Thay khớp vai được nhắc tới là phương pháp tối ưu cho bệnh nhân bị thoái hóa phần khớp vai nặng nề. Tuy nhiên, không phải lúc nào, và ai cũng có thể thực hiện biện pháp này.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về phương pháp mổ thay khớp vai?
Phẫu thuật khớp vai nhân tạo, hay chính là việc thay thế phần khớp vai bị hư hỏng bằng khớp nhân tạo, có thể gắn thêm xi măng xương.
1.1. Trường hợp nào thay khớp vai được chỉ định?
Giống như các bệnh lý khớp khác thì ở khớp vai, khi phương pháp điều trị nội khoa, tại chỗ hay dùng thuốc không đem lại hiệu quả cần thiết, phẫu thuật thay khớp sẽ được cân nhắc thực hiện. Bởi khớp hư hại nhiều sẽ khiến cho khả năng vận động và cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
02 nguyên nhân gây hỏng khớp vai là thoái hóa khớp hoặc gãy xương cổ và chỏm xương cánh tay (gãy xương phức tạp vùng đầu trên xương cánh tay).
Thoái hóa khớp vai thường xảy ra khi người bệnh bị chấn thương do sai khớp kéo dài. Tùy từng mức độ mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Nếu độ thoái hóa nghiêm trọng, người bệnh không thể kiểm soát cơn đau, không thể cử động vai trong hoạt động thường nhật thì thay khớp là biện pháp đáng lưu tâm.
Với trường hợp gãy xương, mức độ gãy từ I tới IV tăng dần, cơ bản dựa vào số mảnh gãy để chuyên gia đưa ra phương án xử lý phù hợp. Nếu tổn thương tới độ IV, bệnh nhân chỉ có thể phẫu thuật hoặc can thiệp bằng kết xương thông thường để duy trì vận động khớp vai.
Trên thực tế, bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng của người bệnh và quyết định của họ để đưa ra phương pháp phù hợp nhất.
1.2. Phân tích ưu, nhược điểm của phẫu thuật thay khớp
Kỹ thuật thay thế khớp vai có tỷ lệ thành công trên 98% nên được ứng dụng rộng rãi hiện nay. Bệnh nhân có thể giảm bớt đau nhức một cách rõ rệt, nhanh chóng lấy lại khả năng vận động cũng như phục hồi chức năng khớp bị hỏng. Cùng với đó, cánh tay và vai dễ dàng cử động mà không gây ảnh hưởng tới các dây hay khoang khớp lân cận. Ngoài ra, phương pháp này cũng làm giảm nguy cơ nhiễm trùng và hạn chế tàn tật cho người bệnh.
Tuy nhiên, phẫu thuật thay khớp vẫn còn tồn tại một số nhược điểm. Do là một kỹ thuật cao, đòi hỏi đội ngũ y bác sĩ thực hiện cần có kinh nghiệm chuyên môn cao, đảm bảo chuẩn từ ekip phẫu thuật tới cơ sở hạ tầng y tế tân tiến, nên không phải cơ sở nào cũng thực hiện được. Vì vậy người bệnh cần cân nhắc và lựa chọn kỹ càng. Một số trường hợp hy hữu, phẫu thuật có thể gây thương tổn tới dây thần kinh và mạch máu, hoặc bệnh nhân phản ứng với thuốc gây mê nên cần tham khảo tư vấn của chuyên gia trước khi thực hiện.
2. Phẫu thuật thay khớp vai được thực hiện ra sao?
Hãy cùng tìm hiểu xem một quy trình thay thế khớp vai nhân tạo được tiến hành như thế nào nhé!
2.1. Quy trình mổ thay thế khớp vai
Sau khi hoàn tất thăm khám, chẩn đoán cũng như có chỉ định phẫu thuật, các bác sĩ sẽ tiến hành thay khớp lần lượt theo các bước.
Đầu tiên, bệnh nhân nằm ngửa trên bàn phẫu, vai kê cao. Chuyên gia sẽ gây mê và gây tê phần vai, cánh tay nhằm giảm đau kéo dài sau phẫu thuật. Tiếp đó, bác sĩ rạch trên mặt trước của vai. Vết rạch cong dài khoảng 10cm, để lộ khớp và đầu trên xương cánh tay. Đồng thời, cơ Delta được tách, các cơ và thần kinh mạch máu được vén sang một bên.
Để nhìn thấy khớp, bác sĩ cắt vào bao khớp, lấy ra phần chỏm xương cánh tay. Lòng tủy xương sẽ được dũa bớt để đặt vừa với dụng cụ nhân tạo, phần sụn hư hại của ổ chảo xương cánh tay cũng sẽ được mài bỏ đi và khoan lỗ phù hợp. Bác sĩ sẽ lắp phần xương cánh tay, ổ chảo nhân tạo vào chỏm khớp. Sau cùng, nếu mức độ vừa khíp đã đạt chuẩn, bao khớp sẽ được khâu lại. Các cơ cũng sẽ được nắn chỉnh đúng vị trí. Phẫu thuật kết thúc là lúc lớp da đã được khâu hoàn thiện.
Khi đã kết thúc phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được chuyển sang các bước theo dõi cũng như phục hồi tiếp theo.
2.2. Hậu phẫu thuật thay khớp vai như thế nào?
Ở trạng thái bình thường sau mổ, người bệnh có thể thấy phần khớp vai mới bị sưng đau, huyết áp tăng hoặc giảm. Tuy nhiên nếu cơn sưng đau, phù nề nghiêm trọng, hoặc lỏng, trật khớp, hay nhiễm trùng khớp vai, bệnh nhân cần tái khám và xử lý ngay.
Ngoài ra, ngay sau khi mổ, bệnh nhân sẽ được bác sĩ hướng dẫn tập luyện nhằm phục hồi chức năng. Các bài tập hướng tới kiểm soát cơn đau, sưng phù nề. Mức độ tập luyện tăng dần nhằm cải thiện sức mạnh, biên độ vận động cho khớp vai. Hiệu quả đạt được là khi bệnh nhân có thể dần trở lại hoạt động cuộc sống bình thường. Dù vậy, họ vẫn cần tránh những vận động mạnh, sai tư thế, mang tính chất lặp đi lặp lại,… Bệnh nhân cũng nên tái khám thường xuyên sau phẫu thuật. Mục đích việc này nhằm theo dõi được tình trạng, kịp thời phát hiện các bất thường nếu có.
Cuối cùng, để đảm bảo việc phẫu thuật thay khớp vai nhân tạo được diễn ra thành công, mong mọi người có đủ kiến thức để cân nhắc, lựa chọn rõ ràng trước khi đưa ra quyết định.