Nhiều phụ huynh thường nhầm lẫn giữa bệnh cúm và bệnh cảm thông thường. Do đó khi thấy con bị cúm thì lại nghĩ rằng con chỉ bị cảm vài ngày là hết. Việc chủ quan điều trị sai sẽ khiến tình trạng bệnh của trẻ trở nặng. Tiêm phòng vacxin cho trẻ em là cách hiệu quả và an toàn trước căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.
Menu xem nhanh:
1. Nhiều phụ huynh vẫn nhầm lẫn bệnh cảm với bệnh cúm
Bệnh cảm và cúm tuy đều là bệnh lý lây truyền đường hô hấp nhưng về nguyên nhân gây bệnh và bản chất thì khác nhau.
– Cảm lạnh thường gây ra bởi nhiều loại virus khác nhau, đó là Rhinovirus, Coxsackie virus, Para.
– Cảm cúm gây ra bởi Influenza virus và có thể bùng phát thành dịch.
Bệnh cảm và cúm có những triệu chứng khá giống nhau như:
– Trẻ có thể hắt hơi, sổ mũi.
– Sốt.
– Đau họng.
– Đau mỏi cơ.
– Nhức đầu, khó chịu…
Tuy nhiên, nếu để ý kĩ thì cha mẹ hoàn toàn có thể nhận biết được trẻ đang bị cảm lạnh hay nhiễm cúm:
– Trẻ bị cảm lạnh sẽ có biểu hiện khởi phát từ từ. Trẻ vẫn chơi vui vẻ, sinh hoạt bình thường và thường các triệu chứng đau đầu, mệt mỏi, rát họng,… sẽ tự khỏi trong vòng từ 4 – 10 ngày.
– Trẻ nhiễm cúm sẽ có biểu hiện bệnh rầm rộ như: sốt cao liên tục, ho nặng tiếng hoặc các biểu hiện đột ngột trên đường hô hấp (khó thở, thở mệt, lừ đừ, có thể thêm tiêu chảy, nôn ói). Các triệu chứng bệnh thường kéo dài đến khoảng 3 tuần.
Trẻ bị cảm thông thường hoàn toàn được điều trị tốt tại nhà. Trường hợp trẻ bị cảm thì cha mẹ nên đưa đi khám với bác sĩ chuyên khoa. Qua thăm khám, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp để tránh bệnh diễn tiến nặng.
Tuy nhiên trẻ nhiễm cúm nếu không được điều trị kịp thời sẽ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm. Từ đó có nguy cơ cao nhập viện, nằm viện kéo dài.
– Viêm phổi.
– Viêm tai.
– Viêm não.
2. Tăng cường phòng tránh bằng cách tiêm vacxin cho trẻ em
2.1. Lợi ích của mũi tiêm phòng cúm
Tiêm vacxin cho trẻ em là biện pháp phòng bệnh cúm hữu hiệu, an toàn nhất. Do đó, trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên cần tiêm vacxin đầy đủ và đúng lịch để tăng cường đề kháng phòng ngừa bệnh cúm. Chỉ có vậy thì mới giảm nguy cơ mắc bệnh, nguy cơ biến chứng nặng và tử vong do cúm.
Vắc xin cúm khi truyền vào bên trong cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể đặc hiệu chống lại virus gây bệnh. Khoảng 2 – 3 tuần là khoảng thời gian để kháng thể xuất hiện. Trong trường hợp vô tình tiếp xúc với mầm bệnh thì kháng thể đặc hiệu này sẽ tiêu diệt virus. Lúc này khả năng nhiễm bệnh không cao, nếu có mắc thì cũng sẽ làm giảm mức độ nặng của bệnh.
2.2. Phác đồ tiêm vacxin cho trẻ em ngừa cúm
Lịch tiêm chủng vacxin cúm cho trẻ em như sau:
– Trẻ đủ 6 tháng tuổi là thời điểm có thể bắt đầu chích ngừa cúm. Mũi tiêm đầu tiên cần thực hiện càng sớm càng tốt. Mũi thứ hai cách mũi trước đó với thời gian là 4 tuần. Sau đó hàng năm cha mẹ nên tiêm nhắc lại cho trẻ 1 mũi.
– Trường hợp trẻ từ 9 tuổi trở lên và người lớn có lịch tiêm cơ bản là 1 mũi. Duy trì lịch tiêm nhắc lại hàng năm để hiệu quả miễn dịch đạt đến 90%.
2.3. Vì sao cần tiêm vacxin cho trẻ em ngừa cúm hàng năm?
Virus cúm là loại virus thay đổi liên tục qua mỗi năm, do đó vacxin cũng luôn phải cập nhật từng năm để có thể theo được sự thay đổi của các chủng cúm. Trẻ đã tiêm vacxin cúm năm trước thì năm nay vẫn nên chích lại vacxin mới. Cha mẹ không nên chủ quan mà bỏ qua lịch tiêm nhắc cho trẻ.
Nồng độ kháng thể tạo ra khi tiêm vacxin cúm đã được nghiên cứu an toàn nên không cần lo ngại về khoảng cách nếu thời gian tiêm gần nhau. Vacxin cúm chỉ chứa một phần vỏ áo của virus cúm nên ít gây ra tác dụng phụ và vẫn đảm bảo hiệu quả phòng bệnh. Vì vậy, tiêm phòng cúm cần nhắc lại mỗi năm nhằm bảo vệ sức khỏe của trẻ được tốt nhất.
2.4. Trẻ nào không nên tiêm vacxin cúm?
Nếu trẻ thuộc một trong những trường hợp dưới đây thì không nên tiêm phòng cúm:
– Trẻ có phản ứng dị ứng với lần tiêm vacxin cúm trước đó.
– Trẻ bị dị ứng với một trong các thành phần của vaccine cúm.
– Trẻ mắc phải một biến chứng thần kinh hiếm gặp Guillain – Barré do vacxin cúm.
Để biết trẻ có đủ điều kiện sức khỏe tiêm phòng cúm được hay không thì cha mẹ nên cho trẻ thăm khám với bác sĩ trước. Hãy cung cấp đầy đủ các thông tin sức khỏe của trẻ để bác sĩ xem xét có hay không chỉ định tiêm vacxin phòng cúm. Đồng thời, điều này cũng phòng ngừa những rủi ro sau khi tiêm.
3. Một số biện pháp phòng bệnh cúm khác
Bên cạnh tiêm vacxin cho trẻ em thì cha mẹ cũng cần áp dụng thêm các biện pháp phòng bệnh khác:
– Xây dựng chế độ ăn đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ. Đó là các loại vitamin, khoáng chất (vitamin C, kẽm, men vi sinh,..) thông qua thực phẩm hoặc uống vi chất. Một số thực phẩm tốt cho hệ hô hấp và giúp tăng cường sức đề kháng là cam, táo, các loại rau có màu xanh đậm, sữa, trứng,..
– Đảm bảo cho trẻ uống đủ 1-2 lít nước mỗi ngày.
– Hướng dẫn vệ sinh mũi họng và tạo thành thói quen cho trẻ.
– Hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn.
– Đeo khẩu trang trong mỗi lần ra ngoài hoặc khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh.
– Không để trẻ bị nhiễm lạnh nhất là khi thời tiết chuyển mùa. Giữ ấm cơ thể, chú trọng giữ ấm đầu, cổ, tay chân cho trẻ khi đi ra ngoài.
– Khi nhận thấy trẻ có có những dấu hiệu bất thường, cha mẹ cần đưa ngay tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn. Không nên xem nhẹ hay chủ quan với bất kỳ triệu chứng nào, cũng không nên trì hoãn đi khám để tránh trường hợp bệnh có những diễn biến ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Như vậy, tiêm ngừa vacxin cho trẻ em là cách phòng cúm hiệu quả. Cách này sẽ giúp cơ thể tạo kháng thể miễn dịch tự nhiên chống lại các tác nhân gây bệnh. Từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, giảm di chứng nặng nề, tử vong, đảm bảo thể chất, sức khỏe và tương lai.