Phòng ngừa các bệnh đường tiêu hóa bằng cách kết hợp chế độ ăn uống, chế độ sinh hoạt và lối sống. Tránh các thói quen và thực phẩm có ảnh hưởng không tốt tới hệ tiêu hóa.
Menu xem nhanh:
1. Thực trạng phòng ngừa các bệnh đường tiêu hóa ở nước ta
Bất kỳ ai cũng có thể mắc phải các bệnh về đường tiêu hóa, đặc biệt trong thời tiết mùa hè tại nước có khí hậu nhiệt đới như ở Việt Nam. Vì vậy, việc phòng ngừa các bệnh đường tiêu hóa luôn được quan tâm và đề cao hàng đầu. Với mục đích tuyên truyền cho tất cả mọi người có được các phòng bị tốt nhất cho những căn bệnh dễ mắc phải này.
Trong các căn bệnh đường tiêu hóa dễ mắc phải, phải kể đến loét dạ dày, hành tá tràng, viêm loét đại tràng, trào ngược dạ dày – thực quản… là những căn bệnh phổ biến. Bệnh tiêu hóa gây ra nhiều sự khó chịu cho người bệnh. Gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Quan trọng hơn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời rất dễ gây biến chứng tiêu hóa. Có thể kể đến như thủng dạ dày, xuất huyết dạ dày hay đặc biệt nghiêm trọng là ung thư.
2. Cách phòng ngừa các bệnh đường tiêu hóa hiệu quả
Để có thể phòng ngừa các bệnh này, cần thực hiện theo một số phương pháp sau:
2.1 Chế độ dinh dưỡng góp phần phòng ngừa các bệnh đường tiêu hóa
Để phòng ngừa các bệnh đường tiêu hóa nói chung, phương pháp tốt nhất là rèn luyện cho mình một chế độ ăn, uống hợp lý kết hợp với vận động cơ thể và có đời sống tinh thần thật thoải mái.
Trong các bữa ăn nên ăn nhiều các loại rau củ quả, hoa quả có nhiều chất xơ có lợi cho đường ruột. Những người đã bị táo bón thì nên ăn thêm khoai lang, canh rau mồng tơi, rau đay…Đồng thời hạn chế chất béo và gia vị. Các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo hoặc gia vị cay, nóng sẽ khó tiêu hóa và dễ gây đau dạ dày, trào ngược, ợ chua.
2.2 Thay đổi thói quen ăn uống
Một số thói quen ăn uống tốt được các chuyên gia hàng đầu khuyến nghị là: Ăn chậm, nhai kỹ giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Đặc biệt giảm thiểu áp lực lên dạ dày. Hạn chế ăn quá nhiều trong mỗi bữa ăn, có thể chia thành 4-5 bữa nhỏ trong ngày giúp hệ tiêu hóa không bị quá tải và làm việc kém hiệu quả.
Nên tránh nằm ngay sau khi ăn. Thói quen này có thể làm tăng nguy cơ bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Nên ăn tối ít nhất 2-3 tiếng trước khi đi ngủ. Không ăn quá no trước khi đi ngủ.
2.3 Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Theo các chuyên gia đầu ngành về tiêu hóa, việc có nhiều người mắc các bệnh về tiêu hóa chính là do môi trường bị ô nhiễm nặng, vệ sinh ăn uống không tốt. Mầm bệnh có thể xâm nhập từ môi trường, gây tổn thương hệ tiêu hóa qua thức ăn, nước uống.
Vi khuẩn HP có thể lây truyền qua thức ăn và nguồn nước, tăng nguy cơ dẫn tới viêm loét dạ dày, tá tràng hoặc thậm chí là ung thư dạ dày. Nên vệ sinh dụng cụ cẩn thận trước khi chế biến. Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, đổ rác, trước khi ăn. Tránh để đồ ăn và vật dụng ăn tiếp xúc với vật nuôi.
2.4 Hạn chế các thói quen có hại
Ngăn chặn các yếu tố gây loét viêm bằng cách hạn chế sử dụng rượu, thuốc lá, cà phê,… Uống nhiều đồ uống có cồn gây cản trở tiêu hóa và gây các vấn đề ở đường ruột. Uống rượu bia còn dễ gây tiêu chảy, chướng bụng, đau bụng, đầy hơi, có thể dẫn tới ung thư tại một số bộ phận tiêu hóa. Hút thuốc có thể gây ợ chua, loét dạ dày, trào ngược axit dạ dày.
2.5 Chế độ vận động phòng ngừa các bệnh đường tiêu hóa
Bên cạnh đó, cần có một chế độ vận động cơ thể hàng ngày, đều đặn, nhẹ nhàng, không nên ngồi một chỗ trong nhiều giờ. Các hoạt động về tinh thần cũng rất quan trọng góp phần phòng tránh các bệnh đường tiêu hóa như đọc sách báo, xem tv, …
Tập thể dục có thể duy trì sức khỏe đường tiêu hóa. Một số hoạt động như tập thể dục, yoga, thiền… sẽ giúp kiểm soát căng thẳng và ngăn ngừa các bệnh lý đường tiêu hóa.
2.6 Tránh tình trạng căng thẳng, stress quá độ
Stress có thể gây ra nhiều vấn đề trên đường tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy, táo bón, co thắt thực quản… Trong những trường hợp nghiêm trọng, căng thẳng có thể làm giảm lưu lượng máu và oxy đến đường tiêu hóa, dẫn đến co thắt, viêm. Ngoài ra còn có khả năng gây mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột. Điều này làm trầm trọng thêm các bệnh lý đường tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích, viêm ruột, loét dạ dày, trào ngược dạ dày, thực quản…
2.7 Bổ sung probiotic để phòng ngừa các bệnh đường tiêu hóa
Men vi sinh (Probiotic) là những chủng vi khuẩn trong đường tiêu hóa, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Các vi sinh vật có lợi có ích trong việc phân giải lactose, tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch. Cải thiện khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể. Một số thực phẩm là nguồn cung cấp probiotic tự nhiên như sữa chua, phô mai, kombucha,… rất tốt cho sức khỏe.
2.8 Thận trọng khi sử dụng thuốc
tác dụng phụ của một số loại thuốc, bao gồm cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn, có khả năng ảnh hưởng đến đường tiêu hóa. Vì vậy để phòng ngừa các bệnh đường tiêu hóa, người bệnh cần thận trọng khi dùng bất cứ loại thuốc nào.
Không được tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định. Cần thông báo cho bác sĩ ngay khi xuất hiện các tác dụng phụ của thuốc. Người có nguy cơ vấn đề về tiêu hóa cũng cần thận trọng, hạn chế dùng thực phẩm chức năng khi không cần thiết.
Khi xuất hiện các biểu hiện của bệnh cần đi khám sớm ở các chuyên khoa tiêu hóa tại những cơ sở y tế uy tín. Người bệnh không nên tự mua thuốc điều trị hoặc uống không đúng đơn của bác sĩ để tránh tình trạng bệnh nặng hơn, tái đi, tái lại hoặc kháng thuốc. Quan trọng hơn, cần có giải pháp cho việc phát hiện bệnh sớm, chẩn đoán kịp thời nhằm giúp cho việc trị bệnh đạt hiệu quả.