Viêm trợt hang vị dạ dày là biến chứng sau khi bị viêm hang vị. Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này là do bệnh nhân không điều trị triệt để khi bị bệnh. Vậy dấu hiệu và cách điều trị bệnh ra sao? Hãy cùng tìm hiểu.
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm viêm trợt hang vị dạ dày
Viêm trợt hang vị dạ dày xảy ra khi thức ăn ma sát quá mạnh với niêm mạc dạ dày gây ra tổn thương. Vị trí hang vị dạ dày nằm ở phần cuối dạ dày nơi nối với ruột non. Đây là vị trí tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm loét dạ dày. Khi dạ dày co bóp thức ăn sẽ làm vết loét càng lan rộng hơn.
Bất kỳ người nào cũng có thể bị viêm trợt hang vị nhưng độ tuổi trưởng thành chiếm tỷ lệ cao hơn cả.
2. Nhận biết các loại viêm trợt hang vị dạ dày
Viêm trợt hang vị dạ dày ngày càng phổ biến do chúng thường xuất phát từ người bị viêm hang vị hoặc đau dạ dày mạn tính. Bệnh có thể chia thành 3 loại:
2.1 Viêm trợt lồi
Các vết trầy xước do thức ăn cọ xát tại vị trí lồi của niêm mạc. Do bị lồi ra nên chỗ niêm mạc này càng dễ bị xước nhiều, khả năng nhiễm khuẩn từ thức ăn càng cao. Trong dịch vị dạ dày chứa acid nên chúng sẽ gây tổn thương niêm mạc. Vết trợt sẽ càng ngày sẽ càng lan rộng theo thời gian.
2.2 Viêm trợt phẳng
Khác với viêm trợt lồi, viêm trợt phẳng xảy ra ở các vị trí tiếp xúc ít với thức ăn. Vì vậy loại viêm trợt này thường nông và phẳng.
Giai đoạn đầu tổn thương gây ra triệu chứng nhẹ nên dễ dàng bị bỏ qua. Theo thời gian vết viêm sẽ tiến triển nặng dần cho tới khi phát hiện ra thì bệnh đã nặng.
2.3 Viêm trợt hang vị dạ dày xung huyết
Đây là loại viêm trợt kết hợp giữa các vết xước và tình trạng viêm nhiễm khiến niêm mạc dạ dày bị xung huyết. Sự viêm nhiễm gây ra giãn mạch máu, sưng đau, nóng đỏ. Điều này khiến cho mạch máu dưới lớp niêm mạc bị vỡ và máu chảy vào trong dạ dày.
3. Tìm hiểu nguyên nhân gây viêm trợt hang vị dạ dày
Viêm trợt hang vị có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Có một số nguyên nhân là do các yếu tố cùng cộng hưởng gây ra. Các tác nhân đó là:
– Nhiễm vi khuẩn HP
– Tác dụng phụ của các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)
– Sử dụng đồ uống có cồn
– Do hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc thụ động
– Uống nhiều trà đặc, cafe
– Căng thẳng thần kinh kéo dài
– Thường xuyên ăn đồ có vị chua, cay, nhiều dầu mỡ
4. Các triệu chứng dễ nhận biết
Khi bị viêm hang vị bạn có thể gặp những biểu hiện sau:
– Đau vùng thượng vị: Cơn đau thường xuất hiện ở vùng trên rốn, dưới xương ức. Cơn đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội tùy thuộc vào tình trạng của bệnh.
– Ợ chua, ợ hơi: Nguyên nhân do dạ dày bị tăng tiết acid dịch vị. Khi đó chức năng cơ quan tiêu hóa bị suy giảm dễ khiến thức ăn bị đọng lại và lên men gây ra ợ hơi.
– Nôn nao, nôn: Do dịch vị tiết ra quá nhiều và ợ hơi liên tục sẽ khiến người bệnh luôn có cảm giác buồn nôn.
– Giảm cân: Khi dạ dày gặp vấn đề sẽ khiến các chức năng tiêu hóa suy giảm. Hậu quả của việc này là người bệnh thấy chán ăn, mệt mỏi và dần dần sụt cân.
Các bệnh lý thuộc hệ tiêu hóa thường có các triệu chứng hao hao giống nhau. Vì vậy để tránh nhầm lẫn và điều trị không đúng cách bạn nên tới bệnh viện khám để chẩn đoán bệnh chính xác.
5. Nên điều trị viêm trợt hang vị dạ dày bằng cách nào?
Với sự tiên tiến của y học thì viêm trợt hang vị có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân để tư vấn cách điều trị phù hợp
5.1. Dùng thuốc để trị viêm trợt hang vị dạ dày
Phương pháp được sử dụng chủ yếu hiện nay là điều trị nội khoa. Bác sĩ sẽ dựa trên nguyên nhân và triệu chứng để kê các loại thuốc khác nhau:
– Thuốc ức chế bơm Proton: Hỗ trợ giảm tiết acid dịch vị dạ dày
– Thuốc kháng sinh: Trường hợp nguyên nhân do nhiễm khuẩn HP sẽ được điều trị bằng kháng sinh để diệt vi khuẩn triệt để. Đơn thuốc sẽ được kết hợp một số loại thuốc để mang lại hiệu quả cao nhất.
– Thuốc ức chế thụ thể Histamine H2: Thuốc có tác dụng ức chế tế bào viêm nhiễm để giảm tiết acid trong dạ dày. Một số trường hợp thuốc có thể thay loại thuốc ức chế bơm proton
– Thuốc kháng acid: Mục tiêu bảo vệ niêm mạc khỏi các thương tổn. Thuốc thường có tác dụng nhanh, kiểm soát tốt các triệu chứng.
Lưu ý: Hiện nay thông tin về các loại thuốc điều trị khá phổ biến trên mạng nhưng bạn không nên tự ý uống thuốc. Đặc biệt cũng không nên sử dụng chung đơn thuốc với người khác vì tình trạng bệnh của mỗi người một khác. Việc sử dụng thuốc khi chưa được sự tư vấn của bác sĩ có thể sẽ khiến bệnh nặng hơn do tác dụng phụ của thuốc.
5.2. Can thiệp ngoại khoa
Các trường hợp điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả sẽ cần phải can thiệp bằng phẫu thuật. Đặc biệt trong các trường hợp gặp biến chứng nghiêm trọng như xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày cần phẫu thuật càng sớm càng tốt.
Đây là thủ thuật xâm lấn vì vậy có thể gây ra nhiều rủi ro hậu phẫu như: Nhiễm trùng, rối loạn chức năng co bóp, để lại sẹo lớn,…
Lưu ý: Viêm trợt hang vị dạ dày liên quan mật thiết tới chế độ ăn uống. Vì vậy người bệnh cần xây dựng thực đơn dinh dưỡng khoa học. Điều này không chỉ giúp ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn mà còn hỗ trợ chữa lành viêm nhiễm.
6. Các cách phòng chống bệnh
Phòng ngừa bệnh sẽ đơn giản và ít tốn kém hơn nhiều so với việc chữa trị. Vì vậy để giữ cho dạ dày luôn khỏe mạnh bạn cần thực hiện theo một số nguyên tắc.
– Hạn chế tự ý sử dụng các loại thuốc kháng viêm, giảm đau
– Tránh sử dụng đồ uống không có lợi cho dạ dày
– Ăn uống đủ chất, nhiều rau xanh, trái cây tươi
– Hạn chế ăn các đồ có vị chua, cay
– Ăn chậm, nhai kỹ, ăn thành nhiều bữa mỗi ngày
– Ngủ sớm, không thức quá khuya
– Tăng cường tập luyện thể dục thể thao để rèn luyện và nâng cao sức khỏe
Viêm trợt hang vị dạ dày tuy không quá nguy hiểm nhưng vẫn cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh xảy ra các biến chứng nguy hiểm. Sau khi bệnh được chữa khỏi, mọi người cũng nên thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh để bệnh không có cơ hội tái nhiễm.