Đẻ thường được coi là phương pháp sinh nở đem lại vô vàn lợi ích tuyệt vời cho cả mẹ và bé. Trong đó, việc bầu ngực tiết sữa sớm, sữa về nhanh là một trong những lợi ích được các mẹ chú trọng nhất sau sinh thường. Vậy sản phụ đẻ thường bao lâu thì sữa về?
Menu xem nhanh:
1. Làm thế nào để biết sữa về?
Thông thường, từ quý thứ 2 của thai kỳ, cơ thể đã bắt đầu sản xuất sữa mẹ. Dòng sữa quý giá này được gọi là sữa non.
Sau khi sinh, sữa non vẫn tiếp tục tiết ra và cung cấp rất nhiều giá trị dinh dưỡng cho thai nhi mới chào đời. Tiếp đó, sữa của người mẹ sẽ về nhiều hơn, phục vụ bé yêu suốt những ngày tháng đầu đời.
Để biết sữa về, các mẹ có thể dựa vào một vài biểu hiện sau:
– Bầu vú của mẹ căng và nặng hơn, sưng phù.
– Sữa mẹ có thể bị rỉ ra ngoài, đầu vú châm chích nhiều hơn, đặc biệt về đêm.
– Núm vú dẹt đi, da quanh bầu vú trở nên săn chắc hơn.
2. Sau sinh thường, bao lâu sữa về và những yếu tố có thể dẫn đến việc chậm tiết sữa
Rất nhiều mẹ thắc mắc và tỏ ra lo ngại việc sữa có về sau khi sinh con không. Dưới đây chính là câu trả lời cho vấn đề của các mẹ.
2.1. Sản phụ đẻ thường bao lâu thì sữa về?
Sau sinh thường, nội tiết tố bắt đầu thay đổi đột ngột sau khi nhau thai được tách khỏi tử cung. Lúc này, cơ thể người mẹ nhận được tín hiệu từ hormone, kích thích tuyến vú tiết ra sữa, kích thích các nang, ống dẫn sữa.
Từ 2 đến 6 ngày sau đẻ thường, sữa có thể về bất cứ lúc nào và người mẹ cần chuẩn bị để cho con bú sớm nhất.
Đầu tiên, cơ thể người mẹ bắt đầu sản xuất sữa non. Sữa non hình thành ở quý 2 của thai kỳ cho đến khi bé chào đời được khoảng 2 đến 4 ngày. Sữa non thường có màu vàng nhạt hoặc không màu, đặc, dính và có chứa nhiều dinh dưỡng, đạm, kháng thể cần thiết cho sự phát triển của bé.
Bé chào đời, nhau thai bong ra và được đào thải ra ngoài. Cơ thể của người mẹ bắt đầu sản xuất sữa chuyển tiếp từ khoảng 7 đến 14 ngày sau sinh. Sau 2 tuần, sữa mẹ ngày càng về nhiều hơn, tiết ra nhiều hơn, chuyển thành màu trắng và loãng hơn. Lúc này, hai bầu ngực của mẹ căng cứng và nặng nề, hiện tượng đó được gọi là “xuống sữa”.
2.2. Mẹ đẻ thường bao lâu thì sữa về? Những yếu tố có thể dẫn đến việc chậm tiết sữa
Thông thường, để sản xuất sữa mẹ cần có sự tham gia của 4 hormone là prolactin, oxytocin, estrogen, progesterone. Hàm lượng các hormone này dần thay đổi sau sinh, tác động đến quá trình tiết sữa.
– Estrogen và progesterone sẽ kích thích bầu ngực, tuyến sữa phát triển để sản xuất sữa. Nhau thai là yếu tố giải phóng hai loại hormone này trong quá trình mang thai. Kích thước, số lượng ống dẫn sữa được quyết định bởi estrogen. Progesterone sẽ kích thích hoạt động của nang sữa, thùy tuyến sữa. Khi estrogen và progesterone đạt tới hàm lượng cao, quá trình sản xuất sữa sẽ bị ức chế. Nhau thai bong sau cuộc sinh khiến cho hàm lượng các hormone này tự giảm dần xuống, gửi tín hiệu để cơ thể bắt đầu tạo ra sữa.
– Prolactin ảnh hưởng trực tiếp đến phản xạ tiết sữa của cơ thể mẹ. Khi trẻ bú mẹ, phản ứng cơ thể diễn ra sẽ bài tiết prolactin. Prolactin dẫn truyền vào máu, làm cho vú tiết ra sữa. Không chỉ vậy, prolactin còn giúp tạo sữa cho bữa bú tiếp theo. Điều này giải thích cho việc khi trẻ bú nhiều, sữa của mẹ càng tiết ra nhiều hơn. Thông thường, prolactin được sản xuất vào ban đêm, duy trì sự tạo sữa.
– Oxytocin sẽ được sản sinh, tác động và giải phóng sữa mẹ. Hormone này xuất hiện trong cơ thể khi em bé bắt đầu bú mút núm vú. Oxytocin khiến các cơ quanh nang co bóp. Sữa được đẩy khỏi các nang sữa, qua các ống dẫn sữa, chuyển tới núm vú giúp sữa được tiết ra ngoài. Quá trình này là phản xạ phun sữa. Nếu phản xạ từ việc giải phóng oxytocin không diễn ra, trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc bú sữa mẹ.
Ngoài ra, phản xạ phun sữa còn bị ảnh hưởng bởi trạng thái tinh thần của người mẹ. Khi mẹ có những cảm xúc tích cực, phản xạ này hoạt động rất tốt. Bên cạnh việc giúp kích thích tiết sữa, oxytocin còn giúp co cơ tử cung trong và sau sinh, từ đó hạn chế xuất huyết sau sinh..
– Ức chế tiết sữa: Chất ức chế tạo sữa có tồn tại trong sữa mẹ. Khi một lượng lớn sữa tồn đọng, chất ức chế sẽ gửi tín hiệu để tuyến vú ngừng tạo sữa. Vì vậy, mẹ cần cho trẻ bú thường xuyên và vắt sữa ra sạch sau quá trình cho bú.
3. Cách giúp sữa mẹ nhanh về, tiết sữa nhanh hơn sau sinh
Thực tế, có rất nhiều cách giúp kích thích các hormone để sữa mẹ nhanh về. Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, mẹ nên chú ý đến những phương pháp giúp tiết sữa tốt hơn như:
– Da kề da, cho bé bú sớm:
Việc tiếp xúc, áp da với con ngay sau sinh không những mang lại nhiều lợi ích cho trẻ, giúp ổn định thân nhiệt, cảm xúc, nâng cao hệ miễn dịch mà còn giúp kích thích các hormone tạo sữa trong cơ thể mẹ.
Ngoài ra, việc này cũng sẽ giúp bé được bú mẹ sớm nhất, ngay sau khi chào đời. Sự bú mút của bé sẽ kích thích bầu vú, các nang sữa để nhanh chóng tiết sữa về nhiều, giúp mẹ thuận lợi hơn trong việc cho bé bú sau này. Thời gian da kề da càng dài, bé càng bú được nhiều và ổn định được các vấn đề sức khỏe tốt hơn.
– Cho bé bú đúng:
Việc chọn tư thế cho bé bú hỗ trợ rất nhiều trong việc bé có bú được nhiều hay không, ảnh hưởng tới việc sữa có được tiết ra dễ dàng hay không. Ngoài ra, mẹ cũng nên cho con bú thường xuyên để kích thích các nang sữa làm việc liên tục, ống dẫn sữa không bị ứ tắc, giải phóng lượng lớn hormone prolactin để cơ thể mẹ có thể sản xuất nhiều sữa hơn.
– Ăn uống khoa học, phù hợp với tình trạng sức khỏe:
Các mẹ sau sinh cần được đảm bảo dinh dưỡng hàng ngày để cơ thể có thể phục hồi tốt, đồng thời đảm bảo quá trình tiết sữa diễn ra thuận lợi. Các mẹ có thể bổ sung những thực phẩm tốt cho việc tiết sữa sau sinh như thực phẩm giàu chất khoáng, lipid, protein, vitamin B2, C, A, folate,…
Ngoài ra, mẹ cũng cần ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước để sữa về nhiều, giúp quá trình tuần hoàn diễn ra tốt hơn. Tốt nhất, mẹ nên sử dụng nước ấm và hạn chế uống nước lạnh.
Như vậy, có thể thấy quá trình chăm sóc sức khỏe sau sinh là yếu tố quan trọng giúp sữa mẹ về nhiều. Ngoài ra, sau sinh thường, mẹ cũng nên cho bé bú thường xuyên, đúng cách để hạn chế tình trạng tắc tia sữa, áp xe tuyến vú nguy hiểm. Lựa chọn một địa chỉ, cơ sở y tế khám, có dịch vụ thai sản tốt, chu đáo là bước đầu giúp mẹ có thể yên tâm hơn trong việc chăm sóc sức khỏe sau sinh, ổn định quá trình tạo sữa.
Vì vậy, mẹ hãy chọn cho mình một nơi để cùng đồng hành khi đi sinh và nhận những lợi ích tuyệt vời nhé!