Polyp xoang mũi bản chất là một dạng u lành, xuất hiện ở các hốc xoang. Việc chẩn đoán và điều trị polyp mũi diễn ra càng sớm càng tốt vì nó có nguy cơ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu nguyên nhân và triệu chứng của polyp mũi
1.1. Các nguyên nhân gây bệnh polyp xoang mũi
Các polyp ở mũi chính là hậu quả của những phản ứng viêm nhiễm ở mũi. Bất cứ đối tượng nào cũng có nguy cơ mắc bệnh polyp xoang mũi. Tuy nhiên, bệnh chủ yếu xảy ra ở những người có độ tuổi trên 40 và trẻ em. Ngoài ra, những người mắc các bệnh hoặc triệu chứng sau cũng có nguy cơ hình thành polyp trong xoang mũi bao gồm:
– Hen suyễn: Đây được coi là nguyên nhân chính làm cho đường hô hấp bị viêm nhiễm và tắc nghẽn.
– Nhiễm nấm và các vi sinh vật trong không khí gây viêm xoang.
– Viêm xoang mạn tính do không điều trị dứt điểm.
– Nhạy cảm với các loại thuốc kháng viêm không steroid hoặc aspirin.
– Hiện tượng rối loạn di truyền khiến cho các chất dịch hoặc chất nhầy từ mũi và xoang được sản sinh bất thường.
– Hội chứng viêm mạch máu (Tuy là bệnh hiếm nhưng nó cũng có nguy cơ gây hình thành các polyp mũi).
Khi các xoang bị viêm nhiễm do vi khuẩn hoặc virus xâm nhập, các mạch máu ở niêm mạc xoang mũi sẽ tăng tính thấm, dẫn đến hiện tượng tích tụ nước ở các mô. Lâu dần, các mô chứa nước sau khi chịu tác động của trọng lực sẽ dồn lại và tạo thành polyp.
1.2. Các triệu chứng cho thấy bạn đang có polyp mũi
Giai đoạn đầu, polyp chưa phát triển thì có kích thước nhỏ và thường không gây ra vấn đề nghiêm trọng hay ảnh hưởng gì đến cuộc sống. Tuy nhiên, nếu không phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, polyp trong xoang mũi sẽ phát triển về mặt kích thước. Khi đó người bệnh sẽ gặp phải khó khăn trong việc thở, phải dùng miệng để thở.
Ngoài việc khó thở bằng mũi, người bệnh polyp trong xoang mũi còn gặp phải các triệu chứng sau:
– Thường xuyên sổ mũi, chảy nước mũi, ngạt mũi kéo dài;
– Thường xuyên chảy máu cam;
– Khứu giác và vị giác bị suy giảm, thậm chí mất hẳn;
– Đau nhức vùng răng ở hàm trên, mặt, tai và đầu;
– Có cảm giác mặt và trán bị đè nặng;
– Ngủ ngáy to, ngáy nhiều;
– Viêm đa xoang mạn tính;
1.3. Các biện pháp giúp chẩn đoán chính xác bệnh polyp mũi
Để chẩn đoán và đưa ra kết luận chính xác của bệnh, các bác sĩ sẽ dựa trên các thông tin tin thu được qua:
– Các thông tin về bệnh sử, triệu chứng;
– Thăm khám và kiểm tra sơ bộ mũi và các xoang;
– Nội soi mũi và các xoang;
– Chẩn đoán hình ảnh qua phương pháp chụp CT (giúp xác định chính xác vị trí và kích thước của các khối polyp);
– Một số xét nghiệm khác như xét nghiệm để kiểm tra tình trạng di truyền có ảnh hưởng đến các tuyến sản sinh niêm dịch, nước bọt, mồ hôi, nước mắt và các dịch tiêu hóa… hay không.
2. Điều trị polyp mũi xoang
2.1. Dùng thuốc để điều trị polyp mũi xoang
Khi được chẩn đoán có polyp mũi, người bệnh không nên quá lo lắng. Nếu kích thước các khối polyp còn nhỏ, bệnh hoàn toàn có thể điều trị được bằng thuốc đặc trị dạng nhỏ hoặc xịt. Hoạt chất corticosteroid có trong các loại thuốc vừa giúp điều trị các triệu chứng viêm, cải thiện tình trạng ngạt mũi, vừa giúp làm giảm kích thước khối polyp. Đặc biệt, dùng thuốc dạng xịt sẽ ít đem lại tác dụng phụ cho người bệnh (chảy máu mũi, viêm họng và nhức đầu) hơn dạng uống.
Một số loại thuốc thường được dùng kết hợp để tăng hiệu quả điều trị polyp xoang mũi:
– Corticosteroids dạng uống: Tuy có thể gây ra một số tác dụng phụ như đã chia sẻ, nhưng đôi khi bác sĩ vẫn chỉ định người bệnh dùng kết hợp corticosteroid đường uống và dạng xịt để tăng hiệu quả điều trị. Thông thường, corticosteroids dạng uống sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng trong ngắn hạn để hạn chế tác dụng phụ.
– Các loại thuốc chống dị ứng và nhiễm trùng: Nếu nguyên nhân gây polyp xoang mũi là do dị ứng hoặc nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ kê đơn các loại thuốc kháng histamin và thuốc kháng sinh. Các loại thuốc này vừa giúp kiểm soát tình trạng dị ứng, vừa kiểm soát tình trạng nhiễm trùng. Bên cạnh đó, các loại thuốc kháng histamin còn có công dụng làm thông thoáng mũi, giảm ngạt mũi.
– Các loại thuốc điều trị nấm: Những trường hợp bị polyp mũi do mắc bệnh viêm xoang mạn thì có thể nguyên do ban đầu là do các vi nấm có trong môi trường xâm nhập. Đối với những trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng thuốc kháng nấm. Trường hợp nhiễm nấm nặng thì bác sĩ sẽ tư vấn thực hiện phẫu thuật để loại bỏ phần mô đang bị nhiễm nấm.
2.2. Phẫu thuật loại bỏ polyp xoang mũi
Trong trường hộp người bệnh không đáp ứng điều trị nội khoa bằng thuốc, các bác sĩ sẽ tư vấn thực hiện phẫu thuật để loại bỏ hoàn toàn khối polyp. Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ và y học, phẫu thuật nội soi là phương pháp vừa an toàn, vừa tiết kiệm thời gian, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ.
3. Làm thế nào để phòng ngừa polyp mũi
Polyp mũi và polyp xoang mũi có thể do bẩm sinh, cũng có thể hình thành trong quá trình trưởng thành của mỗi người. Tuy nhiên, chúng ta có thể áp dụng những biện pháp sau để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh và tái phát bệnh:
– Kiểm soát tốt các bệnh về phế quản, hen và dị ứng;
– Hạn chế đến những nơi chứa các chất gây viêm hoặc kích ứng như hóa chất, khói thuốc, bụi…
– Thường xuyên rửa tay với xà phòng để tránh nguy cơ lây nhiễm virus hoặc vi khuẩn.
– Vệ sinh mũi xoang hằng ngày với nước muối sinh lý để ngăn ngừa nhiễm trùng, đồng thời làm cho quá trình sản sinh chất gây viêm adiponectin chậm lại.
– Xây dựng và duy trì chế độ ăn uống, tập luyện khoa học, giúp tăng cường hệ miễn dịch.
Có thể nói, polyp xoang mũi nếu được phát hiện sớm sẽ không quá nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, bệnh rất dễ dàng tái phát dù đã được điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật loại bỏ. Chính vì thế, quá trình chăm sóc hậu phẫu và tái khám định kỳ là việc vô cùng quan trọng.