Nhiều người mặc dù đã may mắn sống sót sau cơn đột quỵ não nhưng lại phải đối mặt với căn bệnh sa sút trí tuệ mạch máu não. Đây là dạng sa sút trí tuệ sau đột quỵ thường hay gặp phải. Cùng tìm hiểu bài viết để hiểu hơn về căn bệnh này.
Menu xem nhanh:
1. Sa sút trí tuệ sau đột quỵ là gì? Nguyên nhân
1.1 Sa sút trí tuệ mạch máu sau đột quỵ
Sau đột quỵ nhiều người bệnh bị sa sút trí tuệ mạch máu, thường gặp ở thể nhồi máu não (đôi khi cũng có thể là sau xuất huyết não). Đây là tình trạng giảm nhận thức không hồi phục ngay lập tức sau khi người bệnh trải qua cơn đột quỵ và/hoặc muộn bắt đầu trong vòng 6 tháng sau đột quỵ.
Trên thế giới đã ghi nhận tỷ lệ sa sút trí tuệ sau đột quỵ chiếm khoảng 30-60%, tại Việt Nam tỷ lệ này cũng tương tự. Điều này có tức là, có khoảng 30-60% bệnh nhân sau khi trải qua cơn tai biến mạch máu não (đột quỵ) sẽ tiến triển sa sút trí tuệ. Con số này không hề nhỏ, do đó vấn đề sa sút trí tuệ sau đột quỵ đặc biệt ở người lớn tuổi rất cần được quan tâm.
1.2 Nguyên nhân gây sa sút trí tuệ sau đột quỵ
Nguyên nhân gây sa sút trí tuệ sau đột quỵ là do tế bào não sau đột quỵ bị hư hại. Đột quỵ khiến mạch máu não bị tổn thương (xơ vữa, hẹp và bị tắc nghẽn do cục máu đông, giãn nở mạch máu não khiến khả năng đàn hồi của mạch máu kém, xuất huyết mạch máu não), điều này làm cho các tế bào não được nuôi dưỡng bởi mạch máu não bị tổn thương suy giảm và mất dần chức năng (tổn thương vĩnh viễn không hồi phục).
Khi đó các tế bào não thuộc vùng ghi nhớ bị chết đi, sẽ khiến người bệnh mắc sa sút trí tuệ.
2. Những đối tượng dễ bị sa sút trí tuệ sau đột quỵ
Không phải ai sau khi trải qua cơn đột quỵ cũng bị sa sút trí tuệ. Những trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ mà dễ mắc sa sút trí tuệ sau đó thường gặp ở hai dạng:
2.1 Đột quỵ nhiều lần, nhiều ổ (sa sút trí tuệ do nhồi máu não đa ổ)
Người mắc nhồi máu não đa ổ dễ bị sa sút trí tuệ hơn vì đây là yếu tố nguy cơ chính gây sa sút trí tuệ sau đột quỵ. Nhồi máu não đa ổ được hiểu đơn giản là bị nhồi máu não từ 2 vị trí trở lên, khi các cục máu đông làm tắc nghẽn nhiều đoạn mạch nhỏ trong não.
Tỷ lệ nhồi máu não đa ổ không hề hiếm gặp trong số những bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não, con số này có thể chiếm tới 60% các ca đột quỵ nhồi máu não. Trong đó, vị trí tổn thương thường gặp nhất là động mạch não giữa, tiếp theo là động mạch não trước, động mạch não sau và còn lại là ở các vị trí khác.
2.2 Tổn thương vùng đồi thị (sa sút trí tuệ do tổn thương vùng đồi thị)
Đồi thị là trung tâm điều khiển cảm giác và hành vi quan trọng trong não. Có chức năng xử lý thị giác, xử lý ngôn ngữ, vận động, nhận thức cơn đau. Khi lưu lượng máu đến vùng đồi thị bị bị gián đoạn, khiến các tế bào thần kinh trong đồi thị bị hỏng, dẫn tới các triệu chứng đột quỵ như: mất cảm giác, khó xử lý thị lực, mất khả năng cử động một phần trên cơ thể.
Người bị đột quỵ do tổn thương vùng đồi thị sau khi sống sót sẽ có nguy cơ bị sa sút trí tuệ hơn những người khác.
3. Sự cần thiết của người chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ sau đột quỵ
Sa sút trí tuệ là tình trạng người bệnh suy giảm nhận thức và mất dần sự độc lập trong cuộc sống. Khi người bệnh mất dần đi sự độc lập trong cuộc sống của mình thì đòi hỏi người chăm sóc bệnh nhân phải có kiến thức để: có thể hỗ trợ giúp đỡ người bệnh điều trị và tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, đồng thời chia sẻ và thấu hiểu người bệnh để việc điều trị trở nên có hiệu quả hơn.
Tùy thuộc vào từng giai đoạn sa sút trí tuệ của người bệnh sau khi bị đột quỵ mà vai trò của người chăm sóc có sự khác nhau.
3.1 Sa sút trí tuệ sau đột quỵ ở giai đoạn nhẹ
Mục tiêu điều trị là kích thích lại nhận thức để giúp cho người bệnh hồi phục phần nào chức năng nhận thức. Bên cạnh việc dùng thuốc, bác sĩ có thể tư vấn những bài tập khi về nhà cho người bệnh, để giúp người bệnh có thể thực hiện được những bài tập này bác sĩ sẽ huấn luyện người chăm sóc bệnh nhân để họ hiểu được và giúp hỗ trợ người bệnh thực hiện tại nhà.
3.2 Sa sút trí tuệ sau đột quỵ ở giai đoạn nặng hơn
Lúc này người bệnh có thể có những biểu hiện rối loạn hành vi. Sự rối loạn hành vi này không đơn thuần là do sự thay đổi tính cách của người bệnh mà có thể do vùng não kiểm soát hành vi bị teo (hư hại), điều này khiến người bệnh không thể kiểm soát được hành vi của mình. Do đó, người chăm sóc cần hiểu, thông cảm để cùng giúp người bệnh vượt qua và không làm cho mối quan hệ giữa người bệnh và người chăm sóc trở nên tồi tệ hơn.
4. Các dấu hiệu nhận biết sa sút trí tuệ
Phát hiện sớm sa sút trí tuệ để cải thiện tình trạng sức khỏe cho bệnh nhân là việc làm rất quan trọng. Bởi khi người bệnh được nhận biết sớm và điều trị sớm, sẽ giúp làm chậm quá trình tiến triển của bệnh và giúp người bệnh có được cuộc sống tốt hơn sau này.
Dưới đây là 10 dấu hiệu cảnh báo sa sút trí tuệ, bạn cần nhận biết đó là:
– Giảm trí nhớ
– Khó khăn khi thực hiện công việc quen thuộc.
– Khó khăn về ngôn ngữ.
– Mất định hướng về thời gian và nơi chốn.
– Giảm khả năng đánh giá tình huống.
– Giảm khả năng quản lý cuộc sống.
– Quên chỗ để đồ.
– Thay đổi về thái độ và hành vi.
– Khó khăn trong hiểu thông tin về thị giác và không gian.
– Thu mình khỏi công việc và các hoạt động xã hội.
Sa sút trí tuệ không phải hiện tượng lão hóa tự nhiên mà là một dạng bệnh lý ở não bộ, có tiến triển nặng dần theo thời gian và người bệnh cần được điều trị.