Tỷ lệ người cao tuổi bị sa sút trí tuệ ngày càng gia tăng, đặc biệt là người trên 65 tuổi. Trước bối cảnh già hóa dân số như hiện nay thì việc phát hiện, điều trị và chăm sóc người bệnh Alzheimer (một dạng chính của sa sút trí tuệ) là việc làm vô cùng cần thiết và ý nghĩa giúp ngăn chặn quá trình tiến triển của bệnh, giảm gánh nặng cho người bệnh, gia đình bệnh nhân và xã hội. Cùng tìm hiểu bài viết để hiểu hơn về căn bệnh được ví là “nỗi ám ảnh” của người già.
Menu xem nhanh:
1. Hiểu đúng về sa sút trí tuệ
Sa sút trí tuệ là hội chứng lâm sàng được gây ra bởi tổn thương não. Hiện nay trên thế giới, cứ 3 giây lại có thêm 1 người bị mắc sa sút trí tuệ. Số lượng bệnh nhân nhập viện do sa sút trí tuệ có xu hướng gia tăng, trong đó khoảng 60-80% bệnh nhân sa sút trí tuệ nhập viện do bệnh lý Alzheimer.
Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân nhập viện hoặc đi khám khi có một bệnh lý khác nào đó hoặc có các bệnh lý kèm theo, chứ rất ít người đến khám với triệu chứng hay quên vì triệu chứng này đa số mọi người thường chủ quan.
Cũng theo thống kê, số bệnh nhân là nữ giới mắc bệnh sa sút trí tuệ nhiều hơn nam giới. Đi kèm với sự lão hóa do thời gian và tuổi tác, chứng sa sút trí tuệ thường gặp ở người cao tuổi. Đây là một trong những bệnh điển hình nhất mà người cao tuổi ở Việt Nam thường mắc phải. Nhưng người mắc bệnh sa sút trí tuệ không chỉ là người già mà có cả những người ít tuổi hơn nhưng có các yếu tố nguy cơ như: tiền sử gia đình, chấn thương sọ não, béo phì/ đái tháo đường type 2,…
2. Biểu hiện sa sút trí tuệ
Sa sút trí tuệ có một số đặc trưng như: suy giảm các lĩnh vực nhận thức như trí nhớ, định hướng, ngôn ngữ, tri giác, suy luận, phán đoán, điều hành, lập kế hoạch, khả năng thực hiện các nhiệm vụ,…
Nhiều trường hợp bệnh nhân bị sa sút trí tuệ nặng đến mức không tự mặc được quần áo, thu động, có những hành vi bất thường, hoang tưởng, ảo giác, mất ngủ, không ăn được, nói rất ít, khó giao tiếp, đi đâu cũng cần có người thân đi theo giám sát.
Hiện chưa có phương pháp nào điều trị đặc hiệu căn bệnh này, các phương pháp điều trị như sử dụng thuốc tuy không điều trị khỏi hẳn nhưng có thể làm chậm tiến triển của bệnh.
Để phòng ngừa suy giảm trí nhớ và sa sút trí tuệ ở người cao tuổi cần điều trị hiệu quả và ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ bệnh lý mạch máu não, cao huyết áp, tiểu đường, béo phì, rối loạn lipid máu,… Hạn chế hút thuốc lá, rượu bia, ăn nhiều rau, trái cây và tập thể dục đều đặn mỗi ngày.
3. Nguyên nhân gây sa sút trí tuệ
Nguyên nhân gây sa sút trí tuệ hiện nay phần lớn đến từ bệnh Alzheimer (chiếm khoảng 60%-80%). Ngoài ra còn rất nhiều nguyên nhân khác cũng có thể gây sa sút trí tuệ. Sau đây là một số nguyên nhân chính gây sa sút trí tuệ gồm:
– Do bệnh Alzheimer (chiếm 60-80%)
– Rối loạn thần kinh và chấn thương sọ não
– Nhồi máu cơ tim, viêm não, xuất huyết não
– Rối loạn nội tiết như mắc đái tháo đường, suy giáp,…
– Lạm dụng bia, rượu hoặc các chất kích thích
– Sử dụng thuốc tùy ý không theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là các thuốc liên quan đến não bộ.
4. Điều trị
Theo các chuyên gia, việc can thiệp ngay từ giai đoạn sớm sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Mặc dù hiện nay, chưa có phương pháp đặc hiệu nào có thể điều trị khỏi chứng sa sút trí tuệ, căn bệnh vẫn ngày càng tiến triển nhưng nếu can thiệp điều trị sớm sẽ có thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.
Bên cạnh việc điều trị suy giảm nhận thức và các rối loạn tâm thần kèm theo, thì việc xây dựng các phương pháp điều trị hỗ trợ không dùng thuốc như: thay đổi lối sống, tập nhận thức và trí nhớ, liệu pháp hồi tưởng, âm nhạc, tập thể dục và giao tiếp nhiều hơn, tham gia các khóa dành cho người suy giảm trí nhớ và sa sút trí tuệ, … có thể giúp người bệnh lạc quan hơn, tăng cường khả năng vận động và giao tiếp, từ đó làm giảm gánh nặng cho người chăm sóc.
Các loại thuốc điều trị chứng nhận thức và rối loạn tâm thần kèm theo phải được sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ, liều thấp sau đó tăng liều từ từ. Cần chú ý đến các tác dụng phụ của thuốc. Nên cho người bệnh sa sút trí tuệ khám ở các đơn vị ý tế có cơ sở chuyên khoa và tái khám định kỳ nâng cao hiệu quả điều trị tối đa.
Người bệnh sa sút trí tuệ nên tham gia các trò chơi trí tuệ, hoạt động ngoại khóa như giao tiếp, âm nhạc, … để rèn luyện trí nhớ và tập các động tác tinh tế của ngón tay. Đối với người chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ cũng cần hiểu và thông cảm cho tình trạng của người bệnh. Nên trò truyện, tham gia các trò chơi cùng người bệnh và kiên nhẫn hỗ trợ người bệnh thực hiện các công việc cá nhân. Trường hợp bệnh nặng có thể cân nhắc đưa người bệnh đến trung tâm hoặc những đơn vị có dịch vụ chăm sóc cho người bệnh sa sút trí tuệ. Tuyệt đối không nên la mắng, chửi bới hay đánh đập hay coi thường người bệnh.