Răng khôn bị lợi trùm gây nên nhiều nguy cơ và cảm giác khó chịu đối với người bệnh. Đây mặc dù là loại bệnh răng miệng không hiếm gặp nhưng hầu như mọi người đều không biết nhiều về nó ngoài cái tên và biểu hiện sưng, căng tức lợi ở vị trí răng khôn đang mọc. Bài viết này, TCI sẽ giải đáp một số câu hỏi cơ bản và thường gặp về bệnh lý viêm lợi trùm do răng khôn.
Menu xem nhanh:
1. Viêm lợi trùm răng khôn là gì?
1.1 Răng khôn bị lợi trùm do đâu
Răng khôn bị lợi trùm là khi chiếc răng khôn chỉ mọc được một phần thân răng ra bên ngoài, phần còn lại của nó bị che lấp bởi lợi. Một số trường hợp lợi trùm răng khôn còn xuất hiện các túi lợi quanh răng. Hiện tượng túi lợi là tại một số điểm lợi quá phát hình thành nên túi sâu, mặc dù nhìn bằng mắt thường thấy lợi không bị che phủ lên bề mặt răng. Những túi này thường là nơi dễ đọng thức ăn.Khi thức ăn rơi xuống đáy túi sâu thì sẽ rất khó vệ sinh sạch vì không thể sử dụng những biện pháp vệ sinh răng miệng thường quy để lấy ra được.
Bình thường nếu túi không bị mắc thức ăn thì nguy cơ viêm nhiễm rất ít, tuy nhiên khi thức ăn, vi khuẩn tập kết dưới đáy túi và không làm sạch được sẽ tạo nên môi trường lý tưởng cho vi khuẩn có hại tại răng sinh sôi và tấn công vào các tổn thương tại nướu, gây nên tình trạng viêm lợi trùm. Bên cạnh đó, ổ viêm còn có thể bùng phát do các yếu tố miễn dịch của cơ thể suy giảm hoặc thay đổi nội tiết tố tại 1 thời điểm sinh lý đặc biệt nào đó.
Trong một số trường hợp nghiêm trọng, tình trạng sưng tấy và nhiễm trùng tại răng khôn bị lợi trùm có thể kéo dài, trở nặng và lan ra khỏi hàm đến má, cổ người bệnh.
1.2 Dấu hiệu khi răng khôn bị lợi trùm và viêm nhiễm
Để nhận ra răng khôn bị lợi trùm không quá khó khăn mà có thể thấy ngay bằng mắt thường. Cơ bản và đặc trưng nhất là người bệnh sẽ thấy lợi bị sưng phồng, hơi đỏ lên ở ngay vị trí có răng khôn đang mọc, có thể có một phần răng đâm ra hoặc không.
Ngoài biểu hiện về hình thái dễ thấy đó, người bệnh cũng có thể chú ý tới các triệu chứng thường thấy của viêm lợi trùm là bị ngứa, cộm vùng lợi dù không ăn nhai, hơi thở có mùi hôi khó chịu, lợi hơi nề, đau khi nhai phải.
Nếu người bệnh không có ý định đi khám hay tự ý điều trị bằng các mẹo dân gian thì rất có thể bệnh trở nặng, viêm nhiễm lan rộng và gặp các tình trạng do viêm nhiễm gây nên như sốt cao, sưng góc hàm tại bên bị lợi trùm, viêm lợi có mủ, mủ viêm chảy các khoang sâu gây tình trạng co khít hàm, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.
2. Viêm lợi trùm do răng khôn có tự khỏi được không?
Câu trả lời là có, nhưng với điều kiện tình trạng sưng viêm nhẹ và phần lợi viêm này không bị nhiễm trùng. Nếu chỉ bị ở trường hợp đơn giản như vậy, bệnh sẽ hoàn toàn có thể tự khỏi sau 3-4 ngày mà không cần tác động hay điều trị trực tiếp.
Tuy nhiên, một điều chắc chắn là bệnh sẽ không dứt hẳn, phần lợi trùm răng khôn này sẽ vẫn tiếp tục bị sưng và viêm trở lại trong tương lai bởi răng khôn chưa trồi lên hết sẽ tiếp tục mọc như bình thường. Khi phần lợi bị răng khôn đâm thủng và nứt ra, để hở một phần bề mặt răng khôn, và xuất hiện túi lợi, đây sẽ trở thành nơi khiến thức ăn dễ bị kẹt lại. Từ đó, vi khuẩn sẽ lại có cơ hội gây viêm cho phần lợi này, thậm chí tình trạng viêm có thể nặng và nhiễm trùng nếu không được vệ sinh cẩn thận.
3. Cắt lợi có thể giải quyết triệt để răng khôn bị lợi trùm không?
Tiểu phẫu cắt lợi trùm là phương pháp giải quyết nhanh chóng nhưng không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả 100% vì nếu răng khôn mới nhú và còn có khả năng mọc tiếp sẽ lại tiếp tục đẩy lợi lên và tình trạng lợi trùm có thể vẫn quay lại. Vì lý do này, phương pháp cắt lợi thường được các nha sĩ khuyến khích sử dụng trong trường hợp răng khôn của người bệnh đã mọc gần như hoàn chỉnh. Đồng thời, người bệnh cũng cần đạt điều kiện là không có tiền sử viêm lợi hoặc răng khôn không quá sát với cành đứng xương hàm dưới để hạn chế các biến chứng, nguy cơ viêm có thể xảy ra sau khi thực hiện cắt.
Những biến chứng có thể gặp phải ở người có tiền sử viêm lợi sau khi cắt lợi trùm là viêm lợi, viêm tủy răng, viêm quanh răng khôn… Ngoài ra, cắt lợi trùm cũng có một số nguy cơ khác như tổn thương dây thần kinh lưỡi, khiến bệnh nhân tê bì đầu lưỡi và có thể mất cả vị giác hoặc lợi trùm bò trở lại. Lúc này, người bệnh có thể cần phải thực hiện cắt lợi thêm nhiều lần nữa. Do đó nhiều nha sĩ sẽ tư vấn nhổ răng khôn thay vì chọn giải pháp cắt lợi trùm.
Những nghiên cứu gần đây cho thấy nhổ răng khôn nếu nó là nguyên nhân gây viêm lợi trùm sẽ có lợi hơn là có hại. Vì việc này tạo ra một đường dẫn lưu tự nhiên, khiến viêm nhiễm sẽ nhanh hồi phục hơn các biện pháp khác.
4. Khi viêm lợi trùm do răng khôn nên kiêng ăn gì?
Khi khu vực lợi trùm bị viêm, người bệnh nên tránh ăn những thực phẩm sau để tình trạng răng viêm không trở nặng hơn:
– Thực phẩm chứa nhiều đường, tinh bột như: bánh ngọt, snack, kẹo, nước ngọt, bia…
– Không nên sử dụng những món có nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh, các thực phẩm cay nóng như hạt tiêu, mù tạt, ớt… Và các chế phẩm có chứa chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu, bia…
– Hạn chế nhai thực phẩm cứng vào vị trí lợi đang bị bệnh.
Thay vào đó người bệnh nên sử dụng những thực phẩm có tác dụng hỗ trợ cơ thể chống lại sự viêm nhiễm và nhanh hồi phục như:
– Thực phẩm giàu chất xơ và các vitamin gồm: rau xanh, bơ, chuối…
– Trà xanh và các món chứa trà xanh: trong trà xanh có chứa chất Polyphenols có khả năng chống viêm và kháng khuẩn tự nhiên.
– Ăn các thực phẩm giàu canxi và khoáng chất khác như: thịt, cá, trứng, sữa, phô mai…
– Chọn ăn những thức ăn mềm hoặc dạng cháo, súp… để hạn chế nhất có thể lực tác động lên phần lợi bị viêm.
Việc kiêng ăn những thực phẩm có thể gây kích ứng cho phần lợi trùm bị viêm phần nào sẽ giúp tình trạng bệnh bớt nặng thêm, nhưng lại không có khả năng điều trị răng khôn bị lợi trùm gây viêm dứt điểm. Người bệnh khi gặp tình trạng này nên tới nha sĩ để thăm khám mức độ viêm và có biện pháp điều trị phù hợp, tránh để lâu hoặc chữa trị sai cách dẫn đến biến chứng không mong muốn.