Thoái hoá cột sống cổ là một bệnh lý mạn tính, xảy ra khi các đốt sống cổ bị thoái hóa, kém chức năng. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây bại liệt. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Để biết cách phòng ngừa bệnh hiệu quả, hãy cùng theo dõi những thông tin trong bài viết dưới đây của Thu Cúc TCI.
Menu xem nhanh:
1.”Điểm mặt” các biến chứng nguy hiểm khi bị thoái hóa cột sống cổ
Một số biến chứng nguy hiểm của thoái hóa cột sống cổ bao gồm:
1.1. Giảm khả năng vận động ở khớp cổ và các cơ quan xung quanh
Biến chứng sớm nhất là xoay cổ thấy đau, vướng, nhất là thỉnh thoảng bị vẹo cổ. Điều này khiển cho khả năng vận động ở khớp cổ bị giảm sút, gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt.
Khi dây thần kinh bị chèn ép quá mức, có thể dẫn đến tê liệt ở một phần hoặc toàn bộ cánh tay. Tê liệt có thể gây khó khăn trong việc vận động, sinh hoạt hàng ngày. Khi đó, chất lượng cuộc sống của người bệnh cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
1.2. Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ
Thoái hóa cột sống cổ có thể gây thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ. Tình trạng này thường gặp ở những người có tiền sử chấn thương cột sống cổ hoặc lao động nặng.
Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ là tình trạng nhân nhầy của đĩa đệm thoát ra khỏi vị trí, chèn ép lên các dây thần kinh gây ra những cơn đau dữ dội, tê bì, yếu cơ,… Nếu bệnh không được điều trị sớm có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm là bại liệt nửa người.
1.3. Bại liệt nửa người – Biến chứng nguy hiểm khi bị thoái hoá cột sống cổ
Nếu thoái hóa cột sống cổ trở nặng, bệnh có thể gây chèn ép lên tủy sống. Khi tủy sống bị chèn ép, các dây thần kinh có thể bị tổn thương, dẫn đến rối loạn cảm giác tứ chi, bại liệt tay (hoặc toàn thân). Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động và sinh hoạt của người bệnh, thậm chí là dẫn đến tàn phế.
1.4. Rối loạn tiền đình cũng là một hệ lụy từ thoái hóa cột sống cổ
Thoái hóa cột sống cổ có thể gây chèn ép lên các dây thần kinh dẫn đến rối loạn tiền đình. Lúc này, người bệnh có thể gây đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn mỗi khi thay đổi tư thế. Tình trạng này đặc biệt nguy hiểm đối với người cao tuổi vì rất dễ bị ngã và gây ra những tai nạn nghiêm trọng.
2. Nguyên nhân dẫn đến các biến chứng của thoái hóa cột sống cổ
2.1. Sự suy giảm chức năng của cột sống cổ theo thời gian
Thông thường, nguyên nhân chính dẫn đến các biến chứng của thoái hóa cột sống cổ là do quá trình thoái hóa gây ra sự suy giảm chức năng của các phần đốt sống cổ, bao gồm:
– Xương cột sống cổ.
– Các đĩa đệm.
– Dây chằng.
– Các cơ xung quanh cổ.
Chính sự suy giảm chức năng này dẫn đến cột sống cổ mất ổn định, làm tăng nguy cơ chèn ép lên các dây thần kinh hoặc tủy sống. Điều này gây nên những biến chứng nghiêm trọng cho người bệnh.
2.2. Cấu trúc cột sống cổ suy yếu làm trầm trọng thêm các chấn thương
Khi bị thoái hóa cột sống cổ, cấu trúc của cột sống cổ đã bị suy yếu. Do đó, nếu gặp chấn thương nghiêm trọng ở vùng cổ, người bệnh có thể bị các biến chứng nguy hiểm.
Nếu gặp chấn thương nghiêm trọng, người bị thoái hóa cột sống cổ cần đến bệnh viện ngay lập tức để được cấp cứu kịp thời.
2.3. Thường xuyên lao động nặng và sai tư thế làm tăng mức độ thoái hóa cột sống cổ
Khi lao động nặng nhọc, cơ thể phải chịu một áp lực lớn. Nếu lao động sai tư thế, áp lực này sẽ tập trung lên cột sống cổ. Áp lực này khiến các đốt sống cổ bị tổn thương, chèn ép lên các dây thần kinh hoặc tủy sống. Điều này có thể khiến bệnh tiến triển nhanh hơn, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Bên cạnh đó, lao động nặng nhọc sai tư thế có thể gây ra các chấn thương cho cột sống cổ, chẳng hạn như bong gân, trật khớp, gãy xương,… Những chấn thương này có thể khiến tình trạng thoái hóa cột sống cổ trở nên nghiêm trọng hơn.
3. Cách phòng ngừa các biến chứng thoái hoá cột sống cổ từ sớm
3.1. Duy trì đều đặn chế độ điều trị bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ
Để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất, người bệnh cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ. Cụ thể, người bệnh cần:
– Uống thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý thay đổi liều lượng hoặc ngừng thuốc đột ngột.
– Thực hiện các bài tập trị liệu tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.
Duy trì đều đặn chế độ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp người bệnh kiểm soát các triệu chứng. Đồng thời, ngăn ngừa bệnh tiến triển và giảm nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm.
3.2. Hình thành những thói quen tốt để không gây thoái hóa cột sống cổ
Ngoài việc tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, người bệnh cũng cần thay đổi lối sống, sinh hoạt lành mạnh, hạn chế các yếu tố nguy cơ gây thoái hóa cột sống cổ như:
– Tránh hoặc hạn chế những tư thế có hại cho cổ như vừa cúi, vừa cử động, bẻ vặn cổ.
– Không đưa cổ hướng về phía trước quá gần khi xem ti vi hay sử dụng máy tính.
– Không gối quá cao khi ngủ và không ngủ gục đầu xuống bàn làm việc.
– Tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn trong lao động để tránh chấn thương nguy hiểm.
– Thực hiện một số động tác giãn cơ, vận động nhẹ nhàng để thư giãn các khớp.
Thoái hóa cột sống cổ là một bệnh lý mạn tính, có xu hướng tiến triển theo thời gian. Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vì vậy, hãy chủ động phòng ngừa bệnh từ sớm để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra nhé!