Người cao tuổi (NCT) do hệ miễn dịch suy giảm nên dễ nhiễm bệnh hơn khi thời tiết giao mùa. Dùng thuốc có thể gây ra tác dụng phụ. Phòng bệnh và áp dụng các phương pháp điều trị không dùng thuốc được ưu tiên hàng đầu trong việc bảo vệ sức khỏe NCT.
Menu xem nhanh:
Phòng bệnh – cách gì?
Các biện pháp phòng bệnh bao gồm tăng cường cơ chế miễn dịch bằng chất chống oxy hóa, chẳng hạn dùng thuốc bổ sung dinh dưỡng với thành phần beta caroten, vitamin C, vitamin E, sélénium, kẽm. Tăng cường rau quả chứa nhiều vitamin C như cam, chanh, bưởi, cà chua, quýt, su hào, xà lách, giá đậu… nhằm làm tăng sức đề kháng của cơ thể, chống lại tình trạng dễ bị các virus (nhất là nhóm Rhinovirus) và vi khuẩn xâm nhập, gây cảm và các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp.
NCT cần tránh để cơ thể bị lạnh đột ngột bằng cách giữ ấm khi thời tiết chuyển lạnh, lau khô và làm ấm cơ thể khi bị mắc mưa, ăn các thực phẩm giàu năng lượng khi trời trở lạnh để duy trì cân bằng thân nhiệt. Một điều cần thiết khác là giữ giấc ngủ yên trong đêm vì việc thường xuyên mất ngủ (thường gặp ở NCT) sẽ làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể. Có thể đi bộ thong thả 20-30 phút lúc chiều tối, tắm nước ấm để tạo thư giãn khi đi ngủ, uống một ly sữa ấm trước lúc lên giường để khỏi hạ đường huyết trong đêm, gây rối loạn giấc ngủ. Nên ăn nhiều khoai, củ, bí, bầu, mướp, mướp đắng, mồng tơi, rau ngót, rau muống, xà lách. Những thực phẩm này giúp cơ thể hấp thu tryptophan, một amino acid có lợi cho giấc ngủ. Ngược lại, ăn nhiều thịt, cá có nhiều tyrosin sẽ gây hưng phấn dẫn đến khó ngủ…
Giải cảm không dùng thuốc
Xông: nguyên liệu thường dùng là lá hương nhu tía, chanh, bưởi, sả, kinh giới, tía tô, gừng, lá lốt… Các loại lá trên thường chứa tinh dầu có các hoạt chất như eugenol, limonen, phellandren…, giúp sát khuẩn đường hô hấp khi bốc hơi do đun nóng. Cho các lá vào nồi, đổ nước ngập, đậy kín, đun sôi. Sau đó mang ra, trùm chăn kín, mở nắp nồi từ từ cho hơi nước chứa tinh dầu bốc lên, hít thở thật sâu và chậm để sát khuẩn đường hô hấp và giúp mồ hôi toát ra. Tuy nhiên, những người có thể trạng yếu hoặc quá ốm, bị mất nước nhiều thì không nên xông.
Gừng: chứa tinh dầu diệt nấm, diệt khuẩn, hiệu quả với các chứng viêm nhiễm đường hô hấp, viêm họng nên thường được dùng để trừ cảm lạnh dưới dạng trà gừng nóng, cháo gừng. Mứt gừng, gừng muối có tác dụng ôn dương (làm ấm), tán hàn (chống lạnh), tiêu đàm. Gừng thường được nấu canh ăn giải cảm với hành 15 g, gừng tươi 6 g, lá tía tô 6 g hoặc gừng tươi 10 g xắt lát, cải bẹ xanh 500 g xắt đoạn. Nấu với nước, sắc 4 chén thành 2 chén, thêm muối vừa miệng, uống làm hai lần. Cũng có thể lấy giấm 500 ml, gừng tươi và tỏi lớn mỗi thứ 100 g rửa sạch, xắt lát ngâm trong giấm, đậy kín trong 30 ngày. Khi bị cảm dùng thức ăn kèm với 2 muỗng cà phê 10 ml giấm ngâm gừng tỏi.
Tỏi: chất kháng sinh Allicin trong tỏi có tính kháng khuẩn, trị các bệnh nhiễm khuẩn, lại có tính tiêu đàm nên được dùng để trị các bệnh đường hô hấp thường gặp khi bị cảm như viêm họng, viêm phế quản. Canh hành, tỏi, gừng ăn nóng giúp toát mồ hôi, giải cảm.
Hành: làm lợi ngũ tạng, giúp tăng cường hệ miễn dịch chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn đường hô hấp, tham gia quá trình thành lập testosteron và giúp ăn ngon. Riêng hành tây chứa các men tiêu hóa chất đường và lượng vitamin C lớn (đáp ứng được 20% nhu cầu mỗi ngày) cùng một lượng canxi đáng kể. Vì thế, hành thường được dùng phối hợp để giải cảm.
Theo suckhoedoisong