Phẫu thuật cắt ruột thừa phương pháp điều trị ngoại khoa an toàn và hiệu quả giúp loại bỏ nhanh chóng đoạn ruột thừa bị viêm nhiễm và ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm xảy ra. Vậy các phương pháp phẫu thuật cắt ruột thừa hiện nay là gì? Phương pháp nào được đánh giá là tối ưu nhất? Mời bạn đọc tìm hiểu thông tin trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Phẫu thuật cắt ruột thừa điều trị bệnh gì?
Ruột thừa là một đoạn ruột nhỏ dạng túi cùng, hẹp và dài vài centimet, nằm ở đáy manh tràng. Ruột thừa nằm ở phần bụng dưới bên phải, nơi nối tiếp giữa ruột non và ruột già. Theo các nghiên cứu gần đây, ruột thừa là nguồn dự trữ vi khuẩn có ích cho tiêu hóa. Đặc biệt trong những trường hợp tiêu chảy nặng, hệ tiêu hóa sẽ bị “thất thoát” một lượng lớn vi khuẩn có lợi. Lúc này, sự “chi viện” từ ruột thừa là vô cùng cần thiết để lập lại trật tự, ngăn chặn các vi khuẩn có hại lợi dụng xâm nhập.
Khi ruột thừa bị tắc nghẽn (do dị vật, sỏi phân, phì đại các nang bạch huyết dưới niêm mạc, khối u ruột thừa hoặc manh trang…) vi khuẩn có điều kiện nhân lên nhanh chóng, làm cho ruột thừa bị viêm, sưng và hóa mủ. Nếu không được điều trị kịp thời, ruột thừa viêm có thể phát triển thành các biến chứng đe dọa đến tính mạng người bệnh. Do đó, người bệnh cần được phẫu thuật cắt ruột thừa để ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm.
2. Vì sao cần phải phẫu thuật cắt ruột thừa?
Viêm ruột thừa nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời thì có thể sẽ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng sau:
– Vỡ ruột thừa: khi ruột thừa viêm bị vỡ làm nhiễm trùng lây lan khắp bụng gây viêm phúc mạc toàn bộ. Người bệnh sẽ xuất hiện các hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc như sốt cao, rét run, tụt huyết áp, mạch nhanh, chướng bụng… Đây là biến chứng nặng nề nhất do viêm ruột thừa gây nên. Người bệnh cần phải phẫu thuật cắt ruột thừa, làm sạch khoang bụng để tránh nguy hiểm đến tính mạng.
– Áp xe ruột thừa: khi ruột thừa viêm bị vỡ nhưng nhờ mạc nối và các quai ruột bao bọc xung quanh ổ mủ tạo thành ổ mủ khu trú trong ổ bụng gọi là ổ áp xe ruột thừa. Người bệnh khi gặp tình trạng này sẽ bị sốt cao và đau vùng hố chậu. Nếu không được điều trị đúng cách, ổ áp xe có thể bị vỡ tràn vào ổ bụng gây viêm phúc mạc ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.
Do đó khi phát hiện các triệu chứng ban đầu của bệnh, người bệnh cần đến ngay bệnh viện để được chẩn đoán và có hướng điều trị kịp thời.
3. Các phương pháp phẫu thuật cắt ruột thừa phổ biến
Hiện nay, có hai phương pháp mổ cắt ruột thừa là mổ mở và mổ nội soi.
3.1. Phẫu thuật cắt ruột thừa bằng phương pháp mổ mở
Mổ mở là phương pháp phẫu thuật kinh điển. Bác sĩ sẽ loại bỏ ruột thừa bị viêm thông qua một vết rạch lớn (khoảng 10-15cm) ở vùng bụng dưới bên phải của người bệnh. Sau đó khâu lại bằng chỉ y tế.
Mổ mở cắt ruột thừa được chỉ định khi ruột thừa của người bệnh đã vỡ và nhiễm trùng lan ra ngoài ruột thừa, người bệnh có áp xe ruột thừa hoặc người bệnh đã từng can thiệp phẫu thuật mổ mở ổ bụng trước đây.
Quá trình cắt ruột thừa bằng phương pháp mổ mở kéo dài khoảng 60 phút. Người bệnh nằm viện từ 7-10 ngày để theo dõi tình trạng sức khỏe trước khi xuất viện.
3.2. Phẫu thuật cắt ruột thừa bằng phương pháp nội soi
Phẫu thuật nội soi là phương pháp hiện đại và tối ưu nhất hiện nay đối với bệnh lý viêm ruột thừa. Thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ tiến hành mở 3 vết rạch nhỏ từ 0,5-1cm ở vùng bụng. Sau đó thông qua màn hình nội soi, bác sĩ sử dụng dụng cụ để tìm đoạn ruột thừa bị viêm. Tiến hành kẹp và bóc tách và cắt bỏ ruột ra ngoài cơ thể thông qua một trong ba vết môt ban đầu. Khâu lại 3 vết mổ này bằng chỉ y tế.
Phẫu thuật nội soi là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu giúp người bệnh tránh được vết mổ dài và rộng. Người bệnh ít đau, ít chảy máu, ít xảy ra các biến trong và sau phẫu thuật. Vết mổ rất nhỏ và hầu như không để lại sẹo, đảm bảo được tính thẩm mỹ. Thời gian để hồi phục sức khỏe nhanh chóng. Người bệnh chỉ cần nằm viện từ 3-5 ngày và sớm quay trở lại với công việc hàng ngày.
Tuy nhiên phương pháp này không thực hiện được cho người bệnh có bệnh lý tim mạch, hô hấp nặng hoặc người bệnh có tiền sử mổ mở ổ bụng trước đó
Tùy vào tình trạng sức khỏe và mức độ sưng viêm cùng các yếu tố liên quan mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật khác nhau. Tuy nhiên, với những những ưu điểm vượt trội thì phẫu thuật cắt ruột thừa bằng phương pháp nội soi được xem là tiêu chuẩn vàng trong điều trị bệnh lý viêm ruột thừa.
4. Biến chứng sau mổ cắt ruột thừa
Các biến chứng sau mổ cắt ruột thừa người bệnh có thể gặp phải:
– Nhiễm trùng vết mổ: Đây là biến chứng người bệnh cắt ruột thừa thường gặp nhất. Nguyên nhân gây ra biến chứng này là vấn đề chăm sóc và vệ sinh vết mổ không đảm bảo khiến vi khuẩn có cơ hội xâm nhập gây nhiễm trùng.
– Chảy máu kéo dài: Hiện tượng chảy máu thường xảy ra tại vị trí manh tràng – cơ quan nối với ruột thừa. Tình trạng này khiến người bệnh đầy bụng, buồn nôn, đau quặn bụng hoặc đại tiện ra phân đen… Nếu không phát hiện và xử lý kịp thời, người bệnh có thể bị thiếu máu gây suy nhược cơ thể.
– Tắc nghẽn ruột tạm thời: Khi ruột thừa bị cắt bỏ, các mô quanh manh tràng có thể bị phát triển quá mức gây tắc nghẽn ruột tạm thời. Thức ăn và phân bị ứ đọng. Người bệnh sẽ thấy bụng đau và bị phình to, không thể đi đại tiện.
– Gây tổn thương cơ quan lân cận: Trong quá trình mổ cắt bỏ ruột thừa, một số cơ quan như ruột non và ruột già có thể bị ảnh hưởng và tổn thương.
– Áp xe ổ bụng: Đây là biến chứng nguy hiểm nhất sau phẫu thuật. Biến chứng này thường bắt đầu tại vị trí ruột thừa bị cắt bỏ. Áp xe có thể khu trú ở phạm vi nhỏ nhưng cũng có thể lây lan ra toàn bộ ổ bụng. Khi bị áp xe, người bệnh bị sốt cao, ớn lạnh, nôn, đau quặn bụng… Nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
5. Chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật
Thời gian hồi phục sau mổ cắt ruột thừa phụ thuộc rất lớn vào chế độ chăm sóc hậu phẫu. Do đó người bệnh cần lưu ý:
5.1. Chăm sóc vết mổ
– Sử dụng thuốc giảm đau và kháng sinh theo đúng chỉ định của bác sĩ.
– Vệ sinh vết mổ nhẹ nhàng, sạch sẽ và đúng cách. Tránh làm ướt vết mổ và có thể để vết mổ tiếp xúc với không khí cho nhanh se bề mặt.
– Không tắm bồn và tham gia các hoạt động dưới nước trong tháng sau phẫu thuật cho tới khi vết mổ lành hẳn.
– Tuần đầu tiên sau phẫu thuật, người bệnh nên vận động nhẹ nhàng; không mang vác vật nặng hoặc tham gia các hoạt động gắng sức.
– Mặc quần thoải mái, tránh mặc đồ bó sát vì có thể gây kích ứng da quanh vị trí vết mổ.
– Vận động nhẹ nhàng như leo cầu thang, đi bộ…để máu lưu thông tốt hơn.
– Không lái xe cho đến lần tái khám đầu tiên sau phẫu thuật.
– Tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị về thời điểm quan hệ tình dục sau phẫu thuật.
5.2. Chế độ ăn uống
– Ăn các nhóm thức ăn mềm, dễ tiêu để ổn định hệ tiêu hóa, giảm bớt gánh nặng làm việc cho hệ tiêu hóa.
– Bổ sung các thực phẩm giàu beta – carotene như cà rốt, bắp cải, khoai lang…. Bởi đây là tiền chất của Vitamin A có tác dụng lớn đối với người mệt mỏi, người mới ốm dậy.
– Bổ sung nhóm thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây, ngũ cốc…để cung cấp các vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
– Tăng cường sử dụng các loại cá biển giàu omega -3 và protein để hỗ trợ cho quá trình phục hồi của cơ thể;
– Uống đủ nước mỗi ngày để tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa, hạn chế táo bón.
– Không ăn các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, thực phẩm cay nóng, lên men để tránh làm nhiễm trùng vết mổ.
– Không uống rượu bia, hút thuốc lá… để tránh làm ảnh hưởng đến quá trình hồi phục vết thương.
5.3. Khi nào cần gặp bác sĩ?
Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi có các triệu chứng sau mổ dưới đây:
– Vết mổ sưng đỏ quá mức, bị chảy dịch hoặc bị hở miệng.
– Chảy máu vết mổ kéo dài sau phẫu thuật.
– Sốt cao trên 38°C hoặc ớn lạnh, cơ thể đổ nhiều mồ hôi.
– Nhịp tim tăng cao, đau ngực và khó thở đột ngột.
– Đau bụng, bụng phình to, buồn nôn và nôn.
– Chân bị sưng và đau bắp chân.
– Tiêu chảy hoặc táo bón.
– Bí tiểu.
Phẫu thuật cắt ruột thừa là bệnh cấp cứu ngoại khoa phổ biến. Phương pháp này thường được áp dụng khi người bệnh bị viêm ruột thừa cấp hoặc người muốn hạn chế nguy cơ xảy ra viêm nhiễm tại cơ quan này. Mổ cắt ruột thừa có thể gây ra các biến chứng tiềm ẩn. Do đó, người bệnh nên lựa chọn điều trị tại các cơ sở chuyên khoa uy tín và cần tái khám sau khoảng 2 tuần kể từ khi xuất viện để được thăm khám và hỗ trợ tốt nhất.