Số người người mắc bệnh tình dục lây qua đường miệng đang ngày càng gia tăng tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Vì thế việc hiểu rõ về bệnh và cách điều trị là vô cùng quan trọng. Trong bài viết dưới đây chúng tôi sẽ giúp bạn tìm hiểu về các bệnh tình dục lây qua đường miệng và phương pháp điều trị các bệnh lây qua đường miệng này. Cùng tìm hiểu nhé!
Menu xem nhanh:
1. ‘Chuyện ấy’ bằng miệng và nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường miệng
Quan hệ tình dục bằng miệng được hiểu đơn giản là việc sử dụng miệng, môi, hoặc lưỡi để kích thích các vùng nhạy cảm trên bộ phận sinh dục hoặc hậu môn của đối tác.
Quan hệ tình dục bằng miệng hiện nay đã trở thành một hình thức hoạt động tình dục phổ biến. Khảo sát cho thấy có hơn 85% người trưởng thành trong độ tuổi 18 – 44 đã trải qua ít nhất một lần quan hệ bằng miệng với bạn tình. Một cuộc khảo sát khác được thực hiện từ năm 2011 đến năm 2015 ở độ tuổi thanh thiếu niên từ 15 -19 tuổi, có 41% người thừa nhận đã có quan hệ tình dục bằng miệng.
Quan hệ tình dục bằng miệng có khả năng lây truyền các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và nhiễm trùng khác. Bất kỳ người nào tiếp xúc với bạn tình mắc bệnh cũng có thể bị nhiễm bệnh ở miệng, cổ họng, bộ phận sinh dục hoặc trực tràng. Nguy cơ mắc bệnh phụ thuộc vào loại bệnh, loại quan hệ tình dục và số lần thực hiện hành vi này. Bệnh tình dục có thể lây lan ngay cả khi không có triệu chứng, điều này làm tăng nguy cơ lan truyền bệnh.
2. Các bệnh lây truyền qua đường miệng phổ biến và cách điều trị
2.1. Bệnh lậu
Không phải lúc nào bệnh lậu cũng xuất hiện dấu hiệu rõ ràng. Những triệu chứng thường gặp có thể bao gồm đau họng nếu bệnh xuất hiện ở miệng hoặc cảm giác bỏng rát khi đi tiểu, tiết dịch bất thường từ âm đạo, dương vật, hoặc trực tràng – hậu môn, tinh hoàn sưng đau, đau trực tràng.
Điều trị: Bệnh lậu thường có thể điều trị bằng kháng sinh, tuy nhiên, hiện nay đã xuất hiện tình trạng lậu kháng thuốc. Trong trường hợp vẫn còn triệu chứng sau khi điều trị, bệnh nhân cần đi khám lại để đảm bảo điều trị hiệu quả.
2.2. Chlamydia
Triệu chứng của Chlamydia thường không xuất hiện rõ ràng. Khi Chlamydia xuất hiện ở họng, có thể gây đau họng. Khi Chlamydia xuất hiện ở bộ phận sinh dục hay trực tràng – hậu môn, các triệu chứng có thể bao gồm dịch tiết bất thường như máu từ âm đạo, dương vật, hoặc trực tràng – hậu môn, khi đi tiểu có cảm giác bỏng rát, đau trực tràng, sưng đau tinh hoàn.
Điều trị: Chlamydia thường có thể điều trị bằng kháng sinh, và trong thời gian điều trị, bệnh nhân cần hạn chế quan hệ tình dục cho đến khi hoàn toàn khỏi bệnh.
2.3. Giang mai
Triệu chứng của giang mai thường không rõ ràng, đặc biệt là ở giai đoạn sớm. Giai đoạn 1 của giang mai thường xuất hiện vết săng giang mai, không đau, có màu đỏ thịt tươi, thường tồn tại từ 3 – 6 tuần. Giai đoạn 2 của giang mai có thể xuất hiện nhiều triệu chứng như phát ban rải rác, sưng đau hạch, sốt, đau họng, rụng tóc, đau đầu, sụt cân, đau cơ, mệt mỏi. Giai đoạn 3 của giang mai thường không có triệu chứng rõ ràng và diễn tiến trong nhiều năm. Giai đoạn 4 của giang mai, cần mất 10 – 30 năm để bệnh tiến triển tới giai đoạn 4. Giai đoạn này có thể gây tổn thương nội tạng, sụt giảm thị lực, giang mai thần kinh (đau đầu, khó cử động cơ thể, mất cảm giác, sa sút trí tuệ).
Điều trị: Điều trị giang mai thường sử dụng kháng sinh, đặc biệt là penicillin đường tiêm. Việc điều trị thực hiện càng sớm càng tốt để ngăn chặn các biến chứng và giảm nguy cơ lây nhiễm.
2.4. HPV
Người nhiễm HPV thường không có biểu hiện bên ngoài rõ ràng. Một số triệu chứng có thể xuất hiện bao gồm mụn cóc ở khoang miệng và họng hoặc khu vực sinh dục, hậu môn. Trong trường hợp mụn cóc ở miệng, họng, bệnh nhân có thể gặp khó khăn khi thở hoặc gặp khó khăn trong việc phát âm.
Điều trị: Mụn cóc sinh dục có thể được điều trị hoặc loại bỏ bằng thuốc hoặc phẫu thuật, tuy nhiên, virus HPV thì không thể loại trừ hoàn toàn khỏi cơ thể.
2.5. Herpes
Thường khi mắc herpes, người bệnh không có biểu hiện bên ngoài rõ ràng hoặc chỉ thấy rất nhẹ. Các triệu chứng đầu tiên thường bao gồm đau ngứa và loét xung quanh khu vực sinh dục, trực tràng hoặc miệng. Những triệu chứng khác có thể bao gồm đau đầu, sốt, đau thân mình, sưng đau hạch.
Chẩn đoán và điều trị: Bác sĩ thường sẽ tiến hành xét nghiệm bệnh phẩm lấy từ chỗ loét hoặc thực hiện xét nghiệm máu để xác định nhiễm virus herpes. Hiện tại, bệnh Herpes chưa có phương pháp điều trị herpes hoàn toàn, người bệnh có thể sử dụng thuốc chống virus để giảm nhẹ triệu chứng. Uống thuốc hàng ngày cũng có thể giảm nguy cơ lây nhiễm
2. 6. Trichomoniasis
Người nhiễm trichomoniasis ở âm đạo hoặc dương vật có thể truyền sang người lành thông qua quan hệ tình dục bằng miệng. Người bị lây nhiễm sẽ bị mắc bệnh trichomoniasis ở vùng họng.
Chẩn đoán và điều trị: Bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán trichomoniasis. Bệnh này có thể được điều trị hoàn toàn bằng một liều kháng sinh duy nhất. Để ngăn chặn tái nhiễm, cần điều trị cả với đối tác tình dục.
2. 7. Virus viêm gan A
Virus viêm gan A chủ yếu lây truyền qua con đường phân – miệng. Do đó, quan hệ tình dục bằng đường miệng – hậu môn có thể là nguồn lây nhiễm.
Triệu chứng của viêm gan virus A thường bao gồm sốt, mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn, và các dấu hiệu như da và mắt màu vàng, nước tiểu sẫm màu, khó chịu hoặc đau vùng bụng.
Chẩn đoán và điều trị: Xét nghiệm máu được sử dụng để chẩn đoán bệnh. Hiện vẫn chưa có phác đồ điều trị đặc hiệu cho viêm gan virus A, bệnh nhân thường được khuyến nghị nghỉ ngơi từ 1-4 tuần và tránh quan hệ tình dục để ngăn chặn sự lây truyền.
2. 8. Virus viêm gan B
Viêm gan virus B có thể lây truyền qua tinh dịch hoặc dịch tiết âm đạo khi có quan hệ tình dục, bao gồm cả quan hệ bằng miệng.
Triệu chứng viêm gan B thường ít hoặc không có biểu hiện, một số người có thể trải qua các triệu chứng như nổi ban, đau cứng khớp, sốt, mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn, và các dấu hiệu như da và mắt màu vàng, nước tiểu sẫm màu, đau hoặc khó chịu vùng bụng.
Điều trị: Hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho viêm gan virus B. Đối với viêm gan B cấp tính, đa số bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau một khoảng thời gian. Đối với viêm gan B mạn tính, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để kiểm soát virus và hỗ trợ hệ miễn dịch.
2.9. HIV
HIV lây truyền qua quan hệ tình dục bằng miệng khi người thực hiện quan hệ bằng miệng có vết thương trong miệng.
Người nhiễm HIV giai đoạn đầu có thể không có biểu hiện rõ ràng. Triệu chứng có thể giống như bệnh cúm bao gồm sốt, đau cơ, đau họng, ớn lạnh, mệt mỏi, sưng đau hạch, và vã mồ hôi đêm.
Điều trị: Hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị hoàn toàn HIV, nhưng việc tuân thủ phác đồ điều trị có thể ngăn chặn sự phát triển của virus và ngăn ngừa lây truyền.
Trên đây là những thông tin về các bệnh lây qua đường miệng phổ biến, triệu chứng và cách điều trị, để được chẩn đoán chính xác bệnh và có phương án điều trị an toàn hiệu quả, bạn hãy liên hệ với Thu Cúc TCI để được thăm khám và tư vấn ngay nhé!