Tắc tia sữa là tình trạng rất phổ biến sau sinh nên nhiều phương pháp điều trị hiệu quả cũng được các mẹ truyền tai nhau chia sẻ. Trong đó không thể không nhắc đến phương pháp chườm, nhưng cụ thể tắc tia sữa chườm nóng hay lạnh và cần lưu ý gì khi tự điều trị tại nhà không phải mẹ nào cũng rõ. Cùng TCI tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Menu xem nhanh:
1. Tắc tia sữa là bệnh gì?
Tắc tia sữa là tình trạng sữa bị tắc bên trong lòng ống dẫn sữa, sữa không thể thoát ra ngoài được do ống dẫn sữa bị bịt kín hoặc bị chèn ép. Lâu ngày, lượng sữa tắc cũng sẽ đông kết hình thành các cục cứng to, khiến cho ngực của mẹ càng trở nên đau nhức, sưng tấy, càng ngày càng sưng to hơn.
Tắc tia sữa nếu không được khai thông sớm dễ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho mẹ như áp xe vú, viêm vú, u xơ tuyến vú,…
2. Tắc tia sữa chườm nóng hay lạnh
Để trả lời cho câu hỏi tắc tia sữa nên chườm nóng hay lạnh, trước hết mẹ cần hiểu rõ bản chất của 2 phương pháp này.
Về cơ bản, chườm nóng hay lạnh đều là phương pháp dùng nhiệt độ để tác động lên khu vực cần điều trị, nhằm mục đích giảm thiểu triệu chứng sưng và đau cho người bệnh.
Tuy nhiên, tùy vào nguyên nhân và tình trạng tổn thương sẽ áp dụng phương pháp chườm khác nhau để đạt hiệu quả tốt nhất, áp dụng sai dễ làm cho bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
2.1 Chườm lạnh được áp dụng khi nào? Có dùng cho tắc tia sữa không?
Chườm lạnh là phương pháp dùng vật dụng có nhiệt độ thấp (dưới 15 độ C) như đá lạnh, khăn lạnh, nước lạnh để chườm lên khu vực bị tổn thương, có tác dụng giảm đau, giảm sung huyết cục bộ và giảm thân nhiệt.
Phương pháp này chỉ áp dụng chườm ngực trong trường hợp ngực bị chấn thương, sưng tấy, phù nề hoặc tụ máu do tác động từ bên ngoài.
Với trường hợp bị tắc tia sữa thì nên hạn chế chườm lạnh vì không có nhiều tác dụng, còn dễ khiến tình trạng tắc sữa trở nên tồi tệ hơn, do chất béo trong sữa gặp lạnh bị đông lại. Đồng thời mạch máu và tuyến sữa cũng co lại, tạo sức ép lớn lên dòng chảy sữa, khiến ngực mẹ trở nên căng hơn và đau nhức nhiều hơn.
2.2 Chữa tắc tia sữa bằng phương pháp chườm nóng
Chườm nóng là phương pháp sử dụng các vật dụng hoặc dược liệu có nhiệt độ nóng ấm từ 41 – 60 độ C để chườm lên vùng bị tổn thương. Chườm nóng có tác dụng gây sung huyết cục bộ, tăng tuần hoàn tại chỗ, tăng lưu lượng máu đến chỗ đau, giãn cơ, giãn dây chằng, giảm kích thích thần kinh và giảm đau.
Tắc tia sữa là tình trạng sữa bị ứ đọng, cản trở sự lưu thông của hệ thống tuyến sữa. Việc cần làm của mẹ là làm tan phần sữa đang đông đặc, và chườm nóng chính là cách được khuyến khích áp dụng bởi các chuyên gia.
Chườm nóng khi bị tắc sữa sẽ giúp mẹ:
– Đánh tan các khối sữa đông đặc, là nguyên nhân chính làm mẹ bị tắc tia sữa.
– Giãn mạch máu và tuyến sữa, các cơ và dây chằng cũng được thả lỏng, từ đó tuần hoàn máu được lưu thông, kích thích sữa mẹ về đều và nhiều hơn.
Ngoài ra, chườm nóng cũng có thể cải thiện và giảm đau nhức một số bệnh khác như viêm khớp dạng thấp, đau bụng do lạnh, đau lưng, đau cổ vai gáy, đau dây thần kinh liên sườn, đầy bụng, đại tiểu tiện không thông, …
Như vậy, khi bị tắc sữa mẹ nên lựa chọn phương pháp chườm nóng để làm tan các khối sữa đông, khơi thông dòng sữa.
3. Lưu ý không được bỏ qua khi chườm tắc tia sữa tại nhà
Chườm nóng chữa tắc tia sữa tại nhà là một phương pháp hiệu quả, với điều kiện mẹ thực hiện đúng và đủ. Đây là một số lưu ý dành cho mẹ để đạt kết quả tốt nhất.
– Không chườm ở nhiệt độ quá nóng, nhiệt độ lý tưởng là từ 41 đến dưới 60 độ vì mô ngực vốn đã mỏng manh, nếu phải tiếp xúc với nhiệt độ cao sẽ rất dễ bị bỏng rát và sưng đỏ.
– Nhớ kết hợp massage nhẹ nhàng trong thời gian chườm nóng, không day ngực quá mạnh vì có thể làm vỡ nang sữa, tình trạng ứ tắc càng trở lên nặng hơn.
– Thông tắc sữa đặc bằng máy hút sữa, không nên nhờ chồng vì việc này dễ khiến vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng làm tình trạng trở nên nặng hơn.
– Có thể dùng kết hợp với một số bài thuốc dân gian khác như uống lá đinh lăng, bồ công anh,…. nhưng lưu ý nên tìm hiểu kỹ về cách sử dụng, tốt nhất nên tham khảo với bác sĩ.
Lưu ý đặc biệt, ngay khi tình trạng kéo dài hơn 3 ngày, mẹ đã chườm nóng và dùng các cách khác nhưng không có hiệu quả thì mẹ cần đến ngay cơ sở ý tế, hoặc bệnh viện uy tín để các bác sĩ trực tiếp kiểm tra và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp; tránh trường hợp bệnh kéo dài dây ra nhiều biến chứng.
Hy vọng rằng bài chia sẻ đã giúp mẹ giải đáp thắc mắc tắc tia sữa nên chườm nóng hay chườm lạnh để cải thiện tình hình, đồng thời nắm được những lưu ý quan trọng khi điều trị tắc sữa tại nhà. Nếu có bất cứ câu hỏi nào liên quan mẹ có thể liên hệ với TCI để được hỗ trợ sớm nhất.