Nhiều người bị đau lưng, đau cổ kéo dài đi thăm khám được bác sĩ chẩn đoán là bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Cùng tìm hiểu thoát vị đĩa đệm có nguy hiểm không? Cách nhận biết, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa căn bệnh này như thế nào? trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Thoát vị đĩa đệm được hiểu như thế nào?
Đây là tình trạng phần bao xơ quanh đĩa đệm (giữa các đốt sống có một đệm tròn được gọi là đĩa đệm) bị tổn thương (rách), tạo điều kiện cho nhân nhầy chui ra ngoài (thoát vị).
Thoát vị đĩa đệm thường gặp là thoát vị đĩa đệm cột sống cổ và thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.
2. Thoát vị đĩa đệm có nguy hiểm không?
Không chỉ gây ra những cơn đau dai dẳng, cử động gặp khó khăn và người bị thoát vị đĩa đệm nếu không phát hiện sớm và điều trị có nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng như sau:
2.1 Đau rễ thần kinh
Khối thoát vị có thể chèn ép vào dây thần kinh gây đau dây thần kinh.
2.2 Rối loạn cảm giác
Khối thoát vị chèn ép dây thần kinh cảm giác khiến người bệnh có thể bị rối loạn cảm giác như tê bì tay, chân khi cầm, nắm,…
2.3 Thoát vị đĩa đệm có nguy hiểm không? Teo cơ, gây tê liệt, tàn phế
Cơn đau và sự hạn chế vận động do tình trạng thoát vị đĩa đệm khiến người bệnh ngại vận động. Nếu kéo dài lâu ngày khiến các cơ trở nên suy yếu, đặc biệt là cơ vận động bị teo dần, điển hình dễ nhận thấy nhất là teo chi (tay, chân bé lại), khả năng đi lại và vận động bị giảm sút.
2.4 Rối loạn cơ thắt (rối loạn đại tiểu tiện)
Hay còn gọi là rối loạn cơ vòng đường tiểu, xảy ra khi rễ thần kinh bị tổn thương gây tình trạng bí tiểu, tiểu không tự chủ (đái dầm dề), rò tiểu (nước tiểu chảy rỉ).
2.5 Thoát vị đĩa đệm có nguy hiểm không? Hội chứng đuôi ngựa
Đây là bệnh lý nguy hiểm (do khối thoát vị chèn ép vào rễ các dây thần kinh cột sống) gây đau lưng dữ dội, cần can thiệp khẩn cấp. Nếu không được can thiệp kịp thời, người bệnh sẽ gặp khó khăn khi đi lại, đối mặt với biến chứng tê liệt, đại tiểu không tự chủ, rối loạn sinh dục.
2.6 Hội chứng đau khập khễnh cách hồi
Là một rối loạn vận động do biến chứng của thoát vị đĩa đệm gây ra, khiến người bệnh khó điều khiển hành vi của mình như: khó di chuyển liên tục, luôn phải nghỉ ngơi sau vài bước di chuyển.
3. Triệu chứng nhận biết ai đó bị thoát vị đĩa đệm
3.1 Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
+ Đau cột sống thắt lưng
+ Cột sống bị biến dạng
+ Giảm biên độ hoạt động của cột sống thắt lưng
+ Đau rễ thần kinh, đau lan dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa, đau nhức buốt.
+ Người bệnh có thể cảm nhận thấy cơn đau tăng lên khi đi lại, vận động gắng sức, ho, hắt hơi, đứng lâu và cơn đau sẽ giảm đi khi người bệnh được nghỉ ngơi.
+ Dị cảm ở chân (cảm giác tê bì như kiến bò, ngứa ran ở chân).
+ Yếu cơ, giảm khả năng đi lại và vận động, thậm chí liệt, thường xảy ra ở giai đoạn nặng.
3.2 Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
Cảm giác đau, nhức mỏi âm ỉ ở vùng xương sống cổ phía sau gáy.
Nặng có thể sờ thấy khối thoát vị “trồi ra” ở vùng sau gáy.
Cơn đau vùng cổ có thể kéo lên gây đau đầu, đau bả vai và đau lan xuống cánh tay, bàn tay, ngón tay.
Hạn chế cúi, xoay cổ
Dị cảm ở tay (tê bì, ngứa ran)
Cũng có nhiều trường hợp bị thoát vị đĩa đệm nhưng không gây ra triệu chứng gì, chỉ khi thăm khám người bệnh mới được phát hiện (đây thường là những trường hợp thoát vị nhẹ, chưa có sự chèn ép dây thần kinh).
4. Đối tượng có nguy cơ cao bị thoát vị đĩa đệm
4.1 Người dư cân, béo phì
Cân nặng ảnh hưởng trực tiếp lên xương cột sống của bạn, nhất là cột sống thắt lưng. Những người bị dư cân béo phì thì xương cột sống luôn trong tình trạng chịu lực quá tải, dễ gây loãng xương, thoát vị đĩa đệm, gãy xương.
4.2 Làm việc nặng, lặp đi lặp lại
một số công việc đòi hỏi phải nâng, bê, vác, cúi, uốn liên tục các đồ vật nặng và điều này tác động trực tiếp lên xương cột sống khiến cột sống dễ bị tổn thương (thoát vị đĩa đệm, thoái hóa,…). Hay một số người làm công việc văn phòng, lái xe, thợ may,… phải ngồi lâu một tư thế cố định không thoải mái cũng dễ gây thoát vị đĩa đệm.
4.3 Lối sống ít vận động
Ít vận động khiến xương khớp kém linh hoạt, dễ mắc nhiều bệnh lý trong đó có các bệnh về cơ xương khớp.
4.4 Hút thuốc
Theo một số nghiên cứu chỉ ra rằng, người hút thuốc làm giảm lượng oxy cung cấp cho đĩa đệm, dễ đẩy nhanh quá trình thoát vị đĩa đệm và thoái hóa diễn ra nhanh hơn.
5. Cách điều trị và phòng ngừa
5.1 Điều trị
Trước hết để chẩn đoán ai đó bị thoát vị đĩa đệm hay không, các bác sĩ thường chỉ định thực hiện một số cận lâm sàng như sau:
– Chụp X-quang thường quy thẳng và nghiêng
– Chụp cắt lớp vi tính
– Điện cơ
– Chụp cộng hưởng từ MRI: là kỹ thuật tân tiến hơn có thể đánh giá được tình trạng tổn thương ở cột sống, tủy sống và các dây rễ thần kinh.
Điều trị: điều trị phối hợp nội khoa, vật lý trị liệu và ngoại khoa. Trong đó, biện pháp đầu tiên và cũng được ưu tiên sử dụng là điều trị nội khoa (dùng thuốc) kết hợp với vật lý trị liệu.
Nếu như việc điều trị nội khoa thất bại, bác sĩ sẽ cân nhắc điều trị ngoại khoa (phẫu thuật lấy khối thoát vị đĩa đệm). Hoặc trong những trường hợp mà việc điều trị nội khoa kém hiệu quả hơn nhiều so với điều trị ngoại khoa cũng sẽ được bác sĩ cân nhắc phẫu thuật.
5.2 Phòng ngừa
Nên thường xuyên tập luyện thể dục thể thao với các bài tập vừa sức, phù hợp với tình trạng bệnh lý hiện có. Ví dụ, nếu bạn đang bị thoái hóa khớp gối thì không nên chạy bộ, tập gym thay vào đó hãy đi bộ nhẹ nhàng, tập yoga chẳng hạn.
Hạn chế mang vác đồ vật nặng, quá sức, ngồi sai tư thế.
Kiểm soát cân nặng hợp lý
Điều trị hiệu quả các vấn đề, bệnh lý xương khớp có liên quan.