Đều khiến bệnh nhân không thể nhìn rõ ràng những vật thể ở gần, viễn thị và lão thị thường bị nhầm là một. Tuy nhiên, đây lại là 2 tật khúc xạ hoàn toàn khác nhau. Vậy, cụ thể thì viễn thị, lão thị khác nhau như thế nào? Phải làm sao để khắc phục viễn thị, lão thị? Câu trả lời có trong bài viết sau, bạn nhé!
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về viễn thị và lão thị
1.1. Viễn thị
Như đã đề cập phía trên, viễn thị là tật khúc xạ khiến bệnh nhân mất khả năng nhìn gần một cách rõ ràng. Đây là tật khúc xạ có thể di truyền từ bố mẹ sang con cái. Chính vì vậy, bệnh nhân mắc viễn thị có thể nằm trong mọi độ tuổi, không phân biệt già – trẻ, lớn – bé.
Viễn thị phát sinh là do giác mạc không cong mà lại phẳng hoặc trục trước – sau của cầu mắt ngắn bất thường. Vì giác mạc phẳng và trục nhãn cầu ngắn mà hình ảnh, thay vì hội tụ tại võng mạc, lại hội tụ sau võng mạc.
1.2. Lão thị
Giống viễn thị, người bị lão thị cũng nhìn rõ vật thể ở xa hơn vật thể ở gần. Tuy nhiên, đối tượng mắc lão thị thường là những người trên 40 tuổi.
Nguyên nhân chính xác gây lão thị vẫn chưa được phát hiện. Tuy nhiên, theo phỏng đoán của nhiều chuyên gia, có thể là do thủy tinh thể ở người cao tuổi xơ cứng, đàn hồi kém nên khả năng hội tụ ánh sáng lên võng mạc suy giảm.
2. Phân biệt viễn thị và lão thị
Ngay từ thông tin sơ lược, chúng ta đã có thể thấy viễn thị và lão thị khác nhau ở nhiều điểm. Tổng quát lại, chúng ta có thể phân biệt chúng như sau:
2.1. Đối tượng
– Viễn thị: Mọi người ở tất cả các lứa tuổi
– Lão thị: Người trên 40 tuổi
2.2. Nguyên nhân
– Viễn thị: Di truyền, giác mạc phẳng hoặc trục nhãn cầu ngắn bẩm sinh
– Lão thị: Thoái hóa thủy tinh thể do tuổi tác
2.3. Dấu hiệu nhận biết
– Viễn thị: Nhìn mờ vật ở gần, nhìn rõ vật ở xa. Dấu hiệu này không khó phát hiện. Tuy nhiên, thường bị bỏ qua ở người trẻ tuổi, vì ít người nghĩ người trẻ, thậm chí là vị thành niên, cũng có thể bị viễn thị.
– Lão thị: Nhìn mờ vật ở gần, nhìn rõ hơn vật ở xa. Tuy nhiên, ngoài dấu hiệu nhận biết đó, người lão thị còn có thể bị chảy nước mắt liên tục.
2.4. Cơ chế hoạt động của mắt
– Viễn thị: Người viễn thị, dù nhìn gần hay nhìn xa, mắt đều phải điều tiết
– Lão thị: Người lão thị, mắt chỉ phải điều tiết khi nhìn gần còn khi nhìn xa thì không.
3. Điều trị viễn thị và loạn thị
Mặc dù không nguy hiểm, viễn thị và loạn thị vẫn khiến cuộc sống của bệnh nhân gặp không ít
3.1. Điều trị viễn thị
3.1.1. Điều trị triệu chứng
Để cải thiện triệu chứng viễn thị, tức cải thiện thị lực, người bệnh có thể đeo kính gọng hoặc kính áp tròng. Chúng thực chất là những thấu kính lồi, đảm nhận một phần vai trò của giác mạc; giúp ánh sáng hội tụ chuẩn xác, để người viễn thị không bị nhìn mờ, dù vật thể ở gần đi chăng nữa. Người viễn thị từ 0,5 độ trở lên nên sử dụng kính gọng/kính áp tròng, để tránh làm trầm trọng thêm tật khúc xạ này. Những người viễn thị từ 0,5 độ trở xuống có thể tạm thời chưa sử dụng. Bệnh nhân nên lựa chọn tròng kính phi cầu có độ chiết suất cao, đặc biệt với những trường hợp nặng. Những tròng này mỏng, nhẹ và gọn hơn so với tròng kính bình thường. Tuy nhiên, tròng phi cầu chiết suất cao phản chiếu ánh sáng nhiều nên bệnh nhân cần sử dụng tròng có phủ quang chống lóa.
Bên cạnh kính gọng và kính áp tròng, còn một loại kính nữa cũng có thể giúp người viễn thị cải thiện triệu chứng bệnh hiệu quả. Đó là kính Ortho – K. Đây là kính áp tròng cứng, giúp chỉnh hình giác mạc khi người bệnh đeo vào ban đêm. Ban ngày người bệnh có thể tháo ra mà vẫn nhìn rõ ở tất cả các khoảng cách.
3.1.2: Điều trị nguyên nhân
Bằng phương pháp phẫu thuật. Hiện nay, các phương pháp phẫu thuật thường được áp dụng là LASIK, Femto LASIK, ReLex SMILE. Các phương pháp phẫu thuật này sẽ thay đổi hình dạng của giác mạc vĩnh viễn, trả lại cho giác mạc hình dạng bình thường để có thể đảm nhận vai trò khúc xạ ánh sáng.
3.2. Điều trị lão thị
3.2.1. Điều trị triệu chứng
Bệnh nhân có thể sử dụng kính gọng hoặc kính áp tròng để điều trị triệu chứng lão thị. Theo đó, có một số loại kính gọng/kính áp tròng lão thị như sau:
Kính gọng, bao gồm: Kính hai tròng (có 2 loại kính 2 tròng là kính có đường kẻ ngang nhìn thấy và kính cải tiến không có đường kẻ ngang); kính ba tròng (được chỉ định cho trường hợp mất gần hết hoặc mất hết thị lực).
Kính áp tròng, bao gồm: Kính áp tròng mono, kính áp tròng hai tròng và kính áp tròng mono cải tiến.
3.2.2. Điều trị nguyên nhân
Tương tự viễn thị, bệnh nhân lão thị cũng có thể phẫu thuật để xử lý tương đối triệt để tật khúc xạ này. Theo đó, 2 phương pháp phẫu thuật lão thị phổ biến nhất hiện nay có thể kể đến là: Đặt kính nội nhãn và Presby LASIK.
Tuy nhiên, lão thị liên quan trực tiếp đến vấn đề tuổi tác, nên hoàn toàn có khả năng tái phát sau một thời gian.
4. Phòng ngừa viễn thị và lão thị
Về cơ bản, để phòng ngừa viễn thị và lão thị, hãy tuân thủ những lưu ý chung trong ngăn chặn sớm tật khúc xạ:
– Ngồi học và làm việc đúng tư thế: Khoảng cách từ mắt đến sách – vở/máy tính là khoảng 25 – 30cm; cột sống ở tư thế thẳng đứng, vuông góc với mặt ghế; hai chân thoải mái; hai tay đặt đúng điểm tựa quy định.
– Đảm bảo học và làm việc trong điều kiện đầy đủ ánh sáng với bàn ghế đúng tiêu chuẩn
– Thực hiện nghiêm túc chế độ giải lao cho mắt: Ngủ đủ 8 – 9 tiếng/ngày, không học/làm việc/ sử dụng thiết bị điện tử nhiều hơn 2 giờ liên tục,…
– Bổ sung thực phẩm tốt cho mắt như thực phẩm chứa Omega 3, Vitamin A,…
– Thăm khám định kỳ với chuyên gia để được phát hiện và kiểm soát sớm các bệnh lý nhãn khoa.
Như vậy, viễn thị, lão thị là 2 tật khúc xạ có biểu hiện giống nhau nhưng đối tượng, nguyên nhân, cơ chế hoạt động và phương pháp điều trị khác nhau. Để được tư vấn chi tiết hơn nữa về một trong hai hoặc cả hai tật khúc xạ này, liên hệ ngay với Thu Cúc TCI bạn nhé!