Menu xem nhanh:
Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm trong những ngày Tết
Các bà nội trợ thường có xu hướng mua sắm nhiều thực phẩm để phục vụ dịp Tết. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân mà các thực phẩm bị biến chất… dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm:
Do bảo quản không đúng cách
Thức ăn bảo quản trong tủ lạnh quá lâu hoặc với nhiệt độ không phù hợp khiến thực phẩm bị nhiễm khuẩn, việc lưu trữ thức ăn lâu ngày hoặc thức ăn bị ôi thiu làm thực phẩm bị biến chất, phát sinh ra các chất độc… làm tăng cao nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Do thực phẩm không rõ nguồn gốc
Thực phẩm được nuôi trồng, chế biến tại các khu vực mà nguồn nước, đất bị ô nhiễm; do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; do phụ gia thực phẩm… cũng gây ra ngộ độc cho người ăn phải những thức ăn này.
Do ăn phải những thực phẩm có sẵn chất độc
Khi ăn phải các thực phẩm có sẵn chất độc rất có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc như: Cá nóc, mật cá trắm, nấm độc, khoai tây mọc mầm…
Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong những ngày Tết
Để ngộ độc thực phẩm không xảy ra và gây ra nhiều nguy hiểm cho sức khỏe cần chú ý phòng ngừa ngộ độc thực phẩm:
Giữ gìn vệ sinh
Tạo thói quen rửa tay trước và sau khi ăn, đồng thời trước và sau khi chế biến thức ăn cũng phải rửa tay sạch sẽ.
Mua thực phẩm nơi đáng tin cậy
Nên chọn mua thực phẩm ở những nơi có uy tín và bảo quản hợp vệ sinh, chọn thực phẩm còn tươi: chọn thịt tươi, không có mùi lạ, mùi ôi thiu; chọn cá vẫn còn sống; các loại rau nên chọn mua tại nơi uy tín, hoa quả tươi, phải đúng mùa vụ, còn cuống và lá xanh.
Nếu mua thực phẩm chế biến sẵn, nên chọn những nơi có uy tín, chọn mua đồ hộp cần chú ý hạn sử dụng, nơi sản xuất, nhà phân phối, thành phần…
Ăn chín uống sôi
Nhiều gia đình có thói quen ăn lẩu dịp Tết, tuy nhiên, không nên ăn thức ăn như thịt, hải sản, rau xanh còn chưa chín, vì như vậy sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, nhiễm khuẩn hoặc giun sán.
Tốt nhất nên ăn chín uống sôi, khi chế biến phải lưu ý không để thức ăn sống lẫn với thức ăn chín, không dùng chung dụng cụ (dao, thớt…) cho thức ăn sống và chín.
Bảo quản thực phẩm đúng cách
Thức ăn sau khi nấu nên ăn ngay, không để quá 2 tiếng. Nếu để lâu hơn có thể bảo quản thức ăn trong tủ lạnh, tuy nhiên không được để quá lâu trong tủ lạnh và phải hâm kỹ lại trước khi ăn.
Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ phù hợp. Thịt, cá tươi nên rửa sạch cất vào ngăn đông, chia thành nhiều phần đủ cho một bữa ăn, nhằm tránh tình trạng lấy thực phẩm ra rã đông rồi lại cất trở lại.
Vệ sinh tủ lạnh thường xuyên để tránh vi khuẩn trú ngụ, sinh sôi.
xử trí khi bị ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm thường có biểu hiện: buồn nôn, nôn, tiểu chảy, đau bụng quằn quại, nhức đầu, có thể sốt hoặc không… xảy ra vài phút, vài giờ, thậm chí một ngày sau khi ăn.
Khi bệnh nhân có những biểu hiện trên cần tiến hành sơ cứu sớm:
Trường hợp nhẹ, bệnh nhân còn tỉnh táo
Gây nôn để tống thức ăn bị nhiễm độc ra ngoài bằng cách cho bệnh nhân uống nhiều nước và “móc họng”. Sau khi gây nôn thì cho người bệnh nằm nghỉ, có thể dùng thuốc điện giải pha nước để bù lại lượng nước đã mất do bệnh nhân. Không nên dùng thuốc cầm tiểu chảy vì làm chậm việc đào thải độc tố ra khỏi cơ thể.
Người bệnh bị hôn mê
Với bệnh nhân hôn mê hoặc ngưng thở cần hà hơi thổi ngạt và ấn tim. Sau đó, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được xử lý kịp thời.
Nếu thắc mắc về ngộ độc thực phẩm bạn có thể đặt lịch khám tại Thu Cúc hoặc liên hệ 1900 55 88 92 để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất. Hệ thống y tế Thu Cúc làm việc tất cả các ngày trong tuần kể cả ngày lễ, Tết.
Chúc các bạn một năm mới bình an và nhiều sức khỏe!