Chế độ ăn lành mạnh đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện và duy trì một sức khỏe tốt giúp chống lại các nguy cơ bệnh tật. Đặc biệt, để phòng tai biến đột quỵ bạn càng cần quan tâm và tuân thủ các nguyên tắc ăn uống đúng cách.
Menu xem nhanh:
1. Đột quỵ có thể gặp phải ở đối tượng nào?
Đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não) gặp phải khi lưu lượng máu đến não bị cắt, giảm, gián đoạn đột ngột. Khi đó, các tế bào não sẽ bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng thiết yếu. Điều này gây ra tổn thương tế bào não khiến các tế bào não bắt đầu chết dần trong vòng vài phút và gây ra hậu quả khôn lường, có tỷ lệ gây tử vong cao.
Đột quỵ có thể gặp phải ở nhiều đối tượng trong đó nguy cơ cao xảy ra ở những người cao tuổi (từ 50 tuổi trở lên), người bệnh đái tháo đường, người bị huyết áp cao, người hút thuốc lá và người béo phì.
Ngoài ra, các yếu tố liên quan tới lối sống không lành mạnh cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đột quỵ ngày một trẻ hóa như: ăn uống thiếu khoa học, ít vận động thể lực, tỷ lệ béo phì tăng, lạm dụng bia rượu, hút thuốc lá, bị căng thẳng kéo dài,…
2. Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn phòng tai biến đột quỵ
Chế độ ăn lành mạnh là một phần quan trọng giúp bạn phòng chống đột quỵ hiệu quả. Hãy cùng tuân thủ đúng 6 nguyên tắc xây dựng chế độ ăn dưới đây.
2.1. Tăng lượng trái cây, rau củ để phòng tai biến đột quỵ
Tăng cường các loại trái cây, rau củ quả tươi, các loại hạt giúp bổ sung lượng lớn chất xơ, vitamin và chất chống oxy hóa tốt cho cơ thể. Đây là một cách để giảm lượng cholesterol, giảm chất béo “xấu” và natri nhưng vẫn giúp bạn no. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý về cách chế biến món ăn từ rau củ trái cây sao cho phù hợp để giữ nguyên thành phần dinh dưỡng, hạn chế món chiên rán hoặc kết hợp với các món mặn hay dùng gia vị mặn.
Bạn còn có thể vận dụng việc ăn trái cây, rau củ vào chế độ ăn kiêng với những người thừa cân giúp hạn chế chất béo chuyển hóa. Giảm cân và giữ thân hình cân đối là cách phòng bệnh và phòng ngừa gia tăng các nguy cơ gây đột quỵ.
2.2. Ăn thực phẩm giàu omega-3
Omega -3 là nhóm chất béo không bão hòa (loại chất béo lành mạnh) thường có trong cá, hạt lanh, dầu thực vật,… Loại chất béo này giúp làm tăng mức cholesterol “tốt”. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị, mỗi người nên ăn ít nhất hai khẩu phần cá béo mỗi tuần, có thể ưu tiên các loại cá như cá hồi, cá thu, cá mòi, cá trích. Lựa chọn thêm những thực phẩm như dầu ô liu, dầu hạt cải, vitamin và chất chống oxy hóa được khuyên dùng cũng rất có lợi để ngăn ngừa đột quỵ.
Với một số trường hợp đặc biệt, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có kế hoạch bổ sung omega-3 trong chế độ ăn uống hoặc qua việc sử dụng thực phẩm hỗ trợ sao cho phù hợp.
2.3. Tránh các thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao
Việc ăn nhiều thịt đỏ, nội tạng và đồ ăn chiên rán làm tăng nhanh hàm lượng cholesterol, theo đó tăng nguy cơ đột quỵ. Thay vào đó, hãy lựa chọn những dạng protein lành mạnh hơn từ hải sản, thịt nạc, thịt gia cầm, sữa tách béo, trứng, các loại đậu, hạt,… Bên cạnh đó hãy ưu tiên các cách chế biến không dầu mỡ như nướng, hấp, hầm, nấu cách thủy, luộc,…
Đặc biệt, với người bệnh có chỉ số cholesterol cao, mỡ máu cao cần nghiêm túc thực hiện chế độ ăn kiêng khem đúng theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.
2.4. Hạn chế uống rượu
Uống rượu sẽ làm tăng nhanh huyết áp. Huyết áp cao là yếu tố nguy cơ chính dẫn tới đột quỵ. Nếu bạn bắt buộc phải uống rượu, lưu ý cần cân nhắc không uống quá hai ly mỗi ngày đối với nam giới và không uống quá một ly mỗi ngày đối với nữ giới. Có thể chuyển sang dùng rượu vang đỏ vì các loại vang đỏ có đặc tính bảo vệ tim và não tốt hơn.
2.5. Giảm muối giúp phòng tai biến đột quỵ
Bạn cần thực hiện thói quen ăn giảm muối và uống nhiều nước. Điều quan trọng là phải xem xét và cân đối lượng natri ăn vào là bao nhiêu sao cho phù hợp. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị mỗi người ở độ tuổi trưởng thành chỉ nên tiêu thụ ít hơn 2g natri mỗi ngày, tương đương với 5g muối/ngày (khoảng một lượng ít hơn 1 thìa cà phê muối). Đối với những người mắc một số bệnh lý nhất định sẽ cần tiêu thụ ít hơn.
Tuy nhiên thì các món ăn nhiều muối (có nồng độ natri cao) là thường là các món ăn được nhiều người yêu thích như pizza, thịt chế biến sẵn, súp đóng hộp, bánh mì, bánh sandwich, nước sốt các loại, đồ ăn nhanh,…. Vì vậy, khi mua sắm, bạn cần đọc kỹ nhãn để đảm bảo tiêu thụ lượng natri ít nhất có thể. Trong nấu ăn hằng ngày nên chủ động giảm muốn dần đều, hãy thử thay muốn bằng các loại gia vị thảo mộc nhằm tăng hương vị tự nhiên của các món ăn mà không làm tăng lượng muối không tốt.
2.6. Ăn giảm lượng đường
Song song với việc hạn chế nhóm thức ăn nhiều chất béo hay cholesterol xấu, ăn giảm muối, để phòng bị đột quỵ chúng ta cũng nên cắt giảm lượng đường trong khẩu phần ăn hằng ngày một cách hợp lý. Lý do là khi tiêu thụ quá nhiều đường có thể làm gia tăng hàng loạt các nguy cơ gây đột quỵ như khiến bạn bị tăng huyết áp, tăng cân béo phì, tiểu đường loại 2, dễ bị rối loạn lipid máu,…. Ăn giảm ngọt bằng cách hạn chế các thực phẩm như bánh kem, bánh sữa, các loại đường tinh luyện, nước ngọt,…
Trên đây là những nguyên tắc xây dựng chế độ ăn lành mạnh giúp phòng tai biến đột quỵ hiệu quả. Hãy thực hiện và duy trì chế độ ăn khoa học, lựa chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe, hạn chế những thực phẩm không tốt, kiểm soát cân nặng cân đối để có một sức khỏe ổn định chống lại các nguy cơ bệnh tật.