Tuyến yên được đánh giá là một bộ phận có vai trò đặc biệt quan trọng với tăng trưởng và phát triển ở trẻ nhỏ. Bởi cơ quan này đảm nhiệm chức năng sản xuất ra những hormone giúp tăng trưởng chiều cao. Tuy nhiên, khi các hormone này không đủ có thể gây ra bệnh lùn tuyến yên khiến trẻ bị phát triển chậm và lùn hơn so với bạn bè cùng độ tuổi.
Menu xem nhanh:
1. Trẻ thế nào là thiếu hormone tăng trưởng
Trẻ sơ sinh, theo nghiên cứu sẽ có chiều dài dao động khoảng sấp sỉ 50-55cm. Trong năm đầu của sự phát triển trẻ sẽ tăng trung bình khoảng 23-25cm. Trong hai năm tiếp theo sẽ tăng tiếp khoảng 10cm/năm. Bắt đầu từ 3 tuổi, mỗi năm trẻ sẽ tăng thêm khoảng 3cm.
Những trẻ có tình trạng thấp, lùn hơn so với mức độ phát triển bình thường sẽ làm chúng tự ti và mặc cảm hơn so với bạn bè. Đôi khi tình trạng này cũng gây nhiều cản trở cho tương lai sau này.
Trẻ bị thấp lùn hơn so với độ tuổi có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, trong đó nguyên nhân thường gặp nhất được nhắc tới là thiếu hụt hormone tăng trưởng (bệnh lùn tuyến yên).
2. Nguyên nhân khiến trẻ bị lùn tuyến yên
Bệnh lùn tuyến yên xuất hiện khi cơ thể không có đủ hormone tăng trưởng. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tới đa phần các mô bào trong cơ thể. Chức năng chính của hormone này là giúp chuyển hóa giảm mỡ, gia tăng về cơ và thúc đẩy sự phát triển chiều cao ở trẻ.
Bệnh lý này còn có khả năng làm trẻ dễ bị gãy xương, chậm phát triển về mặt thể chất. Đặc biệt nó còn có nguy cơ cao khiến trẻ dễ mắc những bệnh lý về tim mạch. Một số nguyên do chính dẫn đến tình trạng thiếu hụt hormone tăng trưởng có thể nhắc tới như:
– Do di chứng bẩm sinh: giảm sản hoặc bất sản tuyến yên, tình trạng bất thường ở não trước.
– Có sự xuất hiện của các khối u tuyến yên, u vùng dưới đồi.
– Bị chấn thương sọ não, hay các phẫu thuật khi có các chấn thương ở đầu.
– Suy tuyến giáp trạng.
– Đang trong quá trình điều trị ung thư bằng phương pháp chiếu xạ qua hốc mắt, mũi họng hoặc đang bị bạch cầu cấp.
3. Dấu hiệu và phát hiện bệnh lý
Khi đã hiểu được về các nguyên nhân, bạn cũng cần nắm bắt thêm cả các thông tin về dấu hiệu và phương pháp trong chuẩn đoán bệnh được áp dụng phổ biến hiện nay.
3.1. Dấu hiệu lâm sàng để nhận biết bệnh lùn tuyến yên
Đối với trẻ mắc phải tình trạng này, sẽ có những dấu hiệu sau:
– Tổng quan cơ thể bên ngoài không có quá nhiều khác biệt hay mất cân đối, nhưng da có thể hơi vàng.
– Các phần xương, đốt xương bị ngắn còn cơ bắp thì tăng trưởng kém.
– Vùng dưới da thường có ít mỡ, mỡ tập trung nhiều hơn ở vùng ngực, bụng và đùi.
– Kích thước những cơ quan nội tạng khá nhỏ (nhưng chức năng không bị rối loạn nhiều).
3.2. Chuẩn đoán và phát hiện bệnh lùn tuyến yên
Khi phát hiện sự bất thường trong phát triển chiều cao và cân nặng của trẻ, phụ huynh nên đưa con tới các cơ sở y tế để được thăm khám sớm. Đến đây, cha mẹ cần cung cấp thêm một vài các thông tin cần thiết như: sự phát triển trước đây của bố mẹ ở độ tuổi dậy thì, phát triển của anh/chị/em bệnh nhân.
Nếu nghi ngờ trẻ bị thấp do thiếu hụt hormone tăng trưởng, bác sĩ có thể thực hiện một vài xét nghiệm giúp hỗ trợ chuẩn đoán như:
– Chụp X-Quang vùng cánh tay: để xác định độ phát triển của xương nhất là phần sụn tiếp hợp. Khi hết phát triển, các mô này ở cuối xương cánh tay và cẳng chân sẽ hợp nhất.
– Xét nghiệm máu: để tính toán lượng hormone tăng trưởng và một số loại hormone khác.
– Xét nghiệm các chức năng của: thận và tuyến giáp. Cách này để kiểm tra được cơ thể đang sử dụng và sản xuất hormone có hiệu quả hay không.
– Chụp CT: chỉ định trực tiếp khi nghi ngờ trẻ bị u tuyến giáp.
4. Thời gian tốt nhất để điều trị bệnh là khi nào?
Theo các khuyến nghị từ chuyên gia, việc điều trị cho trẻ càng sớm với tình trạng này thì càng sớm càn mang lại nhiều hiệu quả tốt. Vì các hormone tăng trưởng khi được kích thích sớm sẽ rất có lợi đối với sự phát triển của trẻ sau này.
Qua các nghiên cứu, có 3 giai đoạn vàng để trẻ có thể phát triển tốt là:
– Giai đoạn từ sơ sinh đến khoảng 3 tuổi (trung bình tăng 8-10cm/năm).
– Giai đoạn 3-10 tuổi (bé gái), 3-13 tuổi (bé trai) trung bình sẽ tăng 6-7cm/năm.
– Giai đoạn dậy thì: trẻ có thể tăng mạnh từ 8-12cm/năm.
Nếu trẻ bị mắc phải chứng lùn tuyến yên do thiếu hụt hormone tăng trưởng sẽ khiến chiều cao bị chậm phát triển hoặc là dừng hẳn. Vì vậy, tốt nhất nên thực hiện điều trị sớm cho trẻ ở khoảng 3-7 tuổi và duy trì cho tới khi dậy thì. Bắt đầu từ khi 21 tuổi đa phần chiều cao đã bước vào giai đoạn ổn định. Do khi này sụn xương đã bắt đầu khép lại. Trong trường hợp có tiêm thêm các hormone tăng trưởng hay sử dụng các biện pháp kích thích tuyến yên sản sinh hormone thì cũng không giúp chiều cao của trẻ được cải thiện nhiều nữa.
5. Biện pháp giúp cải thiện tình trạng lùn tuyến yên
Việc phối hợp những phương pháp dưới đây trong quá trình điều trị và của thiện bệnh sẽ giúp đạt được hiệu quả tốt hơn:
– Kích thích cho các tuyến sinh dục được phát triển.
– Cung cấp đầy đủ hàm lượng dinh dưỡng cho quá trình phát triển của trẻ. Tăng cường các loại thực phẩm: thịt, cá, trứng, sữa, rau củ và sinh tố,… trong chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ.
– Khi phát hiện có sự sụt giảm hormone tuyến yên thì nên sử dụng phương pháp tiêm hormone kích thích tăng trưởng.
Quá trình tăng trưởng về chiều cao và cân nặng ở trẻ cần được cha mẹ quan tâm, chú ý. Vì có thể sẽ gây nhiều ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển sau này của trẻ. Khi phát hiện bất cứ điều bất thường ở con, phụ huynh nên đưa trẻ đi thăm khám sớm để có phương hướng cải thiện hợp lý từ khi còn nhỏ.