Tụt lợi là vấn đề răng miệng tương đối phổ biến. Tụt lợi không nguy hiểm nhưng gây mất thẩm mỹ và khó chịu cho bệnh nhân. Rất may mắn, với trình độ y học ở thời điểm hiện tại, xử lý vấn đề này không có gì là khó. Bài viết này giới thiệu với bạn các phương pháp phẫu thuật tụt lợi hiệu quả và phổ biến nhất thời gian này. Nếu đây là vấn đề bạn đang quan tâm, đừng bỏ qua bạn nhé!
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về tụt lợi
1.1. Khái niệm tụt lợi
Lợi là tổ chức mô màu hồng bao phủ xương hàm và chân răng . Khi bị tác động bởi một tác nhân tiêu cực nào đó, lợi có thể bị teo lại, làm lộ ra chân răng. Tình trạng này của lợi gọi là tụt lợi. Tình trạng tụt lợi xuất hiện phổ biến hơn cả ở vùng răng cửa và răng nanh. Và bất cứ ai cũng có thể gặp phải vấn đề này.
Có 2 dạng tụt lợi:
– Tụt lợi hàm trên: Dễ phát hiện hơn trong 2 dạng vì dạng này đặc biệt gây mất thẩm mỹ, có thể quan sát một phần chân răng lộ ra vô cùng rõ ràng do lợi cơ cao.
– Tụt lợi hàm dưới: Cũng làm chân răng lộ ra rõ ràng. Tuy nhiên, hàm dưới có môi che lấp nên tình trạng tụt lợi ở hàm này khó phát hiện hơn.
1.2. Dấu hiệu nhận biết tụt lợi
Ngoài lộ chân răng, chúng ta còn có thể nhận biết tụt lợi thông qua các dấu hiệu sau: Lợi sưng, đỏ, tức, dễ chảy máu khi vệ sinh răng miệng bằng bàn chải hoặc tăm, có thể xuất hiện hiện tượng chảy mủ hoặc máu khi ấn vào; răng ê buốt hoặc lung lay khi ăn nhai; hôi miệng.
1.3. Nguyên nhân tụt lợi
Bản thân tụt lợi không phải là một bệnh lý, nó chỉ là hệ quả của các bệnh lý răng miệng sau:
– Cao răng: Là tổ hợp lắng cứng, lắng mềm, vi khuẩn, tế bào chết biểu mô, lắng sắt trong huyết thanh. Trong đó, lắng cứng bao gồm các muối vô cơ: Canxi carbonat và phosphate và lắng mềm bao gồm mảnh vụn thức ăn và các khoáng chất trong khoang miệng.
– Viêm lợi: Do mảng bám hoặc vi khuẩn, virus, nấm gây viêm trực tiếp tấn công lợi
– Viêm nha chu: Biến chứng của viêm lợi. Viêm nha chu không chỉ gây tụt lợi mà còn làm tiêu xương ổ răng, tiêu xương hàm, mất răng, mất xương hàm,…
Ngoài ra, tụt lợi còn là hệ quả của một hoặc một vài tác nhân sau:
– Vệ sinh răng miệng sai cách: Hơn cả cao răng, viêm lợi, viêm nha chu, đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây tụt lợi. Cụ thể, vệ sinh răng miệng sai cách ở đây có thể là: Sử dụng bàn chải cứng hoặc sử dụng kỹ thuật đánh răng lệch lạc.
– Thay đổi nội tiết tố: Dậy thì, mang thai, mãn kinh – đều có thể khiến chúng ta bị tụt lợi.
– Gen: Theo nhiều nghiên cứu y khoa, có đến 30% dân số mang gen răng miệng nhạy cảm, dễ mắc các vấn đề về lợi, trong đó có tụt lợi.
– Bẩm sinh: Một số trường hợp tụt lợi là do thiếu tế bào biểu bì quanh chân răng.
– Ảnh hưởng của các phương pháp thẩm mỹ: Như tẩy răng, chỉnh nha,… sai kỹ thuật.
2. Điều trị tụt lợi
2.1. Tụt lợi nhẹ
Trường hợp tụt lợi nhẹ, bệnh nhân có thể sẽ được điều trị như sau: Chuyên gia vệ sinh sạch sẽ khu vực tụt nướu để loại bỏ vi khuẩn. Sau đó, chuyên gia sẽ chỉ định bệnh nhân sử dụng kháng sinh để tiêu diệt số vi khuẩn còn lại.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể sử dụng một số thực phẩm có sẵn trong bếp sau để hỗ trợ cải thiện tình trạng tụt lợi:
– Mật ong: Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, sau đó lấy tăm bông chấm mật ong vào vùng lợi tụt; để 5 phút rồi súc miệng lại với nước.
– Trà xanh: Súc miệng bằng nước trà xanh mỗi ngày 2 – 3 lần
– Dầu mè: Làm ấm 3 thìa dầu mè. Trong đó, trộn 2 thìa với kem đánh răng. Thìa còn lại dùng để ngậm và súc miệng sau khi đánh răng xong. Duy trì tần suất sử dụng là 2 – 3 lần một ngày.
– Chanh và dầu ô liu: Trộn nước cốt chanh với dầu ô liu theo tỷ lệ 2:1, giữ hỗn hợp trong chai thủy tinh trong 1 tháng. Sau đó, sử dụng hỗn hợp này để mát xa vùng lợi bị tụt. Chú ý: Tần suất hợp lý để thực hiện phương pháp này là 3 lần 1 tuần.
– Tỏi: Giã nát tỏi và vắt lấy nước cốt. Lấy nước cốt đó bôi vào vùng tụt lợi. Sau đó súc miệng lại với nước.
– Nha đam: Dùng gel nha đam bôi trực tiếp lên vùng lợi tụt hoặc trộn gel nha đam với kem đánh răng và sử dụng như bình thường.
2.2. Tụt lợi nặng – 3 phương pháp phẫu thuật tụt lợi phổ biến
Trường hợp tụt lợi nặng, không thể điều trị bằng kháng sinh, bệnh nhân chỉ có thể phẫu thuật tụt lợi. Theo đó, phương pháp này giúp tái tạo hình dạng lợi và ngăn ngừa tình trạng tụt lợi diễn biến nặng. Phương pháp này được thực hiện như sau: Chuyên gia bóc tách lợi. Sau đó sử dụng mô ở vùng khẩu cái hoặc các vùng phù hợp khác để ghép vào vị trí lợi bị tụt. Cuối cùng, chuyên gia sẽ khâu vết thương và phủ kín lợi bằng một màng sinh học nhân tạo. Vết thương cần 6 tuần để lành và cấu trúc lợi cần 1 năm để phục hồi.
Hiện nay, có 3 phương pháp phẫu thuật tụt lợi phổ biến. Tùy tình trạng của mỗi bệnh nhân, chuyên gia sẽ chỉ định phương pháp cụ thể phù hợp.
– Ghép mô liên kết: Được chỉ định cho trường hợp tụt lợi vì viêm lợi, viêm nha chu. Chuyên gia sẽ sử dụng phần da ở vòm miệng và mô liên kết dưới biểu mô để trám vào vùng tụt lợi.
– Ghép lợi tự do: Được chỉ định cho trường hợp lợi tụt bẩm sinh. Mô được dùng để ghép cũng là mô vòm miệng.
– Ghép cuống: Trường hợp tụt lợi mà vẫn có nhiều mô lợi quanh răng, chuyên gia sẽ trực tiếp sử dụng phần lợi ấy để cải thiện tình trạng tụt lợi. Theo đó, phần cuống hay vạt lợi (mô lợi quanh răng) sẽ được cắt một phần rồi kéo xuống, che chân răng bị lộ, sau đó được khâu cố định vào vị trí phù hợp.
Phía trên là thông tin tổng quan về tụt lợi và các phương pháp phẫu thuật tụt lợi. Để cải thiện nhanh chóng vấn đề, đến ngay cơ sở y tế uy tín gần nhất, bạn nhé!