lâm sàng của hội chứng rễ thần kinh xuất hiện, được chia ra 3 mức độ:

– Kích thích rễ.

– Chèn ép rễ, vẫn còn một phần dẫn truyền thần kinh.

– Dẫn truyền thần kinh mất hoàn toàn.

2.4. Giai đoạn 4: Thoát vị đĩa đệm nặng, nguy hiểm

Nhân nhầy biến dạng, xơ hóa, vòng sợi bị phá vỡ, rạn rách nặng ở nhiều phía khác nhau. Khoang đốt sống giảm chiều cao rõ rệt, dẫn đến hẹp ống sống thứ phát và hư khớp đốt sống, giữa mấu khớp. Bờ viền của các thân đốt sống mọc gai xương.

Triệu chứng ở thoát vị đĩa đệm nặng là cơn đau thắt lưng, đốt sống cổ tái phát nhiều lần. Cơn đau ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, giảm khả năng vận động của người bệnh. Nhiều người không thể thực hiện các hoạt động vệ sinh cá nhân, ăn uống thường ngày.

3. Các biến chứng thoát vị đĩa đệm nặng có thể gây ra

3.1. Biến chứng rối loạn tiểu tiện

Bệnh thoát vị đĩa đệm khiến phần đĩa đệm lệch khỏi cột sống, bao xơ rách và nhân nhầy thoát ra vị trí ban đầu.

Khi nhân nhầy chèn ép các dây thần kinh, điều này dẫn đến rối loạn cơ tròn. Tình trạng này có khả năng dẫn đến tiểu tiện không tự chủ. Biểu hiện ban đầu là:

– Bí tiểu

– Sau đó phát triển thành tiểu không tự chủ

3.2. Bệnh gây ảnh hưởng đến dây thần kinh cột sống

Trên cơ thể rất nhiều dây thần kinh đi qua vùng cột sống. Khi bị thoát vị đĩa đệm ở cột sống, hệ thống dây thần kinh bị chèn ép, gây đau nhức ở lưng và lan xuống chân.

Ở giai đoạn nặng hơn, các cơn đau dày đặc lan xuống chân và tay, tăng lên khi vận động, làm việc, ngồi lâu hoặc ho.

3.3. Thoát vị đĩa đệm nặng biến chứng liệt và tàn phế

Đây được coi là biến chứng nguy hiểm nhất của thoát vị đĩa đệm cột sống lưng. Người bệnh có thể mất vĩnh viễn khả năng vận động, di chuyển và chỉ có thể nằm một chỗ, không thể tự sinh hoạt hay chăm sóc bản thân.

3.4. Gây teo cơ

Thoát vị đĩa đệm không chỉ gây tổn thương nghiêm trọng và ảnh hưởng đến khả năng vận động, sinh hoạt của người bệnh mà còn gây chèn ép, tắc nghẽn các đường lưu thông máu đến cơ. Nó có thể dẫn đến:

– Teo cơ chi lâu dần

– Làm giảm khả năng lao động

– Điều này có tác động tiêu cực đến đời sống và sinh hoạt của người bệnh.

Cần thăm khám với bác sĩ để được chẩn đoán chính xác tình trạng thoát vị đĩa đệm nặng

Cần thăm khám với bác sĩ để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm

3.5. Biến chứng liên quan đến rối loạn cảm giác

Nhân nhầy có thể chèn ép vào các rễ thần kinh hoặc tuỷ sống, gây rối loạn cảm giác. Biến chứng này rất phổ biến và gây ra rối loạn ở vùng dây thần kinh bị chèn ép, có thể dẫn tới tổn thương.

4. Các biện pháp để ngăn ngừa biến chứng liên quan đến thoát vị đĩa đệm

Người bệnh mắc thoát vị đĩa đệm cần có các biện pháp phòng ngừa để ngăn ngừa biến chứng, cụ thể:

– Để tránh tác động mạnh và đột ngột lên cột sống, hãy vận động nhẹ nhàng, chậm rãi khi thay đổi tư thế.

– Để giúp cơ thể thích nghi, hãy ngồi dậy từ từ khi chuyển tư thế từ nằm sang ngồi một cách chậm rãi.

– Tránh khiêng vật nặng, vận động quá mạnh hoặc tập luyện cường độ cao có thể gây chấn thương hoặc tai nạn.

– Trong quá trình điều trị thoát vị đĩa đệm, bạn nên tránh chạy nhảy liên tục để giảm áp lực lên cột sống.

– Hạn chế việc lái xe đường xa, đặc biệt là trên địa hình khó khăn, mấp mô và có nhiều quãng xóc.

– Không nên mang vác nặng một bên, ngồi liên tục nhiều giờ đồng hồ.

Bên cạnh đó, người bệnh thoát vị đĩa đệm cần thăm khám sớm cùng bác sĩ Cơ xương khớp để có phác đồ điều trị hiệu quả.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital