Suy tim cấp là tình trạng khẩn cấp, khi tim bị suy yếu và mất chức năng một cách đột ngột. Suy tim dạng cấp tính có thể khởi phát một cách đột ngột hoặc trên nền suy tim mạn. Suy tim cấp do nguyên nhân nào gây ra, gồm những dạng nào và có các triệu chứng ra sao?
Menu xem nhanh:
1. Suy tim cấp là gì?
Suy tim cấp là sự khởi phát một cách đột ngột các dấu triệu chứng của suy tim. Lúc này bệnh nhân cần được can thiệp cấp cứu hoặc khẩn cấp, nếu không có thể nguy hiểm tới tính mạng.
Suy tim thể cấp tính có thể xảy ra dưới dạng cơn phù phổi cấp hoặc sốc tim. Theo nghiên cứu, khoảng 20% các trường hợp bệnh nhân nhập viện mới khởi phát. Còn lại 80% xảy ra do mất bù trên nền suy tim mạn.
2. Các nguyên nhân của suy tim thể cấp tính
Suy tim thể cấp do nhiều nguyên nhân gây ra, chủ yếu là các vấn đề về tim mạch, phổi, thận. Các nguyên nhân gây suy tim ở người lớn và trẻ em thường không giống nhau. Cụ thể:
2.1 Nguyên nhân gây suy tim cấp ở người lớn
– Bệnh động mạch vành: Gồm thiếu máu, nhồi máu hoặc tổn thương cơ tim.
– Biến chứng nhồi máu cơ tim cấp: Thường là thủng vách liên thất, vỡ thất trái, hở van hai lá cấp,…
– Rối loạn nhịp tim: Điển hình là block nhĩ thất hoặc rối loạn nhịp nhanh.
– Tổn thương van tim: Các tổn thương van như rách, đứt cơ trụ, bóc tách động mạch chủ, rối loạn chức năng van nhân tạo…đều có thể dẫn tới suy tim cấp.
– Suy thận: Suy thận cấp, suy thận mạn trên bệnh nhân có sẵn bệnh tim có thể là nguyên nhân gây suy tim đột ngột.
– Thuyên tắc động mạnh phổi cấp.
– Hội chứng ép tim cấp tính.
– Tăng huyết áp.
– Phẫu thuật.
– Nhiễm trùng.
– Uống quá nhiều rượu và sử dụng các chất kích thích.
– Không tuân thủ chế độ ăn và đơn thuốc.
2.2 Nguyên nhân gây suy tim cấp ở trẻ em
Suy tim ở trẻ em dạng cấp tính thường do các nguyên nhân không liên quan đến thiếu máu cục bộ cơ tim, điển hình là:
– Bệnh tim bẩm sinh
– Giãn cơ tim
– Phì đại cơ tim
– Viêm cơ tim
– Rối loạn nhịp tim
3. Các đối tượng có nguy cơ cao bị suy tim cấp
Suy tim thể cấp có thể gặp ở mọi đối tượng nhưng thường xảy ra ở các bệnh nhân có một hoặc nhiều đặc điểm sau:
– Bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn điều trị không hiệu quả
– Người bệnh nằm bất động trong thời gian dài, sau phẫu thuật
– Có các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim cấp như: nam giới, tuổi cao, béo phì, hút thuốc lá nhiều, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp mất kiểm soát, rối loạn nhịp tim không được điều trị kịp thời…
4. Các triệu chứng thường gặp
Tình trạng suy cấp tính của tim thường khởi phát nhanh khiến cơ tim không đủ thời gian để thích nghi giãn ra hoặc phì đại. Các triệu chứng vì thế thường rầm rộ và rõ rệt.
4.1 Triệu chứng cơ năng
– Khó thở
– Khó chịu chân hoặc bàn chân
– Khó chịu bụng, cảm thấy đầy bụng, chán ăn
– Mệt mỏi
– Ngủ gà vào ban ngày, lú lẫn, mất tập trung
– Choáng váng, ngất hoặc gần ngất
– Trầm cảm
– Rối loạn giấc ngủ
– Hồi hộp
4.2 Triệu chứng thực thể
– Thấy tiếng ran ở phổi, tràn dịch màng phổi
– Phù chân
– Chướng bụng, tăng vòng bụng, gan và lá lách to
– Tăng cân
– Tĩnh mạch cổ nổi
– Chân tay lạnh, da tái nhợt
– Tụt huyết áp, dưới 90mmHg
– Mạch luân chuyển
– Hạ huyết áp tư thế đứng
– Nghe tim thấy tăng tiếng T3, tiếng T2 mạnh, có thể thấy tiếng T4, tiếng thổi tâm trương và tâm thu
5. Cách chẩn đoán tim suy cấp
Suy tim thể cấp tính có thể xảy ra dưới dạng cơn phù phổi cấp hoặc sốc tim. Các biện pháp để đánh giá các tình trạng này gồm:
– Khám lâm sàng: Bác sĩ hỏi các triệu chứng lâm sàng, bệnh sử, tiến hành khám thực thể…
– Xét nghiệm máu: Cụ thể là chỉ số NT-proBNP. Chỉ số này có thể dùng để chẩn đoán phân biệt nhanh khi bệnh nhân ở phòng cấp cứu. Nếu NT-proBNP không tăng thì nguyên nhân gây khó thở có thể không phải do bệnh lý tim mạch. Ngoài ra các xét nghiệm khác như chức năng gan, thận, khí máu động mạch, định lượng lactat máu, men tim… có giá trị trong chẩn đoán, đánh giá tình trạng sốc tim và nguyên nhân kèm theo.
– Siêu âm tim: Giúp đánh giá chức năng tim, xác định được các nguyên nhân gây suy tim liên quan đến viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, hở van tim cấp, nhồi máu cơ tim, hội chứng chèn ép tim cấp, suy thất phải…
– Điện tâm đồ: Giúp tìm kiếm các rối loạn nhịp, dấu hiệu nhồi máu cơ tim, nhồi máu phổi…
– Chụp cắt lớp vi tính: Thường dùng nếu nghi ngờ tắc động mạch phổi.
– X-quang phổi: Thường ít có giá trị chẩn đoán suy tim cấp nhưng có thể sử dụng khi huyết động ổn định để chẩn đoán viêm phổi. Trong phù phổi cấp có thể thấy cánh bướm hai phổi mờ.
6. Các biện pháp điều trị
Quá trình điều trị suy tim thể cấp được thực hiện với các mục tiêu ổn định huyết động và điều trị nguyên nhân gây phù phổi cấp, sốc tim hoặc các đợt cấp mất bù suy tim mạn tính.
Tùy từng trường hợp mà các biện pháp được áp dụng có thể là:
– Cho bệnh nhân thở oxy mũi
– Sử dụng Nitroglycerin
– Đặt đường truyền tĩnh mạch hoặc tiêm thuốc lợi tiểu
– Giảm đau bằng Morphine Sulfate, tiêm bắp hoặc tĩnh mạch
– Đặt nội khí quản, cho bệnh nhân thở bằng máy
– Truyền thuốc vận mạch nếu bệnh nhân bị tụt huyết áp, huyết động không ổn định
– Thông khí
– Hỗ trợ tuần hoàn bằng phương pháp cơ học ngoài cơ thể
– Điều trị các nguyên nhân dẫn đến phù phổi cấp
– Sử dụng thuốc tiêu sợi huyết hoặc lấy huyết khối ở bệnh nhân tắc mạch phổi có sốc tim hoặc tiến triển xấu đi qua thời gian theo dõi
– Điều trị các bệnh lý nhiễm trùng kèm theo
– Lọc máu, vô niệu
– Tái thông mạch vành cấp cứu bằng các can thiệp theo chỉ định của bác sĩ
Hi vọng những thông tin trên đây đã cung cấp thêm những kiến thức về tình trạng suy tim cấp. Lưu ý, các phương pháp điều trị trong bài viết chỉ mang tính tham khảo. Ngay khi có các triệu chứng tim suy cấp tính, bệnh nhân cần được đưa đi cấp cứu ngay để được các chuyên gia tim mạch chẩn đoán và điều trị bằng các phương pháp phù hợp, giúp cứu sống, phục hồi và giảm biến chứng. Nếu đang mắc các bệnh lý tim mạch, đặc biệt là suy tim, bạn cần chú ý theo dõi và điều trị để tránh bệnh chuyển cấp. Nếu có nhu cầu thăm khám và điều trị, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ đặt lịch.