Polyp túi mật có tự hết không? Khi nào cần phẫu thuật? 

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Polyp túi mật có tự hết không và khi nào cần phải phẫu thuật luôn là vấn đề được nhiều người bênh quan tâm. Bởi đây là bệnh khá thường gặp ở người trưởng thành. Mặc dù phần lớn các trường hợp polyp là lành tính, nhưng vẫn tồn tại nguy cơ tiến triển thành ung thư gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

1. Tổng quan về bệnh polyp túi mật

1.1. Định nghĩa:

Polyp túi mật là một tổn thương dạng u thật hoặc giả u hình thành và phát triển từ lớp niêm mạc bên trong túi mật. Số lượng và kích thước của polyp túi mật cũng khá đa dạng, có thể nhỏ từ vài milimet đến vài chục milimet, có thể phát triển  đơn độc hoặc thành chùm.

Đây là bệnh khá phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu gặp ở người trưởng thành, đặc biệt là nữ giới độ tuổi từ 30-50.

polyp túi mật có tự hết không là thắc mắc của nhiều người bệnh.

Polyp túi mật có thể phát triển đơn độc hoặc thành chùm

1.2. Phân loại

Polyp túi mật được chia thành 5 loại dựa trên tính chất và nguyên nhân hình thành.

– Polyp cholesterol: hình thành do khiếm khuyết trong quá trình trao đổi cholesterol; chiếm khoảng 50-60% các trường hợp bệnh với kích thước từ 2-10mm và rất ít khi gây triệu chứng.

– Polyp cơ tuyến túi mật: được đặc trưng bởi tình trạng tăng sinh của niêm mạc túi mật và lớp cơ dày tạo thành cách túi lõm sâu; chiếm khoảng 25% các trường hợp bệnh với kích thước khoảng từ 20-25mm.

– Polyp viêm: đây là kết quả của tình trạng viêm túi mật mãn tính; chiếm khoảng 10% các trường hợp bệnh; thường phát triển đơn độc với kích thước khoảng từ 5-10m

– Polyp tuyến: chiếm khoảng 5% các trường hợp bệnh, thường mọc đơn độc với kích thước từ 5-20mm. Bao gồm 2 loại: u tuyến nhú (có cuống, cấu trúc phức tạp, cắt xẻ, chân lan rộng và ăn sâu vào thành niêm mạc túi mật) và u tuyến ống (không cuống, cấu trúc bằng phẳng).

1.3. Nguyên nhân

Có nhiều yếu tố được xem là có liên quan mật thiết đến việc hình thành polyp túi mật như chức năng gan – mật kém, nồng độ đường máu, mỡ máu cao, nhiễm virus viêm gan, thói quen ăn uống thiếu điều độ, độ tuổi và sự hiện diện của sỏi mật….

Tuy nhiên cho đến nay trên thực tế chưa có nghiên cứu nào khẳng định được chính xác nguyên nhân gây bệnh polyp túi mật.

1.4. Triệu chứng

Đại đa số các trường hợp polyp túi mật không gây triệu chứng. Bệnh thường được phát hiện tình cờ qua khám sức khỏe định kỳ hoặc khám một bệnh nào đó có siêu âm gan – mật. Tuy nhiên, vẫn tồn tại khoảng từ 5-7% trường hợp polyp túi mật có biểu hiện triệu chứng và thường gặp ở người có polyp kích thước lớn (>= 10mm). Triệu chứng thường gặp nhất là đau tức, co cứng nhẹ dưới sườn phải hoặc đau vùng thượng vị. Một số ít có biểu hiện đầy hơi, ăn chậm tiêu, buồn nôn và nôn.

Polyp túi mật ít khi có triệu chứng cấp tính như viên đường mật hoặc sỏi mật (đau, sốt, vàng da, vàng mắt). Các triệu chứng của polyp túi mật khá giống với sỏi đường mật, sỏi túi mật mạn tính hoặc bệnh lý dạ dày – tá tràng.

2. Vậy polyp túi mật có tự hết không? Khi nào cần phẫu thuật?

2.1. Polyp túi mật có tự hết không?

Polyp túi mật có tự hết không? Theo ý kiến của các chuyên gia, polyp túi mật không thể tự hết hay tự biến mất. Để làm được điều này, phẫu thuật cắt túi mật đang là giải phải pháp nhanh chóng nhất. Bởi cho đến thời điểm hiện tại, chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn polyp túi mật.

Tuy nhiên phần lớn (khoảng 95%) trường hợp polyp túi mật có bản chất lành tính như polyp cholesterol và polyp viêm. Do đó, nếu polyp túi mật lành tính và có kích thước dưới 10mm thì người bệnh chưa cần can thiệp túi mật. Trong trường hợp này, bạn chỉ cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống và sinh hoạt để kiểm soát tình trạng bệnh. Bên cạnh đó người bệnh cũng cần khám sức khỏe định kỳ để theo dõi tình trạng của polyp trong túi mật.

Với các loại polyp túi mật có nguy tiến triển thành ác tính như polyp tuyến và cơ tuyến, bác sĩ sẽ căn cứ vào kích thước và một vài đặc điểm khác như (hình dáng, chân lan rộng,…) của khối polyp để xác định người bệnh đã cần phẫu thuật hay chưa.

Polyp túi mật có tự hết không?

Polyp túi mật không thể tự hết do đó người bệnh cần thăm khám để có tư vấn điều trị cụ thể.

2.2. Polyp túi mật khi nào cần phải phẫu thuật?

Polyp túi mật được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khi:

– Polyp hình thành và phát triển đơn độc nhưng có chân rộng (polyp không cuống).

– Kích thước khối polyp từ 10mm trở lên.

– Kích thước polyp nhỏ nhưng mọc thành cụm lớn trong túi mật (đa polyp).

– Polyp phát triển nhanh bất thường về diện tích, số lượng và kích thước trong một thời gian ngắn.

– Polyp phát triển ở người bệnh trên 50 tuổi.

– Polyp có triệu chứng và gây viêm túi mật tái diễn nhiều lần.

– Polyp ở người viêm xơ đường đường mật tiên phát hoặc sỏi túi mật.

Ngày nay, với sự phát triển của y học, cắt túi mật nội soi được xem là “tiêu chuẩn vàng” trong điều trị polyp túi mật. Đây là phương pháp phẫu thuật hiện đại, ít xâm lấn nên người bệnh ít đau, nhanh hồi phục và ít xảy ra biến chứng. Sau khi phẫu thuật cắt bỏ túi mật, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng rối loạn tiêu hóa (đầy bụng, tiêu chảy, buồn nôn,…) do dịch mật từ gan đổ trực tiếp xuống ruột non. Tuy nhiên, các triệu chứng này sẽ mất dần khi cơ thể thích ứng được với sự thay đổi này.

3. Cách sống chung với polyp túi mật

Chưa có thuốc chữa khỏi polyp túi mật và polyp túi mật cũng không tự biến mất. Tuy nhiên, có một số dạng polyp kích thước nhỏ và lành tính, người bệnh hoàn có thể sống chung với chúng bằng việc điều chỉnh lại chế độ ăn uống và sinh hoạt.

Trả lời câu hỏi polyp túi mật có tự hết không

Chế độ dinh dưỡng khoa học và hợp lý giúp hạn chế nguy cơ phát triển của polyp túi mật

– Bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ, các loại hoa quả giàu vitamin (B, C, D, E) và chất khoáng, các loại chất béo có nguồn gốc từ thực vật… để hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường sức khỏe gan – mật, hạn chế triệu chứng và nguy cơ phát triển polyp.

– Hạn chế các thực phẩm giàu chất béo bão hòa; các thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao; thực phẩm chứa chất tạo ngọt nhân tạo, đường và tinh bột tinh chế…. Các loại thực phẩm này có thể làm tăng kích thước polyp túi mật và khiến các triệu chứng của bệnh trầm trọng hơn.

– Duy trì tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày giúp tăng cường vận động đường mật, hạn chế sự ứ đọng dịch mật.

– Siêu âm polyp túi mật định kỳ để theo dõi tiến triển của bệnh. Từ đó có thể thay đổi hướng điều trị nhanh và phù hợp nhất (nếu cần thiết).

Trên đây là những thông tin chia sẻ về vấn đề polyp túi mật có tự hết không và khi nào cần phải phẫu thuật. Như vậy, khi phát hiện có polyp túi mật, người bệnh nên thăm khám sớm, tuyệt đối tuân thủ theo phác đồ của bác sĩ để kiểm soát và điều trị bệnh được hiệu quả nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital