3 đối tượng dễ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (copd)

Tham vấn bác sĩ

Nếu bạn thuộc một trong ba đối tượng dễ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (copd) thì cần có sự quan tâm tới sức khỏe của mình ngay từ sớm. Chủ động dự phòng bệnh giúp bạn an tâm làm việc, vui chơi và tránh được nhiều rủi ro tấn công trong tương lai.

1. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (copd) là gì?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay còn gọi tắt là COPD là tình trạng người bệnh khó thở nặng mỗi khi gắng sức, khó thở cả ngày và đêm, không liên quan đến thời tiết. Khi bệnh tiến triển, người bệnh khó thở cả khi thở ra và hít vào. Tình trạng này xảy ra từ từ và liên quan đến phản ứng viêm bất thường của phổi với:

– Các hạt bụi.

– Khí độc hại có trong thuốc lá, thuốc lào.

Bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn mà sẽ tiến triển ngày càng nặng theo thời gian nếu không được kiểm soát tốt. Do đó, lưu ý những biểu hiện sớm của bệnh là rất quan trọng, có ý nghĩa trong việc điều trị hiệu quả và ngăn chặn biến chứng.

1.1. Biểu hiện nhận biết người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (copd)

Các biểu hiện điển hình khi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bao gồm:

– Ho dai dẳng.

– Khạc đờm.

– Khó thở mỗi khi gắng sức.

Ngoài ra, tùy mỗi người có thể có hoặc không triệu chứng toàn thân như:

– Cơ thể mệt mỏi.

– Đau ngực.

– Sốt.

Lúc đầu người bệnh sẽ có tình trạng ho ngắt quãng, sau đó tần suất ho tăng lên, có thể ho cả ngày. Bên cạnh đó, người bệnh sẽ thường khạc đờm vào buổi sáng sau khi ngủ dậy, dịch đờm trong và nhầy số lượng ít sau mỗi lần ho. Tuy nhiên cũng có trường hợp không có biểu hiện ho hay khạc đờm, thay vào đó là triệu chứng khó thở tăng dần theo thời gian. Ban đầu khó thở xảy ra khi người bệnh gắng sức làm việc gì đó, dần dần triệu chứng này xuất hiện cả khi người bệnh nghỉ ngơi, không làm gì.

biểu hiện của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (copd)

Ho là triệu chứng điển hình giúp nhận biết bệnh

1.2. Ảnh hưởng xấu do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (copd) gây ra

Tình trạng phổi tắc nghẽn mạn tính rất phổ biến hiện nay và có xu hướng ngày càng gia tăng. Nhiều người chưa ý thức rõ về mức độ nguy hiểm cũng như ảnh hưởng của bệnh tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Do đó, những triệu chứng ban đầu rất dễ bị xem nhẹ, chỉ tới bệnh viện khám khi bệnh có đủ thời gian dài diễn tiến nặng thêm và các triệu chứng bệnh đã trở nên nghiêm trọng.

Một số biến chứng nguy hiểm tới chính sức khỏe người bệnh đó là:

– Tăng áp lực động mạch phổi.

Tràn khí màng phổi.

Suy tim.

– Tử vong.

Ngoài ra, nếu không có sự kiểm soát tốt ngay từ đầu thì bệnh còn ảnh hưởng xấu tới chất lượng cuộc sống:

– Giấc ngủ bị ảnh hưởng, ngủ không ngon giấc, dễ bị tỉnh khi đang ngủ.

– Giảm tập trung dẫn đến hiệu quả làm làm việc, học tập giảm sút.

– Các hoạt động, việc làm hằng ngày trở nên khó khăn.

– Tâm trạng lo lắng, căng thẳng nhiều hơn.

2. Ai dễ mắc bệnh?

Những người có nguy cơ cao mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là:

– Người có thói quen hút thuốc lá, thuốc lào trong nhiều năm liên tiếp.

– Người thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường ô nhiễm bởi bụi nghề nghiệp, khí thải, khí độc công nghiệp (thợ mỏ, thợ xây dựng,…).

– Người thiếu hụt men alpha 1 antitrypsin do di truyền.

Nếu bạn nằm trong các đối tượng kể trên và có thêm biểu hiện ho, khạc đờm, khó thở thì cần tới ngay cơ sở y tế để kiểm tra. Dựa vào mức độ bệnh hiện tại thì có thể điều trị nhập viện hoặc điều trị ngoại trú.

Nhận biết sớm và điều trị kịp thời giúp giảm tỷ lệ tử vong, ngăn chặn tình trạng giảm chức năng hô hấp. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tàn phế, làm giảm chất lượng sống của người bệnh.

ai dễ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Người “nghiện” thuốc lá dễ mắc bệnh hơn so với người khác

3. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có điều trị khỏi hẳn không?

Vì đây là 1 dạng bệnh mạn tính nên việc điều trị khỏi hoàn toàn là không thể. Mục tiêu của các phương pháp điều trị đó là:

– Giảm triệu chứng, đặc biệt là trong các đợt cấp của bệnh. Các triệu chứng như cảm giác khó thở, ho dai dẳng, sốt,… sẽ giảm bớt đi, không gây khó chịu hay ảnh hưởng nhiều đến người bệnh.

– Giảm nguy cơ bị bệnh nặng theo thời gian.

– Giảm tỷ lệ phải nhập viện điều trị và tỷ lệ tử vong.

Do đó, việc tuân thủ phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra là rất cần thiết. Bạn không nên thấy triệu chứng giảm bớt sau 3-4 ngày dùng thuốc mà tự ý dừng hẳn. Điều trị cần cả quá trình, việc duy trì điều trị giúp đạt hiệu quả cao, không gây phí thời gian hay tiền bạc cho người bệnh.

Bên cạnh đó, khi các triệu chứng bệnh giảm bớt, tình trạng sức khỏe được cải thiện thì người bệnh cũng trở nên vui vẻ, yêu đời hơn. Khi tâm lý được thoải mái, ít lo âu về bệnh thì việc tận hưởng cuộc sống, theo đuổi đam mê cũng dễ dàng hơn.

4. Một số lưu ý để kiểm soát bệnh tốt

Để có thể “chung sống” hòa bình với bệnh lý này, có một số lưu ý sau cần ghi nhớ dành cho bạn:

– Xem xét bản thân có thuộc vào nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hay không. Nếu có cần lưu ý, đề phòng với các dấu hiệu như ho, khạc đờm, khó thở và tới bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt.

– Tuân thủ theo đúng lịch trình điều trị mà bác sĩ đưa ra. Tái khám định kỳ để theo dõi, đánh giá tiến triển của bệnh, ngăn chặn biến chứng xảy ra bất cứ lúc nào.

– Bỏ hút thuốc lá, thuốc lào nếu có thói quen này. Thường bỏ thuốc ngay rất khó để thực hiện, bạn có thể giảm tần suất hút thuốc theo thời gian, sau đó làm quen với việc bỏ hẳn. Tuy nhiên, thời gian bỏ thói quen hút thuốc cần hoàn thành càng sớm càng tốt, tránh để bản thân trì hoãn. Tốt nhất nên xây dựng một kế hoạch cai thuốc hiệu quả – nhanh gọn.

– Nếu không hút thuốc, bạn cần tránh xa những nơi có khói thuốc, không tiếp xúc gần với những người đang hút thuốc.

– Luyện tập với các bài vận động nhẹ, phù hợp với sức của mình. Tránh tập các bài nặng, việc gắng sức sẽ khiến cho bệnh trở nên tồi tệ hơn.

– Giữ không khí trong nhà thật sạch, mặc đồ bảo hộ khi làm việc trong môi trường ô nhiễm.

kiểm tra sức khỏe định kỳ

Kiểm soát bệnh bằng xây dựng lối sống lành mạnh và duy trì thói quen thăm khám định kỳ

Với những ai dễ mắc cănbệnh này, bạn nên có sự chủ động quan tâm, chăm sóc sức khỏe bản thân từ sớm. Không xem nhẹ các triệu chứng bất thường, kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm là cách giúp bạn phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, ngăn biến chứng nguy hiểm xảy đến.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital