Thiếu máu tim cục bộ xảy ra khi động mạch vành bị hẹp, làm giảm lượng máu đến nuôi tim. Bệnh nhân có nguy cơ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như suy tim, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim nếu không được điều trị kịp thời.
Menu xem nhanh:
1. Thiếu máu cơ tim cục bộ và nguyên nhân gây bệnh
Thiếu máu cơ tim cục bộ là một bệnh lý tim mạch phổ biến và nguy hiểm. Tình trạng này xảy ra mạch máu bị tắc nghẽn hoặc co cứng, hạn chế lượng máu cung cấp cho tim. Nguyên nhân chính gây bệnh thường bắt nguồn từ những vấn đề sau đây:
– Bệnh mạch vành: Mạch vành là những động mạch nhỏ có nhiệm vụ cung cấp máu, oxy và chất dinh dưỡng cho cơ tim. Khi các động mạch mạch vành bị tắc nghẽn sẽ dẫn đến giảm lưu lượng máu đi qua, gây ra thiếu máu cơ tim.
– Hình thành cục máu đông: Khi các cục máu đông xuất hiện trong các động mạch cung cấp máu cho cơ tim, động mạch này có thể bị tắc nghẽn, làm giảm lưu lượng máu giàu oxy đến các vùng cơ tim, dẫn đến thiếu máu cục bộ.
– Co thắt động mạch: Một số nguyên nhân có thể gây co thắt động mạch, làm giảm lưu lượng máu đi qua mạch máu này và gây ra thiếu máu cơ tim cục bộ bao gồm stress, cảm xúc mạnh, sử dụng chất kích thích như thuốc lá, thuốc lá điện tử.
– Bệnh tim mạch khác: Các bệnh lý như bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh, bệnh màng tim hoặc các vấn đề về cấu trúc tim có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Ngoài ra, những yếu tố như tuổi tác, giới tính, gia đình có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp cao, tiểu đường, béo phì cũng có thể làm tăng nguy cơ thiếu máu cơ tim cục bộ.
2. Hệ lụy khôn lường của thiếu máu tim cục bộ
2.1. Thiếu máu tim cục bộ gây ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh
Thiếu máu cơ tim cục bộ gây ra những triệu chứng đau nói tim, khó thở, mệt mỏi, đặc biệt là khi người bệnh hoạt động mạnh hoặc gặp căng thẳng. Đau tim thường xuất hiện ở vùng ngực và có thể lan ra vai, cánh tay trái, cổ, hàm. Triệu chứng đau tim gây không chỉ gây khó chịu mà còn hạn chế khả năng vận động và thực hiện các hoạt động hàng ngày của người bệnh. Ngoài ra, bệnh cũng có thể gây mất ngủ và làm giảm chất lượng giấc ngủ. Người bệnh bị thiếu máu cung cấp cho tim thường sống trong tình trạng lo lắng, sợ hãi và lo ngại về sự tái phát của các cơn đau tim. Điều này tác động tiêu cực đến tâm trạng và chất lượng cuộc sống.
Ở một số trường hợp không có triệu chứng đau ngực, khó thở, bệnh nhân thường khó nhận biết và phát hiện bệnh muộn. Việc không điều trị kịp thời làm tăng nguy cơ biến chứng nhồi máu cơ tim hoặc đột tử.
2.2. Gây biến chứng suy tim
Nếu thiếu máu tim cơ cục bộ không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến biến chứng suy tim. Suy tim xảy ra khi trái tim không còn đủ khả năng bơm máu đáp ứng nhu cầu cơ thể. Các biểu hiện của suy tim bao gồm mệt mỏi, khó thở, đau thắt ngực, ho và giảm khả năng tập trung. Đây là một tình trạng sức khỏe nguy hiểm và đòi hỏi sự can thiệp y tế ngay lập tức.
2.3. Thiếu máu tim cục bộ gây biến chứng rối loạn nhịp tim
Bệnh thiếu máu cơ tim nếu không được điều trị cũng có thể gây rối loạn nhịp tim. Điều này xảy ra khi lượng máu cung cấp cho trái tim bị gián đoạn, gây ra sự mất đồng bộ trong hoạt động của các tế bào nhịp tim. Bệnh nhân có nguy cơ gặp các biến chứng loạn nhịp tim nguy hiểm như rung nhĩ, nhịp nhanh thất, ngoại tâm thu thất,…
2.4. Biến chứng nhồi máu cơ tim
Nếu không có biện pháp điều trị hiệu quả từ chuyên gia, bệnh có thể dẫn đến biến chứng nhồi máu cơ tim. Nhồi máu cơ tim xảy ra khi xuất hiện huyết khối trong các mạch máu nuôi cơ tim, khiến một hoặc nhiều mạch máu bị tắc nghẽn hoàn toàn. Lúc này, vùng tim được cung cấp máu bởi mạch máu bị tắc nghẽn sẽ không nhận được oxy và dưỡng chất cần thiết, gây tổn thương cơ tim, thậm chí có thể khiến người bệnh tử vong.
3. Phòng ngừa thiếu máu cơ tim cục bộ
Những biện pháp sau đây đóng vai trò không nhỏ trong việc phòng ngừa, giảm nguy cơ mắc bệnh này:
– Tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh: Hạn chế ăn thực phẩm có nhiều chất béo bão hòa như thịt đỏ, sản phẩm từ sữa béo, đồ chiên và đồ ngọt. Thay vào đó, tăng cường tiêu thụ các loại rau và quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt, cá hồi, hạt chia và dầu ô liu.
– Thực hiện các bài tập thể dục đều đặn: Tập thể dục thường xuyên có thể giảm nguy cơ tắc nghẽn mạch máu và cải thiện chức năng tim mạch. Bạn có thể thực hiện các hoạt động như đi bộ, chạy bộ, bơi lội hoặc tham gia lớp thể dục nhịp điệu.
– Kiểm soát cân nặng và giảm stress: Bảo đảm duy trì cân nặng trong mức lí tưởng và hạn chế stress có thể giảm nguy cơ thiếu máu tim cục bộ. Có thể thực hiện các biện pháp giảm stress như yoga, thiền, và tìm kiếm hỗ trợ từ gia đình và bạn bè.
– Kiểm tra và điều trị các yếu tố nguy cơ: Phát hiện sớm và điều trị các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, mỡ máu cao, tiểu đường và các bệnh lý tim mạch khác để hạn chế nguy cơ gây bệnh.
4. Thăm khám bác sĩ ngay khi có dấu hiệu bất thường
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy cơ thể đang gặp vấn đề về thiếu máu cơ tim cục bộ, nên thăm khám bác sĩ ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị. Bác sĩ sẽ tiến hành một khám chi tiết, thu thập thông tin về triệu chứng và chỉ định xét nghiệm, chụp chiếu từ đó đề xuất phương pháp điều trị phù hợp cho bạn. Bệnh nhân có thể được điều trị bằng cách sử dụng thuốc để cải thiện lưu lượng máu đến tim, thay đổi lối sống bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục đều đặn, ngừng hút thuốc.