Tắc nghẽn mạch vành tim là gì? Nguyên nhân, triệu chứng

Tham vấn bác sĩ
Đại tá, PGS.TS, BSCK II, Thầy thuốc nhân dân

Nguyễn Văn Quýnh

Bác sĩ Nội Khoa

Tắc nghẽn mạch vành tim hay còn được gọi là tắc hẹp mạch vành tim, tắc nghẽn động mạch vành hay suy vành tim. Đây là một loại bệnh mạch vành có thể tiến triển thành nhồi máu cơ tim, gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời giúp kiểm soát mức độ tắc hẹp và phòng ngừa rủi ro xảy ra là việc hết sức quan trọng.

1. Thế nào là tắc nghẽn mạch vành?

Đây là tình trạng lòng động mạch vành bị thu hẹp hoặc bít lại hoàn toàn do các mảng xơ vữa động mạch. Khi động mạch vành bị tắc nghẽn sẽ khiến dòng máu về nuôi dưỡng tim bị suy giảm, gây ra các cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim cấp.

Lúc này, một phần hoặc nhiều phần tế bào tim bị hoại tử. Người bệnh có nguy cơ cao tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Nếu may mắn sống sót, thì phần tim bị tổn thương của người bệnh có thể hình thành các mô sẹo, khiến trái tim khó có thể hoạt động trở lại như bình thường được nữa.

thế nào là tắc nghẽn mạch vành

Tắc nghẽn động mạch vành làm suy giảm lượng máu lưu thông đến tim, gây ra các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

2. Tắc hẹp mạch vành tim, nguyên nhân do đâu?

Nguyên nhân chính gây tắc nghẽn động mạch vành tim là các mảng xơ vữa. Xơ vữa hình thành do sự lắng đọng của cholesterol trong lòng động mạch. Theo thời gian, các mảng xơ vữa này sẽ tích tụ và dày lên khiến lòng mạch ngày càng thu hẹp, khiến máu lưu chuyển qua lòng mạch ngày càng khó khăn.

Trong trường hợp là các mảng xơ vữa mềm, chúng có thể vỡ ra, tạo điều kiện hình thành nên các cục máu đông gây tắc hoàn toàn động mạch vành. Trường hợp các mảng xơ vữa cứng thì sẽ ổn định hơn, ít gây nứt vỡ nhưng lại khiến thành mạch mất dần tính đàn hồi và gây ra các triệu chứng khó chịu.

Các yếu tố nguy cơ làm tăng xơ vữa và gây tắc hẹp mạch vành bao gồm:

– Hút thuốc lá

– Lối sống ít vận động khiến năng lượng không được chuyển hóa, các chất béo tích tụ nhiều hơn

– Thừa cân, béo phì

– Gia đình có người có tiền sử mắc các bệnh về động mạch dễ bị tắc nghẽn mạch vành hơn so với người bình thường

– Các bệnh lý tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, bệnh tiểu đường…

3. Triệu chứng hẹp tắc mạch vành

Triệu chứng phổ biến nhất của tắc hẹp động mạch vành là sự xuất hiện các cơn đau thắt ngực. Cơn đau có thể xuất hiện khi gắng sức hoặc đau đột ngột, ngay cả khi bạn đang nghỉ ngơi hoặc ngay khi đang ngủ. Đau có thể dữ dội kèm cảm giác bóp nghẹn ở ngực, đau lan dần ra cổ, vai, gáy và cánh tay.

Người bệnh cũng có thể xuất hiện một số triệu chứng đi kèm như:

– Buồn nôn và nôn mửa

– Khó thở

– Khó khan

– Hồi hộp, trống ngực

– Hoa mắt, chóng mặt

– Choáng váng hoặc ngất xỉu

Tuy nhiên, biểu hiện đau thắt ngực không phải ai khi bị tắc nghẽn động mạch vành cũng có. Đặc biệt ở những người cao tuổi, phụ nữ hay người bệnh tiểu đường thường không xuất hiện hoặc không nhận thấy biểu hiện đau thắt ngực.

triệu chứng của tắc nghẽn động mạch vành

Các cơn đau thắt ngực là triệu chứng phổ biến của tắc hẹp mạch vành tim.

4. Điều trị tắc hẹp mạch vành tim như thế nào?

4.1 Mục tiêu điều trị tắc nghẽn mạch vành

Mục tiêu điều trị là làm ổn định các mảng xơ vữa, đánh tan các cục máu đông và khơi thông dòng chảy để nuôi tim, từ đó cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa tình trạng nhồi máu cơ tim.

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh và người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị tắc nghẽn động mạch vành phù hợp.

4.2 Các phương pháp điều trị tắc nghẽn mạch vành

Trường hợp người bệnh bị tắc hẹp mạch vành nhẹ thì bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng thuốc, một số loại thuốc thường được sử dụng bao gồm:

– Thuốc chống đông: Giúp ngăn ngừa hình thành các cục máu đông, ngăn ngừa nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ do các cục máu đông.

– Thuốc hạ mỡ máu: Làm giảm cholesterol trong máu, hạn chế các mảng xơ vữa trong lòng mạch tăng kích thước.

– Thuốc chẹn kênh beta: Giúp giảm huyết áp, ngăn chặn tác động của các hormon gây co mạch, tăng áp lực lên tim.

Tùy từng trường hợp mà bệnh nhân sẽ được kê các loại thuốc phù hợp với bệnh tình và tình trạng sức khỏe của mình. Vì thế, bệnh nhân cần đi khám sớm để được khám và chỉ định thuốc phù hợp.

phương pháp điều trị tắc hẹp mạch vành

Điều trị nội khoa sử dụng thuốc là phương pháp phổ biến để điều trị tắc hẹp mạch vành tim.

Bên cạnh đó, việc thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống sẽ giúp bệnh nhân có cơ hội chữa khỏi cao hơn và hạn chế được tình trạng tái phát.

Nếu người bệnh bị tắc hẹp mạch nhiều và không đáp ứng được thuốc điều trị thì các phương pháp khác có thể được áp dụng nhằm khai thông mạch vành bị tắc nghẽn, giúp người bệnh trở lại cuộc sống bình thường.

Tắc nghẽn động mạch vành là bệnh lý nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng đe dọa đến tính mạng của người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị từ sớm. Do vậy, bạn cần kịp thời phát hiện, điều trị và thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital