Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một trong những bệnh lý nguy hiểm hàng đầu dẫn đến tử vong, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Việc phát hiện sớm và tuân thủ đúng phác đồ điều trị đóng vai trò then chốt trong việc kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng và kéo dài tuổi thọ. Vậy phác đồ điều trị COPD hiện nay gồm những bước nào, và người bệnh cần lưu ý điều gì trong quá trình điều trị? Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin chi tiết, chính xác và cập nhật nhất về phác đồ điều trị COPD theo từng giai đoạn.
Menu xem nhanh:
1. Sơ lược về bệnh COPD
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một tình trạng rối loạn hô hấp mạn tính, xảy ra khi phổi bị viêm và tổn thương kéo dài, làm giảm diện tích trao đổi khí và dẫn đến hiện tượng cản trở luồng không khí ra vào phổi. Tình trạng này gây ra nhiều vấn đề về hô hấp với các biểu hiện thường gặp như khó thở, thở rít, cảm giác hụt hơi, mệt mỏi, mất ngủ, ho kéo dài và ho có đờm.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một tình trạng rối loạn hô hấp mạn tính
2. Nhận biết các giai đoạn của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
2.1. Giai đoạn 1 – Mức độ nhẹ của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Ở giai đoạn đầu, người bệnh thường chưa có triệu chứng rõ rệt, hoặc nếu có thì chỉ là những biểu hiện mơ hồ như ho nhẹ, khó thở thoáng qua – rất dễ bị nhầm với các bệnh lý hô hấp thông thường.
2.2. Giai đoạn 2 – Mức độ trung bình của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Đây là giai đoạn mà phần lớn người bệnh bắt đầu chú ý và tìm đến điều trị vì các biểu hiện ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là khi vận động mạnh.
2.3. Giai đoạn 3 – Mức độ nặng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
– Ở giai đoạn này, các đợt cấp có thể xuất hiện – tình trạng bệnh đột ngột nặng lên khiến người bệnh phải nhập viện khẩn cấp.
– Những dấu hiệu cần cảnh giác gồm: khó thở dữ dội, gia tăng ho và đờm, thở khò khè rõ, rối loạn giấc ngủ và nhận thức.
2.4. Giai đoạn 4 – Mức độ rất nặng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
– Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất với chức năng phổi bị suy giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến khả năng hô hấp và chất lượng sống.
– Người bệnh thường xuyên phải điều trị nội trú do biến chứng hô hấp như nhiễm trùng phổi, suy hô hấp hoặc các vấn đề tim mạch đi kèm.
3. Phác đồ điều trị phổi tắc nghẽn mạn tính theo từng giai đoạn
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của COPD, các biện pháp điều trị sẽ được cá nhân hóa nhằm kiểm soát triệu chứng, hạn chế tiến triển bệnh và cải thiện chất lượng sống.
3.1. Giai đoạn 1 – Giai đoạn nhẹ
– Trọng tâm điều trị là ngưng hút thuốc lá, yếu tố then chốt để ngăn chặn bệnh tiếp tục tiến triển.
– Bác sĩ có thể chỉ định thuốc giãn phế quản – giúp làm giãn các cơ trong đường thở và cải thiện luồng khí.
– Tác dụng phụ thường thấy gồm: khô miệng, run tay, chóng mặt, ngứa họng, chảy nước mũi.
– Nếu có biểu hiện nghiêm trọng như nhịp tim bất thường, mờ mắt, phát ban hoặc sưng miệng, môi, mắt… thì người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Trọng tâm điều trị là ngưng hút thuốc lá, yếu tố then chốt để ngăn chặn bệnh tiếp tục tiến triển
3.2. Giai đoạn 2 – Giai đoạn ở mức trung bình của bệnh
– Bên cạnh thuốc giãn phế quản, người bệnh sẽ được hướng dẫn các bài tập thở chuyên biệt, điển hình là:
– Thở mím môi: giảm tần số hô hấp và cải thiện luồng khí.
– Thở bằng cơ hoành: tăng hiệu quả sử dụng oxy khi hít thở.
– Bệnh nhân có thể được giới thiệu tham gia chương trình phục hồi chức năng phổi tại bệnh viện, giúp tăng sức bền và cải thiện thể trạng.
3.3. Giai đoạn 3 – Thời điểm bệnh bùng phát mạnh
– Mục tiêu điều trị chuyển sang kiểm soát đợt cấp và giảm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng.
– Thuốc long đờm giúp làm loãng đờm, hỗ trợ tống xuất dịch nhầy.
– Liệu pháp oxy tại nhà nếu chỉ số oxy trong máu thấp.
– Người bệnh có thể cần theo dõi định kỳ từ 2 tuần đến 1 tháng/lần để kiểm soát tình trạng hô hấp.
3.4. Giai đoạn 4 – Giai đoạn đỉnh điểm của bệnh
– Liệu pháp oxy dài hạn: tăng cường cung cấp oxy, cải thiện sức chịu đựng khi vận động.
– Phục hồi chức năng hô hấp duy trì thể lực và giảm biến chứng.
– Việc sử dụng steroid lâu dài có thể gây ra các tác dụng phụ như yếu cơ, mệt mỏi, sụt cân, viêm miệng, tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp.
– Ở một số bệnh nhân đủ điều kiện, phẫu thuật phổi hoặc ghép phổi có thể được cân nhắc như một giải pháp cuối cùng, tuy nhiên chỉ áp dụng cho những trường hợp đặc biệt.
4. Giải đáp các câu hỏi liên quan đến COPD
4.1. Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)?
Nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh COPD, bao gồm cả yếu tố cơ địa và tác động từ môi trường sống hoặc nghề nghiệp. Trong đó, hút thuốc lá và thuốc lào là nguyên nhân phổ biến và quan trọng nhất. Người hút thuốc, dù là chủ động hay hít khói thuốc thụ động, đều có nguy cơ mắc COPD cao. Một nghiên cứu của PGS. Đinh Ngọc Sỹ và cộng sự tại Việt Nam cho thấy: những người hút thuốc có nguy cơ mắc COPD cao gấp 3,4 lần so với người không hút, áp dụng cho cả nam và nữ.
Ngoài ra, một số tác nhân khác gồm:
– Tiếp xúc kéo dài với bụi và hóa chất trong môi trường lao động: Người làm việc trong ngành nghề tiếp xúc với bụi mịn, khí độc hoặc hóa chất (như công nhân mỏ, nhà máy xi măng, nông dân…) có nguy cơ cao bị tổn thương phổi. Khi kết hợp với hút thuốc, bệnh tiến triển nhanh hơn và nặng hơn.
– Ô nhiễm không khí: Cả ô nhiễm ngoài trời (do khí thải, bụi mịn ở đô thị) và ô nhiễm không khí trong nhà (do đốt củi, rơm rạ, than trong điều kiện kém thông gió) đều có thể làm tăng nguy cơ phát triển COPD, đặc biệt ở người có bệnh tim phổi nền.
4.2. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể chữa trị dứt điểm được không?
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là một bệnh mạn tính không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng có thể kiểm soát được nếu điều trị đúng cách. Mục tiêu của điều trị là:
– Làm giảm triệu chứng (như khó thở, ho, khạc đờm… đặc biệt trong các đợt cấp).
– Ổn định bệnh lâu dài, giảm tần suất các đợt cấp và biến chứng.
– Giảm nguy cơ tử vong và tàn phế liên quan đến bệnh.
– Người bệnh cần sử dụng thuốc đều đặn (đặc biệt là thuốc hít, thuốc xịt), đồng thời duy trì lối sống lành mạnh và tái khám định kỳ để kiểm soát bệnh tốt hơn.

Người bệnh cần sử dụng thuốc đều đặn (đặc biệt là thuốc hít, thuốc xịt)
Tóm lại, phác đồ điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được xây dựng dựa trên mức độ nặng nhẹ của bệnh và tình trạng sức khỏe cụ thể của từng người bệnh. Việc điều trị đúng cách, kết hợp giữa dùng thuốc, phục hồi chức năng hô hấp và thay đổi lối sống sẽ giúp kiểm soát tốt triệu chứng, hạn chế tiến triển nặng và nâng cao chất lượng sống. Người bệnh nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ, tái khám định kỳ và đặc biệt không được tự ý bỏ thuốc để đạt hiệu quả điều trị tối ưu. Để được tư vấn chi tiết về phác đồ điều trị COPD phù hợp, hãy đến cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và theo dõi kịp thời.