Tắc nghẽn mạch vành là tình trạng động mạch đưa máu đi nuôi cơ tim bị thu hẹp do nhiều nguyên nhân. Bệnh có thể không biểu hiện gì nhưng cũng có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau dựa trên vị trí mạch vành bị tắc nghẽn và tùy theo mức độ tắc nghẽn. Cùng tìm hiểu tình trạng tắc nghẽn ở mạch vành khi nào thì nguy hiểm và cách phòng bệnh ra sao qua bài viết sau đây nhé.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân gây tắc nghẽn mạch vành là gì?
Động mạch vành bị tắc nghẽn có thể do nhiều nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân phổ biến nhất là do sự xuất hiện và phát triển của các mảng bám tích tụ trên thành động mạch. Các mảng bám này được hình thành từ một số chất dễ lắng đọng lưu thông trong máu như chất béo (cholesterol, triglyceride), chất thải của các tế bào, canxi, fibrin.
Trong quá trình lưu thông máu, các chất này có thể tích tụ lại, làm hẹp hoặc làm tắc nghẽn các động mạch vành, khiến cho vận chuyển máu qua mạch vành bị ảnh hưởng, lượng máu đi nuôi cơ tim bị giảm hoặc gián đoạn đột ngột.
Bên cạnh đó, tình trạng co thắt mạch vành, bóc tách mạch vành, 1 số bệnh tự miễn,… có thể gây tình trạng tắc nghẽn ở động mạch vành.
Một số yếu tố nguy cơ có thể khiến động mạch vành dễ tắc nghẽn hơn gồm:
– Ăn nhiều chất béo, tinh bột, đường
– Thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia,…
– Lười vận động
– Mắc các bệnh lý như cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu
– Tuổi cao
– Người nhà có người tiền sử tim mạch
2. Khi nào tắc nghẽn động mạch vành trở nên nguy hiểm?
2.1 Sự nguy hiểm tùy thuộc vào vị trí tắc nghẽn mạch vành
Tình trạng tắc nghẽn có thể xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau của mạch vành. Nếu tắc nghẽn chỉ xảy ra ở các động mạch vành nhánh thì sẽ ít nguy hiểm hơn so với tắc hẹp ở động mạch chính như thân chung động mạch vành, động mạch vành trái, động mạch vành phải,… Mức độ nguy hiểm cũng tăng lên tỉ lệ thuận với số lượng mạch vành bị tắc hẹp.
2.2 Các triệu chứng biểu hiện của bệnh tắc nghẽn mạch vành
Các triệu chứng ở giai đoạn bệnh nhẹ
Thông thường, khi mạch vành tắc nghẽn nhẹ, thường ở giai đoạn đầu thì các triệu chứng thường không xuất hiện hoặc không rõ ràng. Lúc này, bệnh hầu như không gây nhiều nguy hiểm cho người bệnh.
Nhưng nếu mạch vành bị hẹp nhiều, gây ảnh hưởng đến sự lưu thông của máu, sức co bóp của tim và hoạt động của toàn cơ thể thì các triệu chứng biểu hiện sẽ nhiều hơn, thường là các triệu chứng suy tim như:
– Khó thở có thể xảy ra khi vận động, gắng sức (đi bộ, leo cầu thang, bê vật nặng,…) hoặc cả khi nghỉ ngơi, khi bị stress thể chất hoặc tinh thần
– Xuất hiện cơn khó thở kịch phát về đêm, có thể kèm theo ho khan
– Mệt mỏi, chóng mặt, kiệt sức
– Đau, nặng về phía bên phải
– Phù hai bàn chân, cẳng chân hoặc báng bụng
– Đau ngực, cảm nhận nhịp tim nhanh bất thường
– Khả năng hồi phục rất chậm sau khi gắng sức
Các triệu chứng cho thấy bạn cần gặp bác sĩ?
Khi các triệu chứng này trở nên rõ ràng thì có nghĩa bệnh đã rất nặng và có thể gây các biến cố như nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, đột tử,… bất cứ lúc nào. Người bệnh nên đi khám ngay khi có những dấu hiệu này để có phương pháp cải thiện thích hợp, tránh những biến chứng nặng nề hơn.
Đặc biệt, khi cơn đau ngực, khó thở xảy ra cả khi nghỉ ngơi, kéo dài liên tục trên 20 phút, không thuyên giảm khi ngưng gắng sức hoặc dùng thuốc giãn mạch thì bạn nên tới bệnh viện ngay để được cấp cứu. Vì đây có thể là dấu hiệu của cơn nhồi máu cơ tim do mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn, khiến con đường đưa máu đến nuôi cơ tim bị gián đoạn đột ngột.
Ngoài ra, khi thấy những thay đổi bất thường dù là nhỏ nhất của cơ thể, bạn cũng nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
3. Cách phòng ngừa bệnh tắc nghẽn động mạch vành
Thay đổi lối sống rất quan trọng trong phòng ngừa cũng như hỗ trợ điều trị tắc nghẽn mạch vành. Thay đổi lối sống bao gồm duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt và các thói quen lành mạnh. Việc này giúp hạn chế và kiểm soát các mảng bám ở động mạch, nhờ đó ngăn chặn hoặc cải thiện bệnh tắc nghẽn động mạch
Các biện pháp xây dựng một lối sống lành mạnh để phòng và chữa bệnh mạch vành gồm:
3.1 Cắt giảm bớt hàm lượng chất béo trong cơ thể
Sự lắng đọng của các chất béo, đặc biệt là LDL-cholesterol và triglyceride là yếu tố nguy cơ gây xơ vữa, dẫn đến tắc hẹp mạch vành. Vì vậy, giảm lượng cholesterol trong khẩu phần ăn là rất quan trọng để giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc khiến bệnh tiến triển xấu. Theo các khuyên cáo, những người đã hoặc có nguy cơ mắc bệnh chỉ nên bổ sung dưới 200 mg cholesterol mỗi ngày.
Theo Cơ quan Quản lý Dược – Thực phẩm của Hoa Kỳ, người bình thường không nên nạp quá 10% lượng calo chất béo đã bão hòa trên tổng số lượng calo nạp vào cơ thể. Con số này không được vượt quá 7% nếu bạn đã bị tắc nghẽn động mạch.
Một số loại thực phẩm có thể giảm mức LDL-cholesterol cũng như tình trạng đông máu như tỏi, dâu, táo, hành, rượu vang đỏ, nước ép nho, trà xanh,… Bạn nên bổ sung các thực phẩm này vào thực đơn.
3.2 Bỏ thuốc lá
Khói thuốc lá có thể gây tổn thương, làm suy yếu thành mạch, làm gia tăng xơ vữa và tắc nghẽn động mạch vành. Vì vậy, nếu đã mắc chứng bệnh này thì bạn cần phải bỏ thuốc lá ngay.
3.3 Tập thể dục hằng ngày
Luyện tập thường xuyên giúp cho hệ thống tim và mạch máu lưu thông, giúp đảo ngược quá trình tắc nghẽn động mạch.
Tùy tình trạng sức khỏe, bạn nên tập thể dục ít nhất 3 lần mỗi tuần với thời gian khoảng 30 phút để ngăn ngừa và điều trị bệnh này.
3.4 Thư giãn
Tình trạng căng thẳng khiến huyết áp tăng cao, làm tăng nguy cơ hình thành xơ vữa và tắc nghẽn. Các bài tập như thở sâu, thiền hay yoga sẽ giúp giải phóng stress khỏi cơ thể, ngăn chặn hoặc cải thiện tình trạng tắc nghẽn mạch vành.
Như vậy, những thói quen lành mạnh trong lối sống giúp bạn ngăn ngừa hoặc điều trị bệnh tắc nghẽn động mạch một cách hiệu quả.
Lưu ý, tất cả các phương pháp trên chỉ mang tinh chất tham khảo chứ không thể thay thế các chẩn đoán chuyên môn. Vì vậy, tốt nhất người bệnh nên đi khám sớm để tìm ra nguyên nhân gây bệnh, mức độ nguy hiểm của bệnh và có phương án điều trị kịp thời. Khi bệnh biểu hiện thành triệu chứng, các bác sĩ có thể kê một số loại thuốc hoặc một số phương pháp điều trị khác nhằm cải thiện hoặc giải quyết tình trạng tắc nghẽn mạch vành.