Hóc dị vật là tình huống khá phổ biến với trẻ em. Vì thế, các phương pháp chữa hóc dị vật cho trẻ luôn là điều mà nhiều người tìm kiếm. Trên hành trình đó, cũng không ít người lựa chọn cách chữa mẹo hay những cách làm không có căn cứ khoa học để thực hiện và dẫn đến những vấn đề bất lợi cho việc điều trị. Chính vì thế, đừng quên cập nhật những thông tin rất cần thiết này để có cách xử lý hóc dị vật đúng cách, kịp thời cho trẻ.
Menu xem nhanh:
1. Chữa hóc dị vật cho trẻ bằng nghiệm pháp Heimlich
Nghiệm pháp Heimlich là cách chữa hóc khá phổ biến hiện nay. Với cơ chế tác động lực vào cơ hoành và đẩy dị vật ra khỏi đường miệng, nghiệm pháp này cũng được các bác sĩ sử dụng rất thường xuyên trong cấp cứu hóc dị vật đường thở.
1.1. Đẩy dị vật hóc ở trẻ dưới 2 tuổi
Trẻ dưới hai tuổi cần được sử dụng phương pháp riêng, do các bé có hệ xương còn non nớt và hình thể cũng khác biệt, nhỏ hơn so với các đối tượng khác. Với các bé dưới 2 tuổi, bên cạnh việc gọi cấp cứu hỗ trợ trẻ, người lớn cần thực hiện cách vỗ lưng – ấn ngực cho trẻ.
Trước tiên, hãy đặt trẻ trên cánh tay trái của người hỗ trợ với tư thế trẻ úp mặt xuống, lòng bàn tay và ngón tay người đỡ trẻ ở khu vực gần đầu trẻ để trẻ không bị đau hay khó chịu. Lúc này tư thế của trẻ hơi cúi xuống so với thông thường. Khi đó, người sơ cứu hãy dùng gót bàn tay vỗ vừa sức vào lưng trẻ – nơi giữa 2 bả vai trẻ. Thực hiện vỗ lưng như thế khoảng 5 lần với sự dứt khoát và có nhịp nghỉ giữa những lần vỗ lưng trẻ. Sau đó, hãy kiểm tra xem dị vật đã được nong ra và đẩy lên miệng trẻ chưa.
Nếu dị vật chưa được lấy ra, hãy thực hiện tiếp phương pháp ấn ngực bằng cách dùng tay phải đỡ trẻ và để trẻ ở tư thế ngửa trên tay người sơ cứu. Khi này, hãy dùng 2 ngón tay (ngón trỏ và ngón giữa) và ấn vào vùng dưới 2 xương ức của trẻ. Hướng ấn theo chiều từ dưới lên và từ ngoài vào để đẩy dị vật khỏi cơ thể trẻ. Thực hiện thao tác này khoảng 5 lần và kiểm tra tình trạng dị vật có bị đẩy lên trên miệng trẻ không để lấy ra.
1.2. Cách đẩy dị vật hóc ở trẻ trên 2 tuổi
Trẻ trên 2 tuổi và người lớn có thể áp dụng nghiệm pháp Heimlich để đẩy dị vật. Theo đó, người hỗ trợ ở sau lưng trẻ bị hóc và ở tư thế ôm lấy bụng trẻ. Lúc này, người hỗ trợ nắm tay mình thành nắm đấm và để ở vị trí cơ hoành, dưới xương sườn và trên rốn trẻ bị hóc. Sau đó, hãy tác động lực ở nắm tay theo chiều từ ngoài vào và từ dưới lên với trẻ. Thực hiện thao tác này khoảng 10 lần và kiểm tra xem trẻ đã được đẩy dị vật ra chưa.
Với tình huống trẻ bị ngất, hãy đặt trẻ nằm xuống và áp dụng lực lên cơ hoành của trẻ để đẩy dị vật lên.
Cũng cần lưu ý rằng, việc tự thực hiện các phương pháp này có thể không hiệu quả, do chúng ta không biết thực hiện kỹ thuật đúng cách cũng như cách tác dụng lực phù hợp. Do đó, khi không thực hiện được việc đẩy di vật cho trẻ, cần sớm nhờ đến các cơ sở y khoa Tai Mũi Họng phù hợp, tránh để dị vật để lâu trong cổ họng lâu ngày làm đau và nguy hiểm cho cổ họng.
2. Gắp dị vật gây hóc cho trẻ
Gắp dị vật cho trẻ sẽ tùy theo từng mức độ mà có những hình thức khác nhau. Nếu có thể soi họng và nhìn thấy được mảnh dị vật trong họng trên trẻ, có thể thực hiện việc gắp dị vật tại chỗ cho trẻ. Khi đó, cần sử dụng các dụng cụ phù hợp như đèn pin, kẹp y tế để lấy dị vật an toàn. Bên cạnh đó, nếu không có kinh nghiệm và dụng cụ để gắp dị vật cho trẻ, hãy sớm đưa trẻ đến các cơ quan tế để được hỗ trợ đúng cách, tránh tình trạng cố thực hiện và làm tổn thương trẻ hơn.
Trong các tình huống khác, nội soi gắp dị vật là phương pháp tiêu chuẩn để gắp dị vật đường thở. Thuốc xịt lidocain dùng tại chỗ giúp gây tê cho thanh quản. Sau đó ống nội soi sẽ dò đường quan sát khu vực thanh quản và phế quản. Các bác sĩ sẽ thông qua ống nội soi để xác định và xử lý dị vật họng cho trẻ.
Một số tình huống đặc biệt, dị vật đâm vào phổi hoặc gây tình huống hoại tử, áp xe, trẻ có thể được chỉ định phẫu thuật.
3. Những sai lầm trong việc thực hiện chữa hóc cho trẻ mà cha mẹ hay mắc phải
Khi con bị hóc dị vật, nhiều cha mẹ có thể sẽ nóng vội, mất bình tĩnh, lo lắng mà gây ra những sai lầm khi xử lý hóc dị vật cho con. Cha mẹ và người lớn nên bình tĩnh và tránh thực hiện những điều sau:
– Tự dùng tay để móc dị vật trong họng cho trẻ. Điều này có khả năng khiến họng trẻ bị tổn thương và đẩy dị vật vào sâu bên trong, khiến việc lấy dị vật sau này khó khăn hơn.
– Cố cho trẻ ăn, uống để nuốt dị vật vào trong. Điều này có thể khiến trẻ càng đau hơn. Thêm nữa, dị vật có thể rơi xuống khu vực phổi, gây viêm nhiễm, áp xe, bít tắc đường thở. Điều này không những khiến trẻ có nguy cơ đối mặt với các bệnh lý như viêm phổi, viêm phế quản, xẹp phổi,… mà còn có thể khiến trẻ bị khó thở, tắc thở, thậm chí là tử vong nếu không được sơ cứu kịp thời.
– Không cho trẻ đi khám bác sĩ sau khi tình huống hóc của trẻ dịu lại. Điều này có thể là dị vật đã rơi xuống các vùng khác và ẩn chứa các nguy cơ tương ứng. Thêm nữa, cha mẹ cũng cần chú ý việc trẻ có thể bị sót dị vật ngay cả khi đã có dị vật được lấy ra. Bất cứ tình huống nuốt dị vật nào cũng có thể trở thành mối nguy hiểm lâu dài cho trẻ.
– Sử dụng các phương pháp dân gian để chữa hóc cho con. Điều này không những không có cơ sở khoa học, mà còn khiến niêm mạc họng của con có thể tổn thương nhiều hơn.
4. Cha mẹ cần phòng tránh hóc dị vật cho trẻ như thế nào?
Để tránh những nguy hiểm và tổn thương với trẻ từ tình huống hóc dị vật, cha mẹ và người lớn nên phòng tránh tai nạn này ngay từ hôm nay.
– Cha mẹ nên nhắc nhở, không để trẻ vừa ăn vừa cười đùa.
– Với trẻ nhỏ, nên cẩn trọng không để trẻ cầm nắm, tiếp xúc hay cho các vật nhỏ vào miệng.
– Trong chế biến, nên chế biến thực phẩm ở dạng lỏng, dễ nhận biết dị vật với các bé sơ sinh. Cha mẹ cũng nên kiểm tra đồ ăn của con xem liệu có an toàn, không có dị vật không trước khi cho con ăn.
– Giáo dục cho trẻ biết tầm nguy hiểm của vấn đề hóc để trẻ ý thức và tự phòng ngừa.
– Kiểm tra vấn đề mũi họng của con, tránh việc trẻ nô đùa hoặc tai nạn gây ra tình trạng dị vật bỏ quên.
– Đưa trẻ đi khám khi nghi ngờ hóc dị vật.
Cha mẹ cần nhớ, khi thấy con có biểu hiện hóc, cần phương pháp chữa hóc dị vật cho trẻ nhanh chóng và hợp lý nhất. Tốt nhất, hãy sớm đưa trẻ đến các cơ sở y khoa để thăm khám, điều trị phù hợp, đảm bảo trẻ không bỏ sót dị vật hay phải đối mặt với những biến chứng mà dị vật họng gây nên.