Bệnh truyền nhiễm viêm gan B là gây ra bởi virus viêm gan B (HBV). Bệnh là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy gan, xơ gan, ung thư gan. Hãy cùng tìm hiểu phác đồ điều trị viêm gan B của Bộ Y tế trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Phác đồ điều trị viêm gan B của Bộ Y tế với trường hợp viêm gan B cấp tính
Trên 95% người trưởng thành mắc viêm gan B cấp tính sẽ phục hồi tự nhiên mà không cần điều trị bằng thuốc. Theo Quyết định số 3310/QĐ-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 29 /7/2019, điều trị viêm gan B cấp chủ yếu là điều trị hỗ trợ.
1.1. Phương pháp điều trị hỗ trợ
Người bệnh viêm gan B cấp sẽ được tư vấn thực hiện:
– Nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc nặng, tránh gắng sức trong giai đoạn có triệu chứng lâm sàng.
– Xây dựng chế độ ăn hợp lý: giảm chất béo, kiêng rượu bia,… Trường hợp người bệnh bị nôn nhiều hoặc không ăn uống được, chỉ nuôi dưỡng tạm thời bằng đường tĩnh mạch.
– Tránh dùng các loại thuốc chuyển hóa qua gan.
Các trường hợp diễn tiến nặng cần điều trị hồi sức nội khoa tích cực:
– Duy trì hô hấp, đảm bảo tuần hoàn ổn định.
– Tiêm bắp vitamin K1 (10mg/ngày) hoặc pha loãng tiêm mạch chậm trong 3 ngày khi tỷ lệ prothrombin giảm dưới 60%.
– Đánh giá lâm sàng các bất thường cụ thể để điều chỉnh các rối loạn đông máu, chống phù não, lộc huyết tương,…
1.2. Các loại thuốc kháng virus HBV
Bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc kháng virus như entecavir hoặc tenofovir (TDF, TAF) cho đến khi mất HBsAg.
Các trường hợp sử dụng thuốc bao gồm:
– Viêm gan B thể tối cấp;
– Viêm gan B cấp kèm theo ít nhất 2 tiêu chí: bệnh não gan; Bilirubin toàn phần huyết thanh > 3 mg/dL (hoặc bilirubin trực tiếp > 1,5 mg/dL); INR > 1,5.
– Bệnh kéo dài trên 4 tuần, bilirubin có xu hướng tăng.
1.3. Theo dõi điều trị
Người bệnh cần theo dõi các triệu chứng lâm sàng như: rối loạn tiêu hóa, vàng da, vàng mắt, xuất huyết, rối loạn tri giác, cổ trướng,…
Về cận lâm sàng, người bệnh cần được kiểm tra các chỉ số sau:
– AST và ALT 1 – 2 tuần/lần cho đến khi ALT < 2 lần ULN. Sau đó theo dõi định kỳ 4 – 12 tuần/lần, ít nhất trong 24 tuần.
– INR, bilirubin toàn phần và trực tiếp 1 – 2 tuần/lần cho đến khi về trị số bình thường.
– Xét nghiệm HBsAg, anti-HBs vào tuần điều trị thứ 12 và 24.
– Tư vấn tiêm phòng virus viêm gan B nếu anti-HBs < 10 IU/L (đối với trường hợp phục hồi mất mất HBsAg sau 6 tháng).
Khi kết quả HBsAg dương tính sau 6 tháng, viêm gan B đã chuyển sang giai đoạn mạn.
2. Phác đồ điều trị viêm gan B mạn tính của Bộ Y tế
Theo Quyết định số 3310/QĐ-BYT do Bộ Y tế ban hành, mục tiêu điều trị viêm gan virus B mạn tính gồm:
– Ức chế sự sao chép của HBV lâu dài.
– Cải thiện chất lượng sống của người bệnh, ngăn ngừa diễn tiến xơ gan, ung thư biểu mô tế bào gan.
– Dự phòng lây nhiễm virus viêm gan B cho cộng đồng, trong đó có dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.
– Dự phòng đợt bùng phát viêm gan virus B.
2.1. Nguyên tắc phác đồ điều trị viêm gan B của Bộ Y tế
– Các thuốc uống nucleot(s)ide analogues – NAs là lựa chọn ban đầu. Khuyến cáo chỉ một số trường hợp đặc biệt mới sử dụng Peg-IFN.
– Điều trị NAs với viêm gan B mạn là điều trị lâu dài, có thể kéo dài suốt đời.
– Người bệnh cần nghiêm túc tuân thủ phác đồ điều trị.
2.2. Chuẩn bị trước điều trị
Bác sĩ cần tư vấn cho người bệnh về những vấn đề như sau:
– Sự cần thiết, mục tiêu và hiệu quả của thuốc kháng virus với việc điều trị.
– Tuân thủ điều trị có ý nghĩa quan trọng, cụ thể về cách sử dụng và thời điểm uống thuốc, tái khám đúng hẹn,…
– Chẩn đoán, theo dõi và đánh giá điều trị với các xét nghiệm cần thiết.
– Thời gian điều trị lâu dài đối với dùng thuốc NAs.
– Việc dùng thuốc có thể đi kèm với một số tác dụng không mong muốn.
– Trong quá trình điều trị kháng virus, biến chứng ung thư gan có thể xảy ra, nhất là các trường hợp xơ hóa gan từ giai đoạn 3 trở lên.
Trước điều trị, người bệnh có thể cần tiến hành các xét nghiệm gồm:
– Công thức máu.
– Creatinine huyết thanh, AST, ALT.
– Xét nghiệm đánh giá chức năng gan cần thiết (bilirubin, albumin, tỷ lệ prothrombin, INR,…).
– Siêu âm ổ bụng.
– HBeAg, HBV DNA, Anti – HCV.
– Đánh giá giai đoạn xơ hóa gan (bằng chỉ số APRI, kỹ thuật FibroScan, ARFI, sinh thiết gan,…).
– Người bệnh điều trị Peg-IFN cần làm thêm xét nghiệm đánh giá chức năng tuyến giáp, điện tâm đồ,…
– Một số xét nghiệm khác theo chỉ định của bác sĩ.
2.3. Chỉ định điều trị bằng thuốc kháng virus viêm gan B
Bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc trên cơ sở 3 yếu tố: nồng độ ALT, tải lượng HBV DNA và mức độ xơ hóa gan.
Đối với trường hợp xơ gan, bác sĩ chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng và/hoặc kết quả đánh giá xơ hóa gan bằng sinh thiết hoặc các phương pháp không xâm lấn. Việc điều trị được tiến hành khi tải lượng HBV DNA vượt ngưỡng, không phụ thuộc vào chỉ số ALT và HBeAg.
Đối với người bệnh không xơ gan, điều trị viêm gan B mạn tính cho trường hợp đáp ứng 2 tiêu chuẩn: tổn thương tế bào gan và virus đang tăng sinh.
Tổn thương tế bào gan biểu hiện qua AST, ALT > 2 lần ULN và/hoặc xơ hóa gan từ F2 trở lên.
Virus đang tăng sinh có biểu hiện: HBV DNA từ 20.000 IU/mL trở lên nếu HBeAg dương tính; hoặc HBV DNA > 2.000 IU/mL nếu HBeAg âm tính.
Các trường hợp chưa đáp ứng 2 tiêu chuẩn trên được chỉ định điều trị khi có 1 trong các tiêu chuẩn sau:
– Trên 30 tuổi, ALT > ULN kéo dài (ít nhất trong 24 – 48 tuần) và HBV DNA > 20.000 IU/ml, bất kể tình trạng HBeAg.
– Có thành viên trong gia đình mắc xơ gan hoặc ung thư gan.
– Có các biểu hiện ngoài gan: viêm đa khớp, viêm cầu thận, cryoglobulin máu, viêm đa nút động mạch,…
– Tái phát sau khi dừng điều trị thuốc kháng virus.
2.4. Các loại thuốc điều trị theo phác đồ điều trị viêm gan B của Bộ Y tế
Các loại thuốc kháng virus viêm gan B phổ biến nhất hiện nay là: Tenofovir disoproxil fumarate, Entecavir, Tenofovir alafenamide, Peg-IFN-α-2a (người lớn), FN-α-2b (trẻ em). Mỗi loại thuốc có liều dùng, cách sử dụng và tác dụng phụ khác nhau. Người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, không tự ý sử dụng thuốc.
2.5. Theo dõi điều trị
Nếu chưa có chỉ định điều trị thuốc kháng virus, người bệnh cần khám lâm sàng, xét nghiệm công thức máu, ALT, AST mỗi 12 – 24 tuần; đo tải lượng HBV DNA mỗi 24 – 48 tuần; HBeAg và đánh giá xơ hóa gan mỗi 24 – 48 tuần.
Người bệnh đang điều trị thuốc kháng virus cần chú ý:
– Theo dõi lâm sàng, AST, ALT, creatinin huyết thanh mỗi 2 – 4 tuần sau tháng đầu tiên điều trị.
– Tái khám mỗi 12 tuần khi bệnh đã ổn định và làm các xét nghiệm công thức máu, AST, ALT, creatinin huyết thanh, HBeAg/anti-HBe; đánh giá xơ hóa gan mỗi 24 – 48 tuần.
– Đo tải lượng HBV DNA ở tuần điều trị thứ 12, 24 và 48. Sau đó tiếp tục kiểm tra mỗi 24 – 48 tuần hoặc khi ALT tăng không rõ nguyên nhân.
– Định lượng HBsAg mỗi 24 – 48 tuần khi tải lượng HBV DNA dưới ngưỡng và HBeAg âm tính.
– Theo dõi công thức máu, glucose máu, ure máu, creatinin máu, chức năng tuyến giáp nếu điều trị bằng IFN hoặc Peg-IFN.
Khi đã ngừng điều trị, người bệnh cần thăm khám định kỳ, xét nghiệm mỗi 12 tuần trong ít nhất 1 năm đầu để đánh giá tái phát.
Viêm gan B là mối đe dọa lớn đến sức khỏe toàn cầu cũng như đối với người dân Việt Nam. Trên đây là phác đồ điều trị viêm gan B của Bộ Y tế, hy vọng đã giúp bạn hiểu hơn về cách điều trị bệnh lý nguy hiểm này.