Phẫu thuật đục thủy tinh thể hiện đang là giải pháp hiệu quả và an toàn trong việc điều trị đục thủy tinh thể – Một trong những bệnh nhãn khoa thường gặp ở người cao tuổi và nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh mù lòa. Vậy phẫu thuật thể tinh thể là gì? Cách chăm sóc, phòng ngừa sau phẫu thuật như thế nào? Mời các bạn tìm hiểu thông tin ở bài viết sau.
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm đục thủy tinh thể là gì?
Thủy tinh thể là thấu kính trong suốt và nằm ở bên trong con mắt, có tác dụng hội tụ ánh sáng lên võng mạc và giúp lọc tia tử ngoại trong ánh nắng mặt trời. Thủy tinh thể ở những người khỏe mạnh, không mắc các bệnh về mắt thường có màu trong suốt, các mặt cong và độ dày ở giới hạn sinh lý.
Khi thấu kính này không còn màu trong suốt sẽ khiến cho thị lực bị giảm mạnh, được gọi là tình trạng đục thủy tinh thể. Đục thủy tinh thể có thể nguyên nhân do tuổi tác, do tình trạng chấn thương hoặc các bệnh lý gây ra. Mắt của người bệnh có thể mở nhanh hoặc mờ chậm tùy vào nguyên nhân gây ra bệnh.
– Đục thủy tinh thể do tuổi tác: Những người từ 50 tuổi trở lên thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người trẻ. Tùy vào quá trình lão hóa của cơ thể mà có những người bị từ sớm, có người bị muộn hơn. Người bệnh sẽ có biểu hiện giảm thị lực, thời gian đầu sẽ không giảm nhiều mà sẽ chỉ giảm dần dần, người bệnh không bị chói mắt khi đi ra nắng.
– Đục thủy tinh thể do bệnh lý hoặc do chấn thương: Với những trường hợp này, người bệnh mắt sẽ bị mờ đi nhanh và cảm thấy khó chịu khi đi ra ngoài nắng. Những trường hợp này, phần lớn đều cần mổ sớm để xử lý.
2. Những biến chứng nguy hiểm của bệnh đục thủy tinh thể?
– Đục thủy tinh thể, nếu để lâu ngày sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Tình trạng này, nếu không được điều trị sẽ ngày càng nặng và dẫn tới hiện tượng tăng nhãn áp, vỡ bao và phản ứng viêm màng bồ đào, mắt khô và không thể tiết dịch khiến cho người bệnh đau mắt dữ dội.
– Tình trạng đục thủy tinh thể kéo dài có thể làm teo thần kinh mắt, mắt rất khó phục hồi trở lại dù đã được phẫu thuật. Khả năng sau phẫu thuật của người bệnh là rất kém, thậm chí có trường hợp dẫn tới mù lòa.
– Phần thủy tinh thế bị đục lâu ngày sẽ trở nên cứng và dẫn tới viêm, mắt bị thoái hóa, đồng tử dính lại và gây khó khăn khi tiến hành phẫu thuật. Vì thế các bác sĩ khuyên người bệnh nên mổ càng sớm càng tốt để tránh những biến chứng nguy hiểm.
3. Tổng quan về phương pháp phẫu thuật đục thủy tinh thể
Hiện nay, phương pháp điều trị đục thủy tinh phổ biến nhất chính là phẫu thuật, trong đó, phương pháp Phaco được đánh giá cao về tính hiệu quả. Đây là phương pháp mà các bác sĩ dùng năng lượng sóng siêu âm để tán và tách phần tinh thể bị đục thành các mảng nhỏ, sau đó hút ra ngoài qua một vết mổ nhỏ, đồng thời thay vào đó là một thủy tinh thể nhân tạo.
Phương pháp này được giới chuyên môn đánh giá là an toàn với nhiều ưu điểm: vết mổ nhỏ, thời gian thực hiện nhanh, bệnh nhân có thể xuất viện trong vài ngày, thị lực của người bệnh được phục hồi nhanh chóng, không gây chảy máu, không đau hoặc ít đau.
Đặc biệt, sau mổ, người bệnh có thể cải thiện thị lực và sinh hoạt bình thường, có thể di chuyển, lái xe, đọc sách, xem tivi… Trước khi quyết định mổ và lựa chọn thủy tinh thể nhân tạo, các bác sĩ sẽ tư vấn kỹ và chi tiết cho bệnh nhân.
Có một số người cho rằng, mắt vẫn còn nhìn được thì không cần thiết phải mổ đục thủy tinh thể và chờ cho đến khi mắt mờ, không nhìn thấy được thì mới đi phẫu thuật. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm bởi người bệnh cần được mổ càng sớm càng tốt thì mới tăng hiệu quả điều trị. Đợi đến khi mắt mờ không nhìn thấy được nữa thì quá trình phẫu thuật sẽ rất khó khăn và cơ hội thành công sẽ thấp hơn.
4. Cách chăm sóc sau phẫu thuật đục thủy tinh thể và phòng ngừa biến chứng
4.1 Cách chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật đục thủy tinh thể
Sau mổ, bệnh nhân cần được chăm sóc chu đáo và thực hiện theo các chỉ định của bác sĩ, dưới đây mà một số lưu ý:
– Sau sau phẫu thuật bệnh nhân có thể gặp một số biểu hiện như: mắt đỏ nhẹ, hơi cộm, chảy nước mắt.. tuy nhiên, sau vài ngày tình trạng này sẽ tự khỏi.
– Người bệnh cần giữ gìn vệ sinh thật tốt, đặc biệt là vệ sinh mắt và tay hàng ngày.
– Sau phẫu thuật, tuyệt đối không để xà phòng dính vào mắt, tốt hơn không nên gội đầu sau khi phẫu thuật.
– Bệnh nhân có thể tắm dưới cổ và sau 1 vài tuần thì có thể tắm dưới vòi sen, cần kiêng bơi trong thời gian 1 tiếng.
– Nên sử dụng các thực phẩm mềm mại tránh nhai mạnh hoặc nhai nhiều.
– Tuyệt đối không dụi mắt, nên dùng kính hoặc băng mắt khi đi ngủ để tránh vô thức dụi vào mắt khi ngủ.
– Bệnh nhân có thể xem tivi sau đó khoảng 1 tháng và sinh hoạt bình thường.
4.2 Cách ngăn ngừa những biến chứng sau phẫu thuật đục thủy tinh thể
Sau khi phẫu thuật, người bệnh sẽ được chỉ định một số loại khác kháng viêm và nhiễm trùng bao gồm:
– Sử dụng thuốc nhỏ mắt: Bao gồm kháng sinh và kháng viêm steroid.
– Sử dụng thuốc uống: Bao gồm kháng sinh, kháng viêm, giảm đau.
– Nếu sau khi xuất viện, người bệnh có các biểu hiện bất thường như: đau nhức mắt, đỏ mắt, nhìn mờ, chớp sáng có hình ruồi muỗi bay trước mắt thì cần nhanh chóng đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra và thăm khám.
Trên đây là những thông tin về bệnh đục thủy tinh thể, hy vọng các bạn có thể bỏ túi cho mình thật nhiều kiến thức bổ ích về bệnh này. Bên cạnh đó, khi gặp phải các vấn đề về mắt, bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện để hoặc các cơ sở y tế có chuyên môn để được bác sĩ thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời, tránh tình trạng chủ quan, bệnh kéo dài sẽ gây ảnh hưởng lớn đến quá trình điều trị và phục hồi về sau.