Theo các thống kê, suy tim phải chỉ chiếm khoảng 2,2% tổng số trường hợp nhập viện vì suy tim, tuy nhiên không thể chủ quan trước tình trạng này. Cùng tìm hiểu về bệnh suy tim phải trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Suy tim phải là gì?
Suy tim là tình trạng tim không đủ khả năng co bóp và bơm lượng máu theo nhu cầu của cơ thể. Không phải lúc nào tình trạng suy yếu cũng xảy ra ở toàn bộ quả tim mà có thể chỉ ở một hay hai bên tim, có thể ở dạng cấp tính (ngắn hạn) hoặc mạn tính (dài hạn).
Suy tim xảy ra và gây ảnh hưởng đến phần tim bên phải được gọi là suy tim phải. Bình thường, tâm thất phải có vai trò vận chuyển máu nghèo oxy từ tim lên phổi để trao đổi oxy, trở thành máu giàu oxy về tim và đi nuôi cơ thể.
Nhưng khi tim bên phải suy yếu, buồng tim giảm hoặc mất khả năng bơm máu khiến tim không thể chứa đầy máu và máu chảy ngược lại vào tĩnh mạch.
2. Triệu chứng của suy tim phải
Tình trạng này liên quan đến sự suy giảm khả năng đưa máu trở về tim, gây ra sự tích tụ máu trong các tĩnh mạch. Do vậy, các triệu chứng của bệnh thường là tụ dịch và phù do ứ trệ tuần hoàn. Chân là khu vực dễ bị phù nhất, nhưng triệu chứng này cũng có thể xuất hiện cả ở bụng hoặc bộ phận sinh dục. Bên cạnh đó, người bệnh có thể có các triệu chứng về hô hấp, bất thường về nhịp tim…
Các triệu chứng phổ biến nhất ở những người bệnh này gồm:
– Sưng phù, thường ở chân, mắt cá chân, bàn chân
– Đầy chướng bụng
– Đi tiểu nhiều, đặc biệt là vào ban đêm
– Khó thở, đặc biệt khi nằm xuống hoặc gắng sức
– Tĩnh mạch nổi to ở cổ
– Tức ngực, mạch đập nhanh
– Tăng cân toàn thể
– Chán ăn, mệt mỏi
– Da lạnh, vã mồ hôi
3. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ khiến tim phải trở nên suy yếu
3.1 Nguyên nhân gây suy tim phải
Các nghiên cứu cho thấy có khoảng 20% số ca suy tim phải là suy tim thứ phát từ suy tim trái. Do các buồng tim trái bơm máu kém hiệu quả nên máu bị ứ đọng tại phổi, làm gia tăng áp lực tại cơ quan này. Điều này khiến quá trình thất phải co bóp tống máu lên phổi gặp khó khăn.
Ngoài ra, các bất thường của hệ thống tim phổi có thể là nguyên nhân gây bệnh:
– Bệnh động mạch vành: Các mảng bám sẽ gây bít tắc, khiến lưu lượng máu qua các động mạch đến cơ tim của bạn giảm sút.
– Huyết áp cao: Huyết áp càng cao đòi hỏi tim phải hoạt động mạnh để bơm máu, khiến cơ tim dày lên và yếu đi.
– Hở van tim: Khi van tim bị tổn thương do nhiều nguyên nhân (nhiễm trùng hoặc khiếm khuyết van tim), tim của bạn sẽ phải làm việc nhiều hơn để bơm máu và trở nên suy yếu theo thời gian.
– Dị tật tim bẩm sinh: Một số bất thường trong cấu trúc tim xuất hiện ngay từ khi em bé còn trong bụng mẹ hoặc khi mới sinh ra có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh.
– Rối loạn nhịp tim: Việc tim đập quá nhanh hoặc quá chậm có thể khiến tim cung cấp không đủ lượng máu cơ thể cần. Điều này khiến tim phải gắng sức nhiều hơn và suy yếu dần.
– Bệnh phổi mạn tính: Các bệnh ở phổi như viêm phổi, phế thũng, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD cũng có thể làm tăng áp lực cho tâm thất phải.
3.2 Các yếu tố nguy cơ gây suy tim phải
– Tuổi: Nguy cơ suy tim nói chung thường tăng dần theo tuổi, cùng với sự lão hóa.
– Dân tộc: Người da đen sẽ dễ bị suy tim hơn người thuộc các dân tộc khác, đặc biệt là ở độ tuổi trẻ.
– Giới tính: Nam giới thường sẽ dễ bị suy tim khi còn trẻ hơn so với phụ nữ.
– Tiền sử gia đình: Nếu trong nhà có thành viên gia đình mắc bệnh suy tim thì bạn cũng có thể có nguy cơ mắc bệnh.
– Lối sống: Người uống đồ có cồn, các chất cấm, hút thuốc lá, không đảm bảo dinh dưỡng có thể dễ bị suy tim.
– Tình trạng bệnh lý: Một số tình trạng bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp và tiểu đường làm tăng nguy cơ suy tim. Việc hóa trị, xạ trị điều trị ung thư cũng có thể làm tăng nguy cơ suy tim.
4. Suy tim phải có nguy hiểm không?
Nếu không được điều trị, căn bệnh này có thể gây ra nhiều những biến chứng như:
– Rung nhĩ: Nhịp tim loạn, có thể gắn với nguy cơ đột quỵ và hình thành cục máu đông.
– Suy nhược: Suy tim có thể khiến cơ thể suy nhược, gây giảm cân không chủ ý. Điều này có thể đe dọa tính mạng nếu người bệnh không bổ sung dinh dưỡng kịp thời.
– Các vấn đề van tim: Căn bệnh này làm tăng áp lực cho tim, khiến máu khó có thể lưu thông thuận lợi qua các van tim.
– Suy thận: Đây là biến chứng thường gặp ở người bệnh suy tim phải, xảy ra nếu thận nhận được quá ít máu từ tim.
– Tổn thương gan: Máu từ tim ứ lại gây áp lực lên gan, khiến gan xơ – sẹo và khó hoạt động bình thường.
5. Chẩn đoán suy tim bên phải
Một số phương pháp chẩn đoán thường được sử dụng khi nghi ngờ suy tim bao gồm:
– Siêu âm tim
– Chụp X-quang ngực
– Chụp CT, MRI tim, mạch vành
– Điện tâm đồ (ECG)
6. Điều trị suy tim phải
Điều trị suy tim thường là sự kết hợp giữa thay đổi lối sống, sử dụng thuốc và thiết bị hỗ trợ tim tùy vào bệnh cảnh và hoàn cảnh cụ thể của người bệnh.
– Thay đổi lối sống: Bỏ thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia, cà phê, ăn uống phù hợp, lành mạnh, ngủ đủ giấc, hoạt động tình dục giới hạn, tập luyện yoga, ngồi thiền, cân bằng cảm xúc,…
– Sử dụng thuốc: Giúp cải thiện chức năng tim, điều trị các triệu chứng liên quan đến nhịp tim, huyết áp cao và tích tụ chất lỏng. Thường gồm thuốc chẹn beta, thuốc lợi tiểu, thuốc giãn mạch phổi, thuốc giãn mạch. Khi dùng thuốc cần tuân thủ đơn thuốc của bác sĩ.
– Các loại thiết bị hỗ trợ điều trị suy tim: Bên cạnh việc dùng thuốc, bệnh nhân có thể được sử dụng các thiết bị hỗ trợ theo khuyến cáo của bác sĩ.
Nếu việc dùng thuốc không đạt hiệu quả, bệnh có thể tiến triển nặng hoặc biến chứng người bệnh có thể cần phải thực hiện phẫu thuật.
Trên đây là những thông tin về bệnh suy tim phải và các phương pháp chẩn đoán, điều trị. Thông tin chỉ mang tính tham khảo, tốt nhất khi thất các biểu hiện bất thường, người bệnh nên đi khám Tim mạch để được chẩn đoán và điều trị.