Phân biệt các bệnh lý dịch kính võng mạc

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Xuân Loan

Phó khoa Khám bệnh phụ trách chuyên khoa Mắt

Dịch kính và võng mạc là 2 bộ phận quan trọng đối với thị lực. Do đó nhóm bệnh lý dịch kính võng mạc bao gồm nhiều phân loại bệnh khác nhau nhưng đều là những bệnh về mắt gây ảnh hưởng lớn đến thị lực người bệnh.

1. Bệnh lý dịch kính võng mạc là gì?

Trước hết, dịch kính là một khối dạng gel trong suốt nằm sau thủy tinh thể, lấp đầy tới 80% thể tích nhãn cầu. Dịch kính có chức năng tiếp truyền các tia sáng từ bên ngoài vào đáy mắt và có nhiệm vụ cung cấp dinh dưỡng cho thủy tinh thể và võng mạc.

Võng mạc là bộ phận có hình dạng là một lớp nằm trong cùng của nhãn cầu (đáy mắt). Khi ánh sáng bên ngoài hội tụ trên võng mạc, nó sẽ truyền tín hiệu này đến não thông qua hệ thần kinh thị giác. Từ đó, não bộ sẽ cho chúng ta ý thức về sự vật chúng ta quan sát thấy.

dịch kính võng mạc

Cấu tạo mắt và vị trí của dịch kính, võng mạc

Nhóm bệnh lý dịch kính võng mạc là tên gọi chung cho một số bệnh về mắt do sự rối loạn ở võng mạc, thường gặp có các bệnh như:

– Vẩn đục, xuất huyết dịch kính võng mạc

– Bệnh lý liên quan đến hoàng điểm (điểm vàng) mắt

– Tăng sinh màng do sẹo trước võng mạc mắt

– Bong võng mạc

– Các bệnh lý võng mạc do biến chứng của tiểu đường

-….

Theo các nghiên cứu nhãn khoa, tỉ lệ người mắc các bệnh này ngày càng gia tăng, với biến chứng gây giảm thị lực đột ngột hoặc mù lòa nhanh chóng nếu không điều trị. Vì có nhiều phân loại bệnh khác nhau nên nguyên nhân gây bệnh cũng khá đa dạng. Tùy thuộc vào từng bệnh mà người bệnh cũng có những triệu chứng đặc trưng.

2. Các loại bệnh lý về dịch kính võng mạc

2.1 Bệnh xuất huyết dịch kính võng mạc

Xuất huyết dịch kính là hiện tượng máu từ các mạch máu võng mạc chảy vào khoang chứa dịch kính của mắt. Khi máu hòa chung với dịch kính sẽ khiến thị lực của người bệnh bị ảnh hưởng với biểu hiện đặc trưng như nhìn thấy màu hồng hoặc màn đen che phủ trước mắt, mưa bồ hóng. Ngoài ra người bệnh cũng gặp một số biểu hiện đi kèm khác như:

– Cảm giác có vật trôi nổi trước mắt, ruồi bay

– Cảm giác như có sương mù, màng chắn trước mắt

– Cảm giác mất thị lực trung tâm khi vừa ngủ dậy

dịch kính võng mạc

Mắt khi bị xuất huyết dịch kính võng mạc

Nguyên nhân gây nên hiện tượng chảy máu này thường thuộc 3 nhóm chính:

– Xuất huyết do mạch máu bất thường: thường là mạch máu yếu như trong bệnh võng mạc tiểu đường, thiếu máu võng mạc, hồng cầu hình liềm, bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non…

– Xuất huyết do sang chấn tại mạch máu bình thường: thường là do chấn thương, tai nạn, cũng có thể gặp ở một số bệnh nhân bị chấn thương sọ não như hội chứng Terson và shaken baby syndrome.

– Xuất huyết lan ra từ tổn thương vùng lân cận: có thể xảy ra khi có khối u ở cạnh mắt bị rò rỉ máu, máu sẽ chảy vào khoang mắt gây xuất huyết dịch kính, tuy nhiên trường hợp này khá hiếm gặp.

2.2 Bệnh tăng sinh dịch kính võng mạc

Tăng sinh dịch kính là tình trạng có mô sẹo hoặc màng ngay trước võng mạc. Do nguyên nhân cụ thể nào đó, võng mạc có thể bị rách, bong ra khỏi thành nhãn cầu. Lúc này nguy cơ tăng sinh dịch kính là rất cao do các tế bào thuộc lớp dưới cùng của võng mạc lúc này sẽ sản sinh, len lỏi qua vị trí bong, rách lên phía trước võng mạc, gây nên mô sẹo và màng. Những màng, sẹo này sau cùng có thể co kéo dẫn đến bong võng mạc tái phát.

Nhiều bệnh nhân tặng sinh dịch kính có triệu chứng của võng mạc bị co kéo như: chớp sáng, ruồi bay hoặc mất thị trường ngoại biên.

Ngoài ra khi tổn thương tại vùng hoàng điểm, thị lực trung tâm sẽ mất đột ngột. Bệnh nhân có bệnh lý bong võng mạc mãn tính có thể xuất hiện thêm hiện tượng tăng nhãn áp và viêm.

Bên cạnh đó cũng có một số bệnh nhân khai báo không thấy triệu chứng bệnh, thường là các đối tượng:

– Bệnh nhân trẻ tuổi

– Bệnh nhân có tổn thương không bao gồm hoàng điềm

– Bệnh nhân có tình trạng bong tiến triển chậm

Các nguyên nhân và tình trạng có thể dẫn đến tăng sinh dịch kính võng mạc bao gồm:

– Có 1 hoặc nhiều vết rách võng mạc

– Vết rách võng mạc lớn

– Xuất huyết dịch kính

– Bong hắc mạc

– Chấn thương

– Những mắt đã từng phẫu thuật trước đó như phẫu thuật cắt dịch kính, phẫu thuật bong võng mạc, cắt pha lê thể,…

2.3 Bong võng mạc

Bong võng mạc là tình trạng võng mạc bị rời ra một phần khỏi thành nhãn cầu. Nếu không điều trị sớm, bệnh lý này có thể dẫn đến mất thị lực một phần hay mất thị lực toàn phần.

Bệnh bong võng mạc có thể tiến triển âm thầm đến khi bong lớn, thường bệnh nhân sẽ thấy xuất hiện một vài khoảng tối trong thị trường. Ngược lại nếu bong võng mạc đột ngột, bệnh nhân có thế sẽ mất thị lực toàn phần ở mắt bệnh. Ở những trường hợp tiến triển từ nhẹ đến nặng, thị lực trung tâm của bệnh nhân có thể bị nhòe mờ và làm mất tầm nhìn đáng kể.

dịch kính võng mạc

Bong võng mạc có thể dẫn đến xuất hiện khoảng tối trong thị trường của người bệnh

Các triệu chứng đặc trưng mà người mắc bệnh có thể nhận thấy gồm:

– Có điểm đen trôi bồng bềnh hay còn gọi là hiện tượng ruồi bay

– Thấy ánh sáng chói dạng đốm hoặc vệt như ánh đèn flash

Các nguyên nhân gây nên tình trạng bong võng mạc là:

– Dịch sẽ chảy vào những vết rách võng mạc và làm tách võng mạc khỏi thành nhãn cầu.

– Tật cận thị làm mỏng võng mạc và có nguy cơ cao gây tăng các lỗ thủng và các vết rách võng mạc

– Bị gặp biến chứng sau phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể

– Do di truyền có võng mạc yếu

– Hệ quả từ một số bệnh lý như khối u, viêm tại mắt hay do biến chứng từ bệnh tiểu đường.

2.4 Lỗ hoàng điểm

Hoàng điểm nằm ở trung tâm của võng mạc, chỉ chứa tế bào gậy và tế bào nón nên là nơi đem đến thị lực cao nhất, tinh tế nhất. Lỗ hoàng điểm xảy ra khi người bệnh có một vết rách nhỏ trong hoàng điểm.

Giai đoạn đầu, người bệnh có thể thấy nhìn mờ, hình ảnh các đường thẳng hoặc vật thể có thể bị bẻ cong hoặc lượn sóng. Nếu không được chữa trị, lỗ hoàng điểm tiến đến giai đoạn toàn phát, thị lực người bệnh sẽ suy giảm nhiều và có triệu chứng mất thị trường trung tâm – là hiện tượng nhìn xung quanh vẫn tốt nhưng không nhìn được chi tiết hoặc có điểm đen chính giữa tầm nhìn.

Đến giai đoạn muộn của bệnh lý lỗ hoàng điểm, người bệnh có thể gặp biến chứng bong võng mạc và thị lực suy giảm nghiêm trọng.

dịch kính võng mạc

Lỗ hoàng điểm

Nguyên nhân gây nên lỗ hoàng điểm rất đa dạng:

– Do bệnh lý: nổi bật nhất là đái tháo đường hoặc bệnh mắt bẩm sinh Best’s.

– Do sự lão hóa tự nhiên của mắt: do sự giảm thể tích của dịch kính ( tình trạng bong dịch kính sau) khiến dải xơ bị bật ra khỏi võng mạc và gây ra giật mạnh tại vị trí hoàng điểm, tạo lực co kéo tiếp tuyến với bề mặt, dẫn đến lỗ hoàng điểm.

– Chấn thương: sang chấn tại các mô xung quanh hoàng điểm, làm co kéo lên bề mặt, gây ra lỗ hoàng điểm thứ phát.

– Cận thị nặng: làm tăng lực kéo giãn lên bề mặt vùng hoàng điểm nên gây biến chứng lỗ hoàng điểm.

2.5 Tăng sinh trước võng mạc

Bệnh lý màng tăng sinh trước võng mạc còn gọi là thoái hóa màng võng mạc, do mô sẹo xuất hiện ngay trên điểm vàng của mắt. Bệnh thường gặp ở người có độ tuổi từ 50 và phổ biến hơn ở người trên 75 tuổi.

Bệnh có diễn tiến dần dần từ mất thị lực không nghiêm trọng đến nghiêm trọng, tuy nhiên trường hợp nghiêm trọng không nhiều. Đây là bệnh lý khó để phòng tránh nhưng có thể kiểm soát bằng cách giảm yếu tố nguy cơ như là hạn chế mắc các bệnh về mắt như cận thị, chấn thương, bệnh lý võng mạc… và đeo kính bảo hộ khi chơi thể thao…

Dưới đây là một vài triệu chứng khi bị màng tăng sinh trước võng mạc:

– Nhìn mọi thứ mờ hơn

– Hình ảnh có thể bị méo so với thực tế

– Gặp khó khăn khi nhìn chi tiết nhỏ hoặc đọc chữ nhỏ

– Trung tâm tầm nhìn xuất hiện mảng màu xám hoặc điểm mù.

Nguyên nhân bệnh nằm ở quá trình phân tách dịch kính do lão hóa. Thường quá trình này không gây ảnh hưởng nhiều nhưng đôi khi lại gây ra một vài tổn thương nhỏ. Quá trình tự chữa lành của mắt sẽ hình thành nên mô sẹo hoặc lớp màng trên bề mặt của võng mạc.

Trên đây là một số thông tin cơ bản về các phân loại bệnh lý thuộc dịch kính võng mạc. Các bệnh này ban đầu đều không gây quá nhiều ảnh hưởng tới thị lực nhưng người bệnh cũng vì thế mà không nên chủ quan, cần đi khám sớm tại các cơ sở ý tế chuyên khoa uy tín để được điều trị kịp thời, tránh các biến chứng không mong muốn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital