Rò hậu môn là bệnh lý ở vùng trực tràng – hậu môn, rất phổ biến. Bệnh xuất hiện ở nhiều độ tuổi khác nhau, không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây nhiều phiền toái đến cuộc sống. Hiện tại, chưa có thuốc điều trị mà hầu hết phải sử dụng phương pháp phẫu thuật.
Menu xem nhanh:
1. Rò hậu môn và nguyên nhân
1.1. Rò hậu môn là gì?
Rò hậu môn hay còn gọi là mạch lươn, là bệnh hình thành đường rò (đường hầm) tiết dịch mủ gây đau tức, khó chịu cho người bệnh.
1.2. Nguyên nhân chính của bệnh
Rò hậu môn là một trong những hậu quả của nhiễm khuẩn mạn vùng trực tràng – hậu môn. Nhiễm khuẩn tại vùng trực tràng – hậu môn tạo thành các ổ áp xe. Các vị trí áp xe này nếu không điều trị kịp thời và đúng cách sẽ dẫn đến tình trạng bệnh lý.
Sự hình thành ổ áp xe tại trực tràng và rò hậu môn là hai giai đoạn của một quá trình bệnh lý. Trong đó, ổ áp xe xuất hiện ở giai đoạn cấp tính, đường rò tìm thấy khi bệnh mạn tính, tái đi tái lại nhiều lần. Do đó, phát hiện và điều trị sớm ổ áp xe tại trực tràng là một trong những biện pháp phòng tránh bệnh hiệu quả nhất.
Một số yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh có thể kể đến như táo bón lâu ngày, vệ sinh vùng hậu môn không sạch sẽ, đã từng phẫu thuật tại vùng hậu môn – trực tràng…
2. Phân loại tình trạng bệnh
Có nhiều cách phân loại khác nhau dựa vào hình thái, vị trí của đường rò, bao gồm:
– Rò hoàn toàn: Có hai lỗ bao gồm lỗ trong và lỗ ngoài thông với nhau.
– Rò không hoàn toàn: Chỉ có 1 lỗ rò hay còn gọi là rò chột.
– Rò phức tạp: Đường rò cấu tạo ngoằn ngoèo, có nhiều nhánh và có thể có nhiều lỗ thông.
– Rò đơn giản: Đường rò có cấu trúc ngắn, ít nhánh.
– Rò liên cơ thắt: Thường là đường rò nông, nằm toàn bộ trong cơ thắt trong và cơ thắt ngoài.
– Rò xuyên cơ thắt: Đường rò cắt ngang qua cơ thắt hậu môn.
– Rò ngoài cơ thắt: Đường rò xuất hiện ngay phía trên cơ thắt ngoài.
– Rò trên cơ thắt: Đường rò men theo gian cơ thắt ra ngoài.
Với mỗi phân loại bệnh khác nhau, khả năng khỏi bệnh là khác nhau và cần những biện pháp điều trị nhất định. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp bệnh nhân được chỉ định phương pháp phẫu thuật.
3. Biểu hiện thường gặp của bệnh hậu môn – trực tràng
Ổ áp xe không được điều trị sẽ tự vỡ và liền lại được. Tuy nhiên tại vị trí đó, sẽ xuất hiện một lỗ nhỏ là một đầu của đường rò, thỉnh thoảng tiết dịch mủ hôi. Bệnh nhân sẽ nhận thấy một vài dấu hiệu dưới đây:
– Ngứa ngáy xung quanh vùng hậu môn.
– Bệnh nhân có thể sốt do nhiễm khuẩn đang hình thành ổ áp xe tái lại.
– Đau nhói vùng hậu môn, đau tăng khi ngồi hoặc hoạt động mạnh.
– Xì hơi qua lỗ rò, có thể rỉ phân lẫn máu hoặc phân lẫn dịch mủ (phân lẫn chất nhầy).
– Tìm thấy lỗ rò bên ngoài da của bệnh nhân.
– Một số trường hợp đại tiện không tự chủ do ảnh hưởng đến cơ thắt hậu môn.
Ngay khi thấy các triệu chứng bất thường như sốt, đau buốt hậu môn, đi ngoài ra máu,…người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và áp dụng biện pháp điều trị phù hợp.
4. Chẩn đoán và điều trị bệnh
Phát hiện và điều trị bệnh sớm giúp giảm thiểu nguy cơ biến chứng cho bệnh nhân.
4.1. Chẩn đoán bệnh
Hiện nay có nhiều phương pháp giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh nhanh chóng và chính xác.
Trước tiên người bệnh được tiến hành kiểm tra xung quanh khu vực hậu môn để tìm kiếm một lỗ rò. Trong một số trường hợp không có lỗ rò ngoài da, sẽ tiến hành thêm các chỉ định bổ sung.
Các chỉ định hay dùng là siêu âm, nội soi hậu môn, chụp cộng hưởng từ vùng chậu rò hậu môn để xác định chính xác đường rò và các tổn thương.
Ngoài ra bác sĩ có thể thực hiện thêm các xét nghiệm như xét nghiệm máu, phân hoặc dịch nhầy để chẩn đoán loại bỏ các bệnh lý khác cùng biểu hiện. Một số vi khuẩn có thể gặp ở đường rò như E. coli, tụ cầu, liên cầu….
4.2. Điều trị rò hậu môn bằng biện pháp gì?
Hiện nay, chưa thuốc để chữa khỏi bệnh rò hậu môn. Phương pháp điều trị phổ biến nhất là phẫu thuật bao gồm: Mổ cắt đường rò, đặt seton, khoét bỏ đường rò…Tuy nhiên, để tiến hành phẫu thuật đạt hiệu quả cao, cần phải đảm bảo các yếu tố:
– Xác định được lỗ rò, phân loại cụ thể loại đường rò.
– Tránh tối đa làm tổn thương đến cơ thắt hậu môn.
– Loại bỏ hoàn toàn các tổ chức xơ xung quanh đường rò.
– Lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp với từng đối tượng bệnh nhân.
– Theo dõi sau phẫu thuật, đảm bảo đường rò liền lại từ trong ra ngoài, dưới lên trên.
4.3. Những biến chứng có thể gặp phải sau phẫu thuật
Lựa chọn phương pháp phẫu thuật tối ưu cho bệnh nhân tùy thuộc vào mức độ phân loại bệnh, kinh nghiệm của bác sĩ,…Tuy nhiên, có một vài biến chứng có thể xảy ra sau khi phẫu thuật:
– Đau buốt nhiều.
– Chảy nhiều máu.
– Cơ thắt hậu môn bị tổn thương dẫn đến đại tiện không tự chủ.
– Nhiễm trùng tại vết mổ.
Để hạn chế tối đa các rủi ro, người bệnh nên lựa chọn điều trị tại các cơ sở y tế uy tín, có đội ngũ bác sĩ giỏi, trang thiết bị y tế hiện đại và chế độ chăm sóc sau mổ chu đáo.
5. Bệnh nhân rò hậu môn cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý
Với người bình thường, một chế độ dinh dưỡng tốt đóng vai trò không thể thiếu để có một cơ thể khỏe mạnh. Với người bệnh, chế độ dinh dưỡng khoa học và hợp lý lại càng quan trọng hơn nữa. Do đặc điểm của bệnh liên quan đến đường tiêu hóa nên chế độ ăn quyết định phần lớn đến bệnh sinh cũng như quá trình điều trị.
Người bệnh nên:
– Ăn nhiều rau xanh (súp lơ, cải bắp, mồng tơi…) giúp cung cấp đủ chất xơ và các vitamin, khoáng chất để làm mềm phân, tránh táo bón gây đau tức khi đi đại tiện.
– Uống nhiều nước giúp cho tiêu hóa thức ăn dễ dàng.
– Tránh các thức ăn cay nóng, đồ uống có gas, có cồn, đặc biệt là trước và sau quá trình phẫu thuật.
– Mặc quần áo thoáng, rộng rãi, vệ sinh vùng hậu môn thường xuyên, đúng cách để tránh các dịch mủ nhầy gây thấm ngược vào trong.
Điều trị rò hậu môn cần nhiều thời gian, thậm chí có thể phải phẫu thuật nhiều lần. Do đó, quá trình điều trị và phục hồi gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt cho người bệnh. Để đạt được hiệu quả điều trị nhanh chóng, dứt điểm, người bệnh nên tuân thủ theo các chỉ định từ bác sĩ chuyên môn.
Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã có thêm những kiến thức rất hữu ích về bệnh rò hậu môn, lưu ý về điều trị và biến chứng có thể xảy ra. Ngay khi có dấu hiệu bất thường, hãy tới bệnh viện để được các bác sĩ tư vấn kịp thời nhất.