Đẻ mổ là phương pháp mổ lấy thai phổ biến hiện nay, và cả quá trình đẻ mổ cũng cần được diễn ra tuân thủ theo các bước rõ ràng, chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn cho mẹ bầu và em bé trong suốt cuộc sinh. Cùng tìm hiểu rõ về các bước tiến hành trong ca mổ đẻ thông qua bài viết dưới đây của Thu Cúc TCI.
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm phương pháp đẻ mổ cho mẹ bầu
1.1. Phương pháp đẻ mổ cho mẹ bầu là gì?
Sinh mổ hay còn gọi là sinh đường trên, là một cuộc phẫu thuật mà bác sĩ sẽ rạch ở bụng và tử cung của người mẹ để đưa em bé ra ngoài. Một số cuộc sinh mổ đã được lên kế hoạch từ trước. Tuy nhiên cuộc phẫu thuật này chỉ thực sự cần thiết khi bắt đầu có những dấu hiệu chuyển dạ hoặc có những dấu hiệu bất thường làm cho việc sinh qua đường âm đạo không an toàn và có thể gây nguy hiểm cho mẹ và bé.
1.2. Trường hợp nào mẹ bầu cần thực hiện quá trình đẻ mổ?
Các trường hợp thường được chỉ định sinh mổ bao gồm: sinh khó, rau tiền đạo, suy thai.
Sinh khó (chuyển dạ kéo dài) thường xảy ra khi đầu em bé không thể chui vừa qua đường sinh, hoặc cơ thể của bé ở vị trí không thuận lợi như: bé nằm vuông góc với đường sinh (ngôi ngang), mông ra trước (ngôi mông).
Rau tiền đạo xảy ra khi nhau thai bám thấp một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung khiến tử cung khó mở.
Suy thai xảy ra khi sức khỏe của em bé bị đe dọa, thường là do lưu lượng máu đi qua nhau thai và dây rốn không đủ. Suy thai thường xảy ra khi nhau thai tách khỏi thành tử cung trước khi em bé ra đời, hoặc dây rốn bị nén lại hay chèn ép.
Các trường hợp khác phải sinh mổ bao gồm: mang đa thai, có khối u lớn ở tử cung, một số nhiễm trùng khác hoặc mắc một số vấn đề y tế như: tiểu đường, cao huyết áp không kiểm soát được.
2. Quá trình đẻ mổ của mẹ bầu diễn ra như thế nào?
2.1. Quá trình đẻ mổ mất thời gian bao lâu?
Nếu như khi mẹ sinh thường, thời gian của một ca sinh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: các dấu hiệu chuyển dạ, độ mở tử cung của mẹ, khoảng cách các cơn gò,…thì đối với sinh mổ, các bác sĩ thường sẽ chủ động được thời gian của ca phẫu thuật.
Trung bình một ca phẫu thuật mổ đẻ sẽ diễn ra trong khoảng 30 – 45 phút kéo dài cho toàn bộ quá trình, từ lúc chuẩn bị mổ cho tới lúc thành công mổ lấy thai. Thời gian nay có thể coi là khá nhanh chóng đối với một ca sinh bình thường. Bởi về chi tiết thời gian bác sĩ tiến hành đưa em bé ra ngoài chỉ mất tầm 10 phút đồng hồ.
2.2. Cận cảnh quá trình đẻ mổ của mẹ bầu
Toàn bộ các cuộc sinh mổ đều bao gồm 2 bước quan trọng, đó là đưa em bé ra khỏi tử cung và thực hiện đóng tử cung, ổ bụng. Ở các quá trình này, đòi hỏi bác sĩ phải có chuyên môn giỏi, nhằm đảm bảo cho cuộc phẫu thuật thành công tốt đẹp và thời gian mổ không được kéo dài quá lâu. Quá trình khâu đóng tử cung cũng cần hết sức cẩn thận để phòng tránh mọi biến chứng có thể xảy ra như: rách tử cung, chảy máu tử cung quá nhiều,…
Một ca phẫu thuật đẻ mổ của mẹ bầu sẽ diễn ra theo trình tự như sau:
2.2.1. Bước gây tê tủy sống cho mẹ bầu
Sau khi trao đổi với bác sĩ gây tê trước ca mổ, mẹ sẽ được đưa vào phòng mổ vô trùng để tiến hành các bước chuẩn bị mổ đẻ. Mẹ sẽ được bác sĩ gây tê thực hiện thủ thuật gây tê tủy sống.
Sản phụ nằm nghiêng trên bàn, người cong như con tôm, sau đó sẽ được sát khuẩn khu vực lưng. Bác sĩ sẽ thực hiện gây tê để mẹ không còn cảm giác đau trong lúc phẫu thuật mổ lấy thai.
Bước này là bước đầu tiên rất quan trọng trong mọi cuộc sinh mổ để giúp sản phụ không đau đớn và an tâm trong suốt quá trình phẫu thuật.
2.2.2. Mẹ được đặt ống thông tiểu
Vào lúc này, đội ngũ điều dưỡng sẽ thực hiện sát trùng và làm sạch khu vực vùng kín cho mẹ. Sau đó mẹ sẽ được đặt một đoạn ống thông tiểu giúp giữ sạch phần bàng quang.
2.2.3. Quá trình đẻ mổ bắt đầu
Sau khi đã xong các thủ tục tiền phẫu thuật, các bác sĩ sẽ bắt đầu tiến hành quá trình mổ lấy thai. Sản phụ sẽ được che một tấm màn ngay trước mặt để không được tận mắt chứng kiến ca phẫu thuật. Các bác sĩ sẽ dùng dao phẫu thuật rạch một đường ngang bụng, đoạn ngay phía trên xương mu. Vết cắt này dài khoảng 8 – 10 cm. Các vết rạch lần lượt tách lớp da, mô và tử cung cho đến khi thấy em bé.
2.2.4. Quá trình đưa em bé ra ngoài
Sau khi em bé được thành công đưa ra ngoài, các bác sĩ sẽ tiến hành kẹp dây rốn chậm, cắt dây rốn cho em bé. Sau đó em bé sẽ được các bác sĩ nhi kiểm tra các chỉ số tổng quát, lau gây xung quanh người, quấn khăn và đem đi cân. Trong lúc bác sĩ nhi và cô điều dưỡng thực hiện các công việc này thì bác sĩ sẽ tiến hành công đoạn lấy nốt phần nhau thai, toàn bộ bánh nhau ra khỏi bụng mẹ và thực hiện khâu vết mổ cho mẹ.
2.2.5. Em bé được da áp da với mẹ
Da áp da là một phương pháp được sử dụng rộng rãi trong mọi ca sinh kể cả sinh thường lẫn sinh mổ. Nếu như sức khỏe em bé và mẹ hoàn toàn bình thường thì bác sĩ sẽ cho bé được da áp da với mẹ trong một khoảng thời gian nhất định. Điều dưỡng sẽ bế bé đặt ngang lên người mẹ cho da bé và da mẹ tiếp xúc trực tiếp với nhau. Ngay sau đó, em bé và mẹ sẽ được đeo vòng định danh để tránh nhầm lẫn khi đưa bé đi chăm sóc hoặc khi trả bé về phòng với mẹ.
2.2.6. Em bé được da kề da với bố
Ở bước này, em bé sẽ được thực hiện da áp da với bố tại phòng khác chuyên biệt. Các cô điều dưỡng sẽ hỗ trợ bố tư thế bế bé đúng cách.
Vào lúc này, ở trong phòng phẫu thuật, mẹ sẽ được các bác sĩ hoàn tất các thủ tục còn lại của ca mổ. Sau đó mẹ sẽ được di chuyển tới khu vực hồi sức để theo dõi sức khỏe và các chỉ số sau phẫu thuật. Nếu mọi chỉ số đều tốt và không có vấn đề gì, mẹ sẽ được đưa về phòng lưu viện để nghỉ ngơi.
2.2.7. Bé được trả về phòng lưu viện cùng mẹ và gia đình
Sau bước da áp da với bố ở trên, em bé sẽ được đưa về phòng riêng cho trẻ sơ sinh để theo dõi sức khỏe đầu đời. Trong lúc đó thì em bé cũng được tiêm vitamin K và vắc xin phòng viêm gan B.
Trong một khoảng thời gian sau thì em bé sẽ được đưa về phòng lưu viện với mẹ và gia đình. Tại đây mẹ và bé sẽ có thời gian lưu viện khoảng 3 ngày.
2.2.8. Quá trình đẻ mổ kết thúc – Mẹ và bé được xuất viện
Sau 3 ngày lưu viện, mẹ và bé nếu như không gặp vấn đề gì nghiêm trọng về sức khỏe cũng như không có nhu cầu lưu viện thêm, thì mẹ và bé sẽ được xuất viện về nhà.
3. Những điều mẹ cần lưu ý sau quá trình đẻ mổ là gì?
Sau quá trình phẫu thuật, mẹ nên chú ý giữ gìn sức khỏe, bồi bổ cơ thể bằng cách ăn uống đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý và tránh suy nghĩ tiêu cực.
Ngoài ra, mẹ cũng nên ghi nhớ một vài điều như: kiêng tắm gội quá lâu, kiêng ăn đồ lạnh, đồ chua, cay, không nên sử dụng các loại chất kích thích, cafe, bia rượu,…
Bên cạnh đó, mẹ cũng cần chú ý chăm sóc vết thương cẩn thận, phòng tránh việc nhiễm trùng vết mổ có thể xảy ra.
Nếu như mẹ có bất cứ dấu hiệu nào bất thường về sức khỏe cũng như vết mổ, hãy lập tức thăm khám bác sĩ để được kiểm tra và có chế độ xử lý, điều chỉnh kịp thời.